Sau khi nhận kết quả, theo quy chế, mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi. Do đó, nếu có băn khoăn, chưa thỏa mãn về điểm thi, thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi.
Nơi thí sinh đăng ký dự thi sẽ nhận đơn phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh có đơn phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và thông báo kết quả phúc khảo cho thí sinh.

Theo quy định, Ban thư ký sẽ tra cứu từ số báo danh để tìm ra số phách bài thi tự luận hoặc phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh có đơn phúc khảo đồng thời rút bài thi, đối chiếu với phiếu thu bài để kiểm tra. Tập hợp các bài thi cần phúc khảo theo từng bài thi/môn thi của kỳ thi.
Đối với bài thi Ngữ văn, mỗi bài thi sẽ do hai giám khảo chấm lại. Giám khảo chấm bài phúc khảo sẽ sử dụng bút mực có màu khác với màu đã được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh.
Đối với bài thi tự luận do hai giám khảo chấm, nếu kết quả chấm của hai người giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo.
Trường hợp kết quả chấm của hai giám khảo chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì bài thi tiếp tục được rút ra giao cho lãnh đạo Ban phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.
Nếu kết quả chấm của hai trong ba giám khảo chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của cả ba giám khảo chấm phúc khảo lệch nhau thì lãnh đạo Ban phúc khảo sẽ lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm trả cho thí sinh.
Cũng theo quy chế, bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu đã công bố từ 0,25 điểm trở lên, thí sinh sẽ được điều chỉnh điểm.
Trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên, phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các giám khảo đợt đầu và giám khảo chấm phúc khảo và có ghi biên bản. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực phải báo cáo lãnh đạo Ban phúc khảo để xử lý theo quy định.
Đối với bài trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT cũng có quy định về quy trình chấm thi cụ thể để các hội đồng áp dụng.
Tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm nạp danh sách thí sinh phúc khảo vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Sau đó đối chiếu từng câu trả lời đã tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm với hình ảnh đã quét lưu trong máy tính và kết quả nhận dạng trên máy tính, nếu phát hiện có sai lệch thì phải xác định rõ nguyên nhân và xử lý; thực hiện in kết quả chấm từ phần mềm chấm thi trước và sau khi sửa lỗi để lưu hồ sơ.
Dữ liệu chấm phúc khảo được xuất ra từ phần mềm, ghi vào 2 đĩa CD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản, có chữ ký của lãnh đạo Ban phúc khảo.
Tổ Giám sát phải thực hiện nhiệm vụ giám sát trực tiếp, thường xuyên, liên tục tất cả các khâu trong quá trình phúc khảo bài thi trắc nghiệm.
Trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT những năm trước, kết thúc kỳ thi, tại các Hội đồng thi luôn có số lượng thí sinh đề nghị được phúc khảo bài thi. Thực tế, đã có những bài thi tăng điểm được điều chỉnh.
Ví dụ như năm 2020, tại Hội đồng thi Hà Tĩnh, có thí sinh được điều chỉnh điểm tổ hợp Khoa học xã hội lên tới 22,5 (từ 14,75 lên 37,25) điểm, lý do, em này tô nhầm mã đề. Hay cũng từng có trường hợp các bài thi được điều chỉnh điểm là do chất lượng bản in phiếu trả lời trắc nghiệm không đồng đều, dẫn đến việc máy quét không nhận diện được một cách chính xác.
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 với gần 1,17 triệu thí sinh dự thi. Sau khi công bố điểm thi, chậm nhất ngày 22/7, thí sinh sẽ được nhận giấy chứng nhận kết quả thi, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; chậm nhất 8/8 sẽ xét tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.
Theo Hà Linh (TPO)