Mỗi độ xuân về, cây lúa đang “thì con gái”, bất chợt một ngày cánh én ngập tràn chao liệng trên sắc xanh non nõn mượt mà. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tạc những cánh én vào sắc xuân bằng những câu thơ lấp lánh vẻ thanh tân: “Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Chim én là loài chim di trú. Khi tiết trời ấm áp, chúng từ phương trời nào đó trở về xứ sở của lúa xanh rờn, bay lượn nô đùa. Hình như chúng vừa du xuân rong chơi, vừa kiếm bắt những loài côn trùng có cánh trên cánh đồng mênh mang lá lúa làm mồi. Dập dờn thơ thới những chấm đen trên sắc thắm miên viễn bất tận.
Những ngày ấy, đám trẻ mục đồng cứ nôn nao. Đứa đi tìm lóng tre tốt. Đứa đi kiếm túm lông đuôi ngựa. Đứa đan vỉ bắt ruồi… Rồi xúm nhau làm que bẫy én. Những lóng tre dài được chẻ nhỏ như những chiếc hom nơm, một đầu vót nhọn để cắm xuống ruộng, một đầu được chẻ thành 3 nhánh làm cái bẫy én. Bẫy én xứ đồng quê thời xa xưa ấy thật thô mộc giản đơn. Nó như một trò chơi nơi đồng đất lấm lem. Phần trên của thanh tre được chẻ thành 3 thanh ngắn. Hai thanh ở hai bên mỏng như lá lúa, dài độ 2-3 phân Tây, mỗi cái bẻ nghiêng về một phía, thành 2 cánh hình chữ V. Trên đầu chữ V ấy cột nuộc lông đuôi ngựa, tạo ra một sợi vòng cung nho nhỏ mỏng manh vòng qua phía trên, từ bên này sang bên kia. Thanh tre nhỏ ở giữa vót nhọn và cắt ngắn chỉ còn một mẩu nhỏ, chõ ngược trở lên. Ở đó sẽ cắm một con ruồi chết khô. Thế là xong một cái bẫy én lông ngựa.
Minh họa: Huyền Trang |
Chiều xuân, khi cánh đồng làng chấp chới cánh chim chao liệng thì hè nhau vác cả ôm bẫy én ra đồng. Mỗi đứa đi một góc, cắm những cái bẫy trên ruộng lúa non. Lúa mới xanh màu đẻ nhánh, chỉ tầm vài gang tay, cắm cái bẫy tre cao vượt lên phía trên cả dăm chục phân Tây. Đó như những cái que ngẫu nhiên trồi lên trên bạt ngàn thảm lá lúa xanh ngan ngát.
Chim én là loài có đôi mắt vô cùng tinh tường, dù bay cao, bay nhanh như gió, hễ đâu đó có con mồi dù nhỏ đến mấy chúng cũng nhanh chóng phát hiện và phóng mình đớp gọn. Những con ruồi khô găm ở bẫy én có sức hút đầy ma lực. Khi con én từ trên cao nhào xuống bẫy, theo phản xạ tự nhiên chúng đớp nhanh con mồi và vút bay. Đúng lúc ấy, cái que giữa sẽ ghìm vào ức, sợi lông đuôi ngựa vòng cung sẽ tròng vào đôi cánh. Con én mắc bẫy chỉ còn cách đập cánh trong vô vọng.
Cắm bẫy tầm hơn tiếng đồng hồ, khi có khá nhiều chim én mắc bẫy, bọn trẻ trâu sẽ ra đồng gỡ chim, thu que. Những con én đồng quê mập mạp tròn quay, dù chỉ nhỏ xíu nhưng là món quà trời đất ban tặng tuổi thơ xứ đồng.
Bẫy én mùa xuân như là những huyền ức xa xưa của loài người từ thời hồng hoang săn bắt, sống lại trong tâm thức của mỗi đứa trẻ trai thôn dã lấm láp. Giữa hàng ngàn vạn con én dập dờn trên đồng quê, dẫu cả buổi bắt được vài chục con thì niềm vui vẫn ngập tràn trong bọn trẻ. Đam mê bất tận. Rồi mùa xuân qua đi, để lại bao nhiêu đợi chờ mong ngóng về cánh én nhỏ nơi ruộng đồng quê lúa. Tuổi thơ cũng qua đi, chỉ còn lại bao nhiêu hoài niệm mơ hồ mà ngọt ngào xao xuyến.
Rồi đến thời, miền quê tôi vùng Bắc Trung Bộ người ta sưu tầm được các chiêu thức bắt én công nghệ cao. Từ nhựa siêu dính đến loa gọi én, đến bẫy lưới sập. Nghe nói, đó là những loại công cụ tuyệt diệt chim én của Trung Quốc được nhập vào. Thứ trò bẫy én lông đuôi ngựa của tuổi thơ chúng tôi trở thành đồ bỏ xó, chẳng ai thèm đếm xỉa. Mà người bẫy chim én đồng quê cũng trở nên chuyên nghiệp, sở hữu “ma thuật” bắt én để bán kiếm gạo kiếm cơm! Một thứ công nghệ diệt cánh én mùa xuân vô cùng hữu hiệu!
Gần đây được biết chính quyền ở quê đã có lệnh cấm đánh bắt chim trời bằng các thứ công nghệ tuyệt diệt vô độ. Và, lòng tôi lại tràn ngập niềm vui. Vui cho tuổi thơ. Vui cho đồng quê. Vui cho những cánh én báo hiệu mỗi mùa xuân đến!