(GLO)- Vùng đất Tây Sơn Nhì (nay là xã Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) là nơi định cư đầu tiên của người Kinh từ miền Trung lên cao nguyên. Đây cũng là căn cứ địa quan trọng trong buổi đầu của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-1773). Hàng trăm năm qua, nhiều dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa và các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng vẫn được người dân gìn giữ, lưu truyền.
Nhiều dấu tích lịch sử
Từ nhỏ, ông Nguyễn Thanh Nguyên (thôn An Điền Nam) đã nghe các cụ kể lại rằng, trên những cánh đồng, ngọn đồi nơi mình sinh sống có nhiều địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ lãnh đạo như: Trường Đẫm, Rừng Bắn, Gò Trại... Chỉ tay về đồi keo, rẫy mía xanh ngát trước nhà, ông Nguyên cho biết: “Khu vực đó là Vườn Lính, Mễ Kho-nơi nghĩa quân Tây Sơn đếm quân và tích trữ lương thực. Khu vực ngã ba thôn An Điền Bắc giáp với đường liên xã là chợ Trạm Gò-nơi giao thương trao đổi hàng hóa giữa đồng bằng với cao nguyên”.
Nhiều năm qua, xung quanh địa danh Vườn Lính (thôn An Điền Bắc) đã hình thành khu dân cư, nhà cửa san sát, ruộng rẫy trù phú. Anh Đỗ Văn Út cho hay: “Ruộng rẫy và mảnh đất gia đình xây nhà ở hiện nay là của ông cố để lại. Ba mẹ tôi thường thuật lại lời của thế hệ đi trước rằng khu vực này là Vườn Lính, nơi tập trung của nghĩa quân Tây Sơn. Từ nhà tôi đi lên núi Ông Bình (tên chữ của Nguyễn Huệ) không xa. Ngày xưa, Nguyễn Huệ đóng quân ở đó”.
|
Từ Vườn Lính đi lên núi Ông Bình (tên chữ của Nguyễn Huệ) không xa-nơi ngày xưa, vua Quang Trung đóng quân. Ảnh: Ngọc Minh |
Năm 2019, thị xã An Khê xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Quần thể di tích Tây Sơn Nhì-Cửu An gồm: 12 điểm gắn với hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn (không còn kiến trúc vật chất) như Gò Gieo, Gò Cà, Gò Dư, Gò Đám Bí thuộc khu sản xuất; Trường Đẫm, Sân Voi, Sân Trâu thuộc khu chăn nuôi; Gò Đồn, Vườn Lính, Rừng Bắn, Gò Trại thuộc khu luyện quân; Mễ Kho thuộc kho lương thực. 2 điểm gắn với hoạt động di cư và giao thương (không còn kiến trúc vật chất): Chợ Phiên, Trạm Gò. 6 điểm còn kiến trúc tín ngưỡng cộng đồng như: đình Cửu An, Dinh Bà (miếu An Điền, miếu An Điền Bắc) và các miếu An Bình, An Thạch, An Phước, An Điền Nam. Các điểm di tích này được phân bố trên địa bàn xã Cửu An, Xuân An và phường An Phước.
Theo các nhà khoa học, Quần thể di tích Tây Sơn Nhì-Cửu An là những di tích có mối quan hệ lịch sử gắn bó mật thiết với nhau, thể hiện quá trình định cư của cư dân người Kinh từ miền Trung lên Tây Nguyên, cũng như thể hiện quá trình hình thành, phát triển của vùng đất từ “ấp Tây Sơn Nhì” đến “thôn Cửu An” theo từng thời kỳ lịch sử khác nhau trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Trong đó, khu sản xuất, khu chăn nuôi, khu luyện quân, kho lương thực gắn với sự kiện anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ lên Tây Sơn Nhì (thuộc Tây Sơn Thượng đạo) khai hoang lập ấp chuẩn bị lương thảo, quân binh trước khi chính thức phát động cuộc khởi nghĩa. Chợ Phiên, Trạm Gò gắn với hoạt động di cư và giao thương của những người Kinh thời kỳ đầu đến đây khai khoang lập làng, buôn bán, làm ăn. Các đình, miếu gắn với quá trình tụ cư, định cư, mở rộng địa bàn sản xuất và hoạt động tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng đất này qua các thời kỳ lịch sử từ thời Tây Sơn đến thời nhà Nguyễn.
Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn-Nghiên cứu viên chính Bảo tàng tỉnh Gia Lai-cho hay: “Qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, đến nay, các di tích này vẫn tồn tại, vẫn được người dân địa phương ghi nhớ, truyền tụng, gìn giữ. Điều đó chứng tỏ các di tích ấy có ý nghĩa lịch sử văn hóa rất quan trọng đối với cư dân trong vùng. Các di tích này có sự liên kết, quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Vì vậy, chúng tôi xếp chung vào một quần thể và lập chung một hồ sơ”.
Bảo tồn và phát huy
Nhiều năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đều rất quan tâm tổ chức các hoạt động lễ hội liên quan cũng như góp sức gìn giữ, bảo tồn các điểm di tích thuộc Quần thể Tây Sơn Nhì-Cửu An.
Tại thôn An Điền Bắc có Dinh Bà thờ Yă Đố là vợ Nguyễn Nhạc được xây dựng cách đây khoảng 200 năm. Vào ngày 19-2 và 19-8 âm lịch hàng năm, bà con tề tựu về dinh tổ chức cúng Quý Xuân, Quý Thu để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền, hậu hiền. Yă Đố đã có công khai hoang, lập làng, lập ấp, dạy người dân trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất. “Trải qua thời gian, Dinh Bà xuống cấp. Năm 2004 và 2012, người dân đóng góp gần 100 triệu đồng để tôn tạo nhà tiền nhơn và cặp trụ biểu khang trang như ngày hôm nay. Ban Nhân dân thôn cùng các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền người dân bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông và chung tay gìn giữ, bảo vệ các di tích”-bà Phan Thị Mỹ Tho-Trưởng thôn An Điền Bắc-chia sẻ.
|
Di tích Dinh Bà được người dân thôn An Điền Bắc (xã Cửu An, thị xã An Khê) chung tay gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo. Ảnh: Ngọc Minh |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Công-Bí thư Đảng ủy xã Cửu An-cho biết: “Cùng với bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, những năm qua, chúng tôi xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội dâu da đỏ. Thông qua lễ hội, địa phương tái hiện lại những nội dung cơ bản của phiên chợ quê thời xưa, tham quan khu vườn dâu da đỏ, đình Cửu An, Dinh Bà, chùa Minh Quang, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống không tách rời với văn hóa hiện đại. Đồng thời, thu hút du khách, giới thiệu các sản phẩm có giá trị về mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn gốc lịch sử vùng đất Cửu An”.
Hiện tại, các điểm Dinh Bà, đình Cửu An, Gò Đồn, Gò Trại, Mễ Kho, Vườn Lính đã được bổ sung vào Di tích cấp quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Trên cơ sở đó, vừa qua, UBND thị xã An Khê tổ chức hội thảo khoa học Quần thể di tích Tây Sơn Nhì-Cửu An nhằm điều chỉnh, bổ sung thông tin để hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Dương Thanh Hà cho hay: Đối với các di tích đã được đưa vào danh mục di tích cấp quốc gia đặc biệt, thị xã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp quy hoạch phù hợp; các di tích còn lại thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Nhì-Cửu An tiến hành quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ. Cùng với đó, các kiến trúc, cấu kiện và hiện vật, cổ vật có niên đại cao, xuống cấp nặng tại các di tích như: kiến trúc chánh điện miếu An Bình, trụ biểu và bình phong Dinh Bà cần nhanh chóng hỗ trợ trùng tu, tôn tạo. Riêng với những kiến trúc được xây dựng mới, các hiện vật mới được trang bị, sắm sửa, địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế tốc độ xuống cấp, đồng thời tăng cường giá trị thẩm mỹ cho kiến trúc, hiện vật.
NGỌC MINH