Cẩn trọng với giá hồ tiêu tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá hồ tiêu đã bật tăng mạnh, hiện đang xấp xỉ 88 ngàn đồng/kg. Giá tăng nhưng lượng hạt tiêu trong dân gần như không còn nên chỉ hy vọng giá tiếp tục duy trì đến đầu vụ thu hoạch. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân vẫn phải cẩn trọng, không vội đầu tư mở rộng diện tích loại cây trồng này.

Bước vào chu kỳ tăng giá mới

Gia đình anh Phạm Xuân Hưng (làng Đak Trôk, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) có 2 ha hồ tiêu với sản lượng gần 7 tấn. Khi giá lên 70 ngàn đồng/kg, anh đã bán một nửa. Đến khi giá tiếp tục nhích lên 75 ngàn đồng/kg thì anh đã bán hết. “Giá hồ tiêu những năm qua rất bấp bênh nên khi thấy có lãi thì tôi bán để đầu tư vụ mới. Giờ đã cuối vụ, thật sự trong dân gần như chẳng còn hồ tiêu, chỉ những người có vốn lớn mới dám trữ hàng chờ giá lên”-anh Hưng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) thì cho hay: Sản lượng hồ tiêu của các thành viên Hợp tác xã gần như còn rất ít, bởi khi giá bắt đầu tăng vào đầu niên vụ thì các hộ gần như đã bán hết, chỉ số ít còn trữ lại nhưng không nhiều. Thời điểm này, xuất khẩu hồ tiêu đang tăng mạnh nên chủ yếu giới đầu cơ là còn hàng. Theo dự báo, sắp tới giá hồ tiêu có thể vượt trên 90 ngàn đồng/kg và sẽ bền vững trong đầu niên vụ 2021-2022.

 

 Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Trần Hiền
Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Trần Hiền


Việc giá hồ tiêu liên tục tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Ông Phạm Trung Thành-Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Song Hỷ Gia Lai-cho hay: Hiện nay, giá hồ tiêu trong nước đang dao động quanh mức 90 ngàn đồng/kg, giá xuất khẩu khoảng 4.200 USD/tấn. Giá xuất khẩu tăng cộng với chi phí vận tải biển và cước dịch vụ tăng nên đây đang là rủi ro cho các doanh nghiệp. Thường mọi năm đến thời điểm này, chúng tôi đã xuất khẩu sản lượng hồ tiêu khoảng 5-7 ngàn tấn, nhưng năm nay mới chỉ đạt 2 ngàn tấn, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu 8,4 triệu USD. Xét trên bình diện tổng thể, có thể dự báo năm 2022 giá hồ tiêu vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao.

Về vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-đánh giá: Mấy năm vừa qua, giá hồ tiêu rất thấp nên càng đầu tư thì càng bị lỗ. Vì vậy, người dân đã bỏ bê chăm sóc vườn cây nên năng suất giảm nhiều. Qua khảo sát, chúng tôi ước tính năm 2017 diện tích hồ tiêu cả nước khoảng 153 ngàn ha và năm 2021 diện tích có thu hoạch chỉ còn chưa tới một nửa. Cộng với nắng hạn nghiêm trọng nên năng suất vườn cây giảm rất nhiều. “Với các yếu tố trên thì sản lượng của niên vụ 2020-2021 giảm trên 30% so với trước. Nếu lấy số liệu sản lượng thu hoạch của niên vụ 2019-2020 theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam là 240 ngàn tấn thì năm nay chỉ còn khoảng 150 ngàn tấn”-ông Bính dẫn chứng.

Không nên ồ ạt mở rộng diện tích

Mặc dù giá hồ tiêu tăng nhưng chính quyền địa phương khuyến cáo người dân nên thận trọng khi trồng lại. Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Với giá như hiện nay thì người trồng hồ tiêu có lãi nên khả năng sẽ quay lại với cây trồng này. Do đó, huyện đã xây dựng bản đồ quy hoạch thổ nhưỡng phù hợp từng loại cây trồng và trên cơ sở đó xác định những vùng đất nào thích hợp với cây hồ tiêu để khuyến cáo, định hướng cho người dân sản xuất. Đối với những diện tích hồ tiêu hiện có thì người dân nên tiếp tục chăm sóc, phục hồi theo hướng sinh học, hữu cơ. Ngoài ra, nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp để mua giống sạch bệnh, được hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hạn chế dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Hiện tại, Công ty TNHH Olam Việt Nam đang liên kết với người dân sản xuất khoảng 400 ha hồ tiêu.

Theo ông Tứ, bà con nông dân cần cẩn trọng, không nên ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu như 6-7 năm về trước. Chính vì chạy theo phong trào, rồi trồng trên chất đất không phù hợp, áp dụng quy trình sản xuất không hợp lý, lạm dụng các loại phân hóa học… đã dẫn đến dịch bệnh trên vườn cây. “Hiện tại, diện tích hồ tiêu của huyện khoảng 1.500 ha. Chúng tôi khống chế tổng diện tích khoảng 1.700-1.800 ha và chỉ sản xuất tập trung tại các vùng theo bản đồ thổ nhưỡng đã được UBND huyện quy hoạch”-ông Tứ nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Hiện nay, toàn huyện có 2.248 ha hồ tiêu. Khi giá hồ tiêu tăng lên, nhiều hộ có xu hướng muốn quay lại trồng. Song để phát triển bền vững cây hồ tiêu, người dân cần cẩn trọng khi trồng mới. Đặc biệt, người dân nên trồng hồ tiêu xen với cây trồng khác nhằm hạn chế rủi ro khi giá cả biến động. Cùng với đó, UBND huyện đã làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu sạch, liên kết theo chuỗi với diện tích khoảng 50 ha.

 Nông dân xã Ia Blang (huyện Chư Sê) chăm sóc vườn hồ tiêu. Ảnh: Lê Nam
Nông dân xã Ia Blang (huyện Chư Sê) chăm sóc vườn hồ tiêu. Ảnh: Lê Nam


Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê khuyến cáo: “Người dân không được tái canh trên vườn hồ tiêu đã bị chết do dịch bệnh; phải chọn đất phù hợp, tránh tỷ lệ đất sét cao dẫn đến việc giữ nước, dễ bị nấm bệnh. Đồng thời, phải chọn giống tốt và trồng trên trụ cây sống, có đắp mô ở gốc để cỏ cho êm đất trong mùa nắng và rút nước trong mùa mưa. Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với trồng theo hướng hữu cơ nhằm tránh việc lạm dụng phân và thuốc hóa học, vì đây là nguyên nhân gây sâu bệnh… Đặc biệt, bà con không nên trồng khi thấy giá lên và bỏ khi giá xuống, làm như vậy sẽ mang lại nhiều rủi ro”.                                   

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Toàn tỉnh hiện có 13.673 ha hồ tiêu, trong đó có 13.157 ha kinh doanh, 126 ha trồng mới, còn lại là kiến thiết cơ bản. Để phát triển hồ tiêu bền vững, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo quy hoạch của UBND tỉnh và duy trì diện tích hồ tiêu khoảng 12 ngàn ha. Người dân cần thay đổi tư duy trong sản xuất đó là hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Olam, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp… “Ngoài ra, người trồng hồ tiêu phải áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đồng thời, các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy hoạch, quản lý tốt vật tư nông nghiệp, tăng cường quản lý giống”-ông Nghĩa đề xuất.

 

VŨ THẢO - LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.