Cần sớm bàn giao đất cho dân làng Breng 2

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 1995, 12 hộ dân làng Breng 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thỏa thuận giao đất cho ông Nguyễn Huy Thanh-nguyên Giám đốc Xí nghiệp khảo sát Binh đoàn 15 để trồng cà phê trong thời gian 20 năm. Mặc dù đã quá thời hạn thỏa thuận 5 năm nhưng các hộ dân vẫn chưa được trả lại đất.
 

Hành trình 5 năm đi đòi lại đất

Năm 1995, ông Ksor Chôi (làng Breng 2) bất ngờ khi thấy một phần diện tích lúa rẫy của mình bị “người lạ” vào cải tạo để chuẩn bị trồng cà phê. Qua tìm hiểu, ngoài ông còn có 11 hộ cùng làng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bức xúc, ông và các hộ dân đã tập hợp lại để đòi quyền lợi.

Người đang canh tác trên đất của 12 hộ dân là ông Nguyễn Huy Thanh-nguyên Giám đốc Xí nghiệp khảo sát Binh đoàn 15. Lúc này, ông Thanh là chủ hợp đồng trồng cà phê trên diện tích của 12 hộ dân với Nông trường 712 (nay là Công ty TNHH một thành viên Cà phê 15).

Khi biết được các thông tin đó, các hộ dân đã ký biên bản thỏa thuận để ông Thanh được trồng cà phê trên phần đất này trong 20 năm (1995-2015). Theo thỏa thuận, hàng năm, ông Thanh hỗ trợ gạo và trả 10 ngàn đồng/sào cho người dân.

Ông Ksor Chôi (bên phải) trình bày với trưởng thôn Breng 2 về việc đất của gia đình chưa được trả lại. Ảnh: Nhật Hào
Ông Ksor Chôi (bên phải) trình bày với Trưởng thôn Breng 2 về việc đất của gia đình chưa được trả lại. Ảnh: Nhật Hào


Tuy nhiên, đến năm 2015, khi đã hết thời hạn thỏa thuận, các hộ dân vẫn chưa được nhận lại đất của mình. Vì vậy, họ kiến nghị chính quyền địa phương và Công ty TNHH một thành viên Cà phê 15 giải quyết.

“Nhà tôi có 7,5 sào đất thỏa thuận để ông Thanh trồng cà phê. Từ ngày ký thỏa thuận tới nay, mỗi năm, ông Thanh vẫn trả 75 ngàn đồng, nhưng chỉ hỗ trợ gạo cho gia đình duy nhất 1 lần vào năm 1995. Đến năm 2015, ông Thanh không có mặt tại địa phương để bàn giao lại đất cho tôi và cũng không có hỗ trợ gì thêm. Vì vậy, tôi mong chính quyền và Công ty có hướng giải quyết để chúng tôi sớm nhận lại đất canh tác”-ông Chôi cho hay.

Tương tự, bà Rơ Châm Byin (làng Breng 2) cũng than thở: “Nhà tôi có 2 sào đất giao cho ông Thanh canh tác từ năm 1995 đến 2015. Tuy nhiên, ông Thanh chỉ hỗ trợ  25 kg gạo vào năm 1995. Riêng tiền thỏa thuận, ông Thanh vẫn trả đủ 20 ngàn đồng/năm cho 2 sào đất. Từ năm 2015 đến nay, ông Thanh không trả lại đất cho chúng tôi. Khi chúng tôi đồng loạt kiến nghị, Công ty hứa sẽ bàn giao lại đất vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Mong chính quyền địa phương và Công ty bàn bạc để thống nhất trả đất cho chúng tôi”.

Nói về sự việc này, ông Ksor Ơn-Trưởng thôn Breng 2-cho biết: Có 12 hộ giao đất cho ông Thanh với tổng diện tích hơn 5 ha. Thực tế, khu đất này do người dân khai hoang từ lâu, nhưng lại thuộc diện tích đất được UBND tỉnh bàn giao cho Nông trường 712. Vì vậy nên mới xảy ra việc tranh chấp đất giữa các hộ dân với các hộ hợp đồng trồng cà phê với Công ty mà cụ thể là ông Nguyễn Huy Thanh.

Ngoài trồng cà phê, ông Thanh còn cho các hộ dân khác nhận khoán trồng cà phê trên một phần diện tích đất ông đã “mượn” của 12 hộ dân nói trên. Năm 2015, sau khi hết hạn theo thỏa thuận, ông Thanh làm biên bản gia hạn với các hộ dân đến hết năm 2016. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Thanh không có mặt tại Gia Lai để giải quyết trả đất lại cho các hộ dân.

“Thực tế, mỗi sào đất chỉ trả 10 ngàn đồng/năm thì không thấm tháp gì. Đã hết thời hạn hợp đồng thỏa thuận nhưng người dân vẫn chưa được nhận lại đất của mình và không hề được hỗ trợ gì. Rất mong Công ty sớm giải quyết để bàn giao lại đất cho người dân”-ông Ơn bày tỏ.

Cần sớm bàn giao đất cho người dân

Làm việc với P.V, Thiếu tá Lưu Thị Minh Hiền-Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Cà phê 15 tại Gia Lai-khẳng định: Diện tích đất tranh chấp giữa 12 hộ dân với ông Nguyễn Huy Thanh thuộc diện tích của Công ty. Trước đó, Công ty (trước đây là Nông trường 712) được UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum quy định ranh giới thực hiện dự án trồng cà phê tại Quyết định số 30/QĐ-UB ngày 9-2-1987 với tổng diện tích là 1.200 ha để trồng khoảng 500 ha cà phê.

Sau đó, Công ty đã sử dụng phần đất này trồng cà phê và cao su, trong đó có cho các hộ gia đình, cá nhân hợp đồng canh tác. Năm 1994, thực hiện Quyết định số 327/TTCP của Thủ tướng Chính phủ, Nông trường 712 lúc đó hợp đồng với ông Nguyễn Huy Thanh về việc liên kết trồng cà phê theo Chương trình 327 với diện tích 5 ha, thời gian 20 năm (1994-2014).

Bà Rơ Châm Byin mong muốn Công ty sớm bàn giao đất để bà sản xuất cải thiện cuộc sống. Ảnh: Nhật Hào
Bà Rơ Châm Byin mong muốn Công ty sớm bàn giao đất để bà sản xuất, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Nhật Hào


Tuy nhiên, theo Thiếu tá Hiền, năm 1995, ông Thanh tự ý thỏa thuận một số nội dung với các hộ dân làng Breng 2 tại khu đất đang hợp đồng, nhưng không báo cáo Công ty. Năm 2015, theo các nội dung thỏa thuận với ông Thanh, người dân làng Breng 2 đòi lại đất. Lúc này, Công ty mới biết có sự việc.

Cùng thời điểm, ông Thanh về Vĩnh Phúc sinh sống và diện tích đất này được ông ký hợp đồng sang nhượng lại cho các hộ khác nhận khoán trồng cà phê. Vì thế, Công ty đã làm tờ trình gửi Quân khu 5 cũng như làm việc với các ngành của huyện Ia Grai để thống nhất cách giải quyết. Đến ngày 12-1-2021, UBND tỉnh có quyết định thu hồi diện tích đất nói trên. Tuy nhiên, đến ngày 5-3, Công ty mới nhận được quyết định này.

“Thực tế, quá trình làm hồ sơ, thủ tục liên quan mất nhiều thời gian dẫn đến việc chậm trễ trong việc bàn giao đất cho người dân. Tới đây, Công ty sẽ phối hợp với các ngành của huyện Ia Grai bàn giao đất lại cho người dân”-Thiếu tá Hiền cho hay.

* Ông Tài Văn Trung-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai: Ủy ban nhân dân huyện cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần làm việc với Công ty TNHH một thành viên Cà phê 15, chính quyền xã Ia Dêr và các hộ dân. Năm 2020, huyện đề xuất UBND tỉnh thu hồi diện tích đất nói trên để bàn giao lại cho người dân. Tới đây, chúng tôi sẽ sắp xếp làm việc với các bên liên quan để sớm làm các thủ tục bàn giao lại đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

* Ngày 12-1-2021, UBND tỉnh có Quyết định số 01/QĐ-UBND “Về việc thu hồi 50.128 m2 đất của Công ty TNHH một thành viên Cà phê 15 và giao UBND huyện Ia Grai quản lý tại làng Breng 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Cà phê 15 có trách nhiệm bàn giao diện tích đất thu hồi nói trên cho UBND huyện Ia Grai quản lý. Giao Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh lập thủ tục điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân theo đúng quy định. Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai tiếp nhận quyết định thu hồi đất; xem xét giải quyết kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.


NHẬT HÀO
 

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.