Hội nghị G20 năm nay thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mởi nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ khai mạc tại Hàng Châu (Trung Quốc) trong ngày 4-9. (Ảnh: AFP) |
Hôm 4-9, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mởi nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ khai mạc tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đến với hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới mang theo nhiều kỳ vọng lớn và sẽ cùng chia sẻ hàng loạt vấn đề, từ tìm giải pháp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến thúc đẩy thực hiện thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris.
Bên lề G20 lần này cũng là hàng loạt cuộc gặp song phương nhằm giúp các nước giải quyết căng thẳng và tìm tiếng nói chung cho nhiều điểm nóng xung đột hiện nay.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 11 diễn ra trong hai ngày 4 và 5/9 tại thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc. Tiếp quản cương vị Chủ tịch G20 từ Thổ Nhĩ Kỳ, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 và cũng là lần đầu tiên vấn đề “tăng trưởng theo hướng đổi mới” trở thành chủ đề then chốt của chương trình nghị sự.
Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, Trung Quốc hy vọng hội nghị có thể đưa nhóm G20 trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”.
Bốn vấn đề lớn sẽ được các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi tập trung thảo luận khi tới Hàng Châu gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn.
Trong ngày 2 và 3-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc gặp cấp cao song phương với lãnh đạo các nước tới tham dự Hội nghị G20. Trước thềm Hội nghị G20, Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp 20 (B20) diễn ra hôm 3-9 tại Hàng Châu quy tụ các đại diện đến từ giới doanh nghiệp G20.
Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp 20, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh G20 không chỉ thuộc về các nền kinh tế thành viên mà còn thuộc về toàn thế giới.
Ông Tập nói: “Trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp và đang đối mặt với nhiều thách thức, cộng đồng quốc tế sẽ đặt nhiều kỳ vọng cao vào Hội nghị thượng đỉnh G20. Trung Quốc sẽ cùng các nước G20 nỗ lực xây dựng cơ chế thương mại và đầu tư, đồng thời vạch ra chiến lược tăng trưởng thương mại toàn cầu, đưa ra các quy tắc cho đầu tư toàn cầu, củng cố hệ thống thương mại đa phương và tái khẳng định những cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ. Phối hợp và hợp tác là điều chúng ta phải lựa chọn.
Tôi muốn gửi thống điệp tới cộng đồng thế giới rằng G20 không chỉ thuộc về các nền kinh tế thành viên mà còn thuộc về toàn thế giới. Mục tiêu của G20 là tất cả các quốc gia và tất cả người dân sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và phát triển, đặc biệt người dân tại các nước đang phát triển sẽ được hưởng một cuộc sống tốt hơn mỗi ngày”.
Trong các hoạt động bên lề G20, cuộc gặp song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút nhiều sự quan tâm. Tối 3-9, sau khi đến Hàng Châu Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Tổng thống Putin bày tỏ tin tưởng Thỗ Nhĩ Kỳ sẽ sớm ổn định tình hình trong nước, từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa 2 bên. Song ông Putin cũng khẳng định việc tái thiết quan hệ song phương vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho biết, Ngoại trưởng Nga - Mỹ có thể gặp song phương tại Hàng Châu, với nội dung thảo luận chính là Syria. Tuy nhiên, đến nay 2 bên vấn chưa thống nhất thời gian cuộc gặp.
G20 được xem là diễn đàn chủ yếu để thúc đẩy triển khai các hợp tác kinh tế quốc tế hướng tới ổn định và tăng trưởng. Tổng kim ngạch ngoại thương và Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các nền kinh tế G20 lần lượt chiếm hơn 80% và 85% trên toàn cầu, có vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế thế giới.
Hội nghị năm nay thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu hiện đang chật vật sau khủng hoảng tài chính, đồng thời tái định hình nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, hội nghị cũng đứng trước nhiều thách thức do tình hình quốc tế thời gian qua có nhiều biến động. Việc tìm được tiếng nói chung và nhất trí được giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu không phải là bài toán dễ dàng. Dù vậy, các nước vẫn hy vọng hội nghị G20 lần này có thể tạo ra động lực mới, giúp kinh tế thế giới thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài.
Theo VOV