Tổng thống Pháp. Ảnh: Reuters |
Ông Macron sẽ đến Bắc Kinh vào thứ tư (5/4), muộn hơn một ngày so với thông báo trước đó, đồng thời sẽ thăm thành phố Quảng Châu trước khi rời Trung Quốc vào ngày 8/4.
Theo giới phân tích, chuyến thăm của ông Macron nhằm mục đích thúc đẩy vai trò hòa giải của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga-Ukraine, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đi cùng ông Macron trong chuyến thăm lần này. Quan hệ Bắc Kinh-Washington đang trở nên căng thẳng, song lại là cơ hội để Liên minh châu Âu (EU) có thể hưởng lợi từ việc mở rộng hoạt động kinh tế tại thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.
Tổng thống Pháp đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu khiến uy tín của ông trong nước bị sụt giảm. Chuyến thăm Trung Quốc vì thế được coi là động thái nhằm giành lại thế chủ động của ông Macron trong vai trò nhà lãnh đạo hàng đầu EU.
Trung Quốc đã xây dựng hình ảnh như một “trọng tài hoà bình tiềm năng” sau khi đưa ra “Lập trường 12 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” vào tháng 2.
Trong đó, Bắc Kinh kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Kế hoạch của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của Nga, và thậm chí của cả một quốc gia thành viên NATO là Hungary. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ thì ngược lại, còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông chỉ đồng ý với một số điểm trong tài liệu.
Trong diễn biến ngày 1/ 4, trao đổi với người đồng cấp Pháp, ông Zelensky cũng cho biết đã thông báo với phía Pháp về tình hình trên chiến trường. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: “Chúng tôi tập trung vào các bước tiếp theo để thực hiện Công thức Hòa bình. Chúng tôi phối hợp hành động cho các sự kiện quốc tế sắp tới”.
Trước đó, ngày 31/3, Tổng thống Zelensky cũng đã hội đàm với Thủ tướng Croatia Andrej Plenković đang ở thăm Ukraine. Hai bên thảo luận về nhu cầu của quân đội Ukraine, việc gia tăng sức ép đối với Nga, công tác tái thiết sau chiến tranh và ý định của Croatia tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Ukraine vào mùa thu tới.
TS ( từ TTXVN, TPO, qdnd.vn)