Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: V.T |
Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo và thành viên Ban Chỉ đạo138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Gia Lai, tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo 138 và 389 tỉnh.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP về kết quả công tác phòng-chống tội phạm cho thấy, trong năm 2023 cả nước xảy ra 58.086 vụ, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng Bộ Công an đã điều tra, khám phá 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội; phát hiện xử lý 4.452 vụ với 6.334 đối tượng phạm tội về kinh tế; 27.333 vụ, 42.977 đối tượng tội phạm về ma túy…
Nổi lên là nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản gia tăng, nhất là lừa đảo trên không gian mạng, tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng, tiệm vàng, “vỡ nợ”, liên kết, tập hợp qua các hội, nhóm trên không gian mạng gây ra; hoạt động “tín dụng đen” qua mạng và đòi nợ có tính chất khủng bố cá nhân, cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp, công ty tư vấn luật; bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc với tính chất manh động; nhóm tội phạm có nguyên nhân xã hội diễn biến phức tạp hơn, nhất là giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, thanh thiếu tụ tập thành băng nhóm, đâm chém lẫn nhau; tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng, hành vi chống đối manh động; nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài nổi lên là mua bán, lừa đảo người Việt Nam ra nước ngoài và cưỡng bức lao động, cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng...
Các loại tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy; tội phạm mua bán người nổi lên những vấn đề đáng lưu ý, diễn biến phức tạp tại các địa phương có tuyến biên giới và các đô thị trung tâm…
Trước tình hình, diễn biến phức tạp của các loại tội phạm, Ban Chỉ đạo 138/CP đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa; đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm nổi lên. Tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh. Các vụ án điểm được dư luận quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề còn tồn tại và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: V.T |
Năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, công điện, chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; phối hợp triển khai nhiều giải pháp nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thi đua, khen thưởng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ).
Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 14.570,347 tỷ đồng (tăng 14,97% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ).
Trên tuyến biên giới, vùng biển, cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không, địa bàn nội địa, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, động vật hoang dã, xăng, dầu, khoáng sản, vàng, ngoại tệ, đường cát, rượu, bia, thực phẩm đông lạnh, gỗ quý, nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, trâu, bò, lợn, gia cầm, vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, mỹ phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, vải, quần áo, hàng gia dụng, hàng có nguồn gốc nước ngoài đã qua sử dụng… diễn biến phức tạp. Trong nội địa, gia tăng các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, dịch vụ bưu chính, chuyển phát để buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng giấy tờ giả để thành lập doanh nghiệp thực hiện hành vi mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn, chuyển trái phép tiền, trục lợi thuế giá trị gia tăng. Tình hình trên đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng, đơn vị, địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề còn hạn chế tồn tại trong triển khai công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 với những giải pháp cụ thể, chặt chẽ theo sát diễn biến thực tế.
Đồng chí Trần Lưu Quang-Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138:CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh chụp màn hình trực tuyến |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang-Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, qua các số liệu thống kê cho thấy trong năm qua nhiều chuyên án, vụ việc nổi cộm trên cả nước đã được xử lý.
Tuy nhiên, những việc đã làm được vẫn là một phần không lớn, có thể có sự "lọt lưới" ở nhiều lĩnh vực, các đối tượng phạm tội manh động hơn. Các loại phạm tội về ma tuý, các mặt hàng lậu, hàng giả vẫn còn trên thị trường đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Phó Thủ tướng cho rằng, năm 2024 tình hình chính trị, kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước nhiều hơn, vì vậy tình hình tội phạm khả năng sẽ gia tăng hơn, điều này gây áp lực công việc hết sức nặng nề cho các ngành chức năng.
Cùng với đó, hiện nay khoa học công nghệ đang phát triển rất mạnh, nhiều đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi khó lường, vì vậy chúng ta phải rút ra vấn đề cần quan tâm để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công được tốt hơn. Các bộ, ngành cần thiết tạo hành lang pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật, cần phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hài hoà trong công tác phối hợp tốt giữa các ngành; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm hạn chế những hành vi bị lợi dụng lôi kéo vào các vụ phạm tội. Cần thiết đổi mới phương pháp, cách làm cho hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Các lực lượng chức năng cần biết “giữ mình”, giữ kỹ cương trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tạo sự minh bạch, chia sẻ dữ liệu, thu thập và chia sẻ thông tin kịp thời và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi của cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu…