Sáng 16-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Vĩnh Hiệp để nắm bắt tình hình xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu quốc gia năm 2024.
Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Sở: Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.
Doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi ngành hàng cà phê
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thông tin: Năm 2024, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã nỗ lực vượt khó để phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung xây dựng thương hiệu và đạt được một số thành tựu quan trọng. Vĩnh Hiệp đã vươn lên trở thành đơn vị xuất khẩu cà phê đứng đầu của cả nước trong niên vụ 2023-2024 với kim ngạch xuất khẩu 520 triệu USD. Sản phẩm cà phê của Công ty đã được xuất khẩu ra 57 quốc gia trên thế giới.
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Trong quá trình làm việc, các đối tác nước ngoài luôn khẳng định thương hiệu cà phê nhân xanh của Gia Lai có chất lượng tốt.
Nhiều năm qua, Vĩnh Hiệp đã nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân và các hợp tác xã sản xuất theo nhu cầu của thị trường, cùng xây dựng chuỗi cung ứng mang lại lợi nhuận chia sẻ, hướng đến một ngành hàng bền vững, đa giá trị.
Cũng trong năm 2024, Công ty phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để giải quyết những thách thức về phát triển ngành hàng cà phê, tuân thủ quy định tránh phá rừng của châu Âu (EUDR), giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thương hiệu L’amant Café của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trở thành thương hiệu quốc gia năm 2024. Đây là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai có sản phẩm được vinh danh.
“Xây dựng thương hiệu quốc gia là sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Quá trình xây dựng, chế biến sản phẩm phải theo tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất bền vững, chất lượng, vấn đề trách nhiệm xã hội.
Năm nay, thương hiệu quốc gia đánh giá theo bộ tiêu chí hội nhập, làm sao để thương hiệu quốc gia hội nhập quốc tế. Điều đó đặt ra cho Vĩnh Hiệp trách nhiệm và việc duy trì giữ vững thương hiệu này và vươn tầm quốc tế”-ông Hiệp nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng: Những thành quả mà Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành. Năm 2024, Vĩnh Hiệp vươn lên đứng đầu về xuất khẩu cà phê trong cả nước.
Đồng thời, lần đầu tiên có một sản phẩm của Gia Lai do người Gia Lai làm ra đã được công nhận thương hiệu quốc gia. Đây là niềm tự hào không chỉ đối với riêng doanh nghiệp mà còn là vinh dự đối với tỉnh.
Ngày 4-11, Bộ Công thương đã công bố và trao danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2024 cho 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp. L’amant Café của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là 1 trong 359 sản phẩm được công nhận đợt này. Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào, sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Từ những kết quả đạt được, tôi mong muốn Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tiếp tục khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh của tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động liên kết sản xuất với nông dân và hợp tác xã; nghiên cứu triển khai các nhà máy chế biến, công nghiệp phụ trợ đối với sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh để đa dạng sản phẩm chế biến tinh, tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Nâng tầm cà phê Gia Lai
Theo ông Thái Như Hiệp, Việt Nam đang nổi lên như là một trong những đối tác uy tín và có trách nhiệm, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, sản lượng hàng cà phê xuất khẩu của Gia Lai đã đi trực tiếp đến các nhà rang xay lớn trên thế giới. Điều này càng khẳng định chất lượng cà phê. Vĩnh Hiệp luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng người nông dân tham gia vào quá trình chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo dựng chuỗi giá trị liên kết cùng với bà con nông dân tiếp cận nông nghiệp đa giá trị.
Về định hướng của Công ty trong thời gian tới, ông Thái Như Hiệp khẳng định: Doanh nghiệp không dừng lại ở con số 520 triệu USD mà sẽ hướng đến mục tiêu cao hơn. Vì vậy, ông Hiệp mong muốn các sở, ngành tiếp tục cùng chung tay để cà phê Gia Lai luôn giữ vững chất lượng tốt nhất, ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: “Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 820 triệu USD, vượt 9,3% kế hoạch, tăng 20,6% so với năm trước. Thị trường xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 60%, châu Á khoảng 30%, còn lại là các thị trường khác.
Gia Lai có 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh và nhiều năm liền được Bộ Công thương bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.
Vĩnh Hiệp hiện đứng đầu về xuất khẩu cà phê, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu cà phê của Gia Lai và chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh trong năm 2024. Với đà tăng trưởng ngành hàng cà phê như hiện nay thì con số 1 tỷ USD có thể mơ ước được trong tương lai gần”.
Cũng theo ông Binh, lần đầu tiên tỉnh Gia Lai có một thương hiệu quốc gia. Vấn đề còn lại là làm thế nào để thương hiệu ngày càng lớn mạnh. Ngoài xúc tiến thương mại trong nước, Sở Công thương đã giới thiệu, quảng bá thương hiệu L’amant Café cho Tham tán thương mại các nước trên thế giới. Hàng tháng, Sở Công thương có tham dự giao ban với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nên đó là cơ hội để giới thiệu về sản phẩm của Gia Lai.
Cà phê hiện là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 106.400 ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh hơn 94.270 ha, năng suất bình quân đạt 33,1 tạ/ha, sản lượng khoảng 312.100 tấn. Toàn tỉnh có khoảng 46.000 ha cà phê được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, 4C, Rainforest, Organic…
Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Chất lượng cà phê Gia Lai được đánh giá tốt nhất Việt Nam và người tiêu dùng trên thế giới đang chuyển dần sang vị của Robusta. Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng đã giúp cà phê Gia Lai có một chất lượng đặc biệt.
Những năm qua, Gia Lai đẩy mạnh phát triển vùng trồng, lựa chọn những giống tốt đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, người nông dân đã ý thức hơn trong vấn đề thu hoạch đạt tỷ lệ quả chín cao, chất lượng đảm bảo hơn những vùng khác.
Hiện nay, Vĩnh Hiệp đã tổ chức liên kết sản xuất tạo ra nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu, thâm nhập các thị trường khó tính nhất. Trong việc xây dựng mối liên kết sản xuất bền vững, Vĩnh Hiệp đã liên kết với các hộ nông dân sản xuất trên diện tích khoảng 40.000 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng: Nếu Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam thì Gia Lai được biết đến là tỉnh có chất lượng cà phê tốt nhất. Vì vậy, cần tiếp tục quảng bá để người tiêu dùng biết đến cà phê Gia Lai có chất lượng tốt nhất, ngon nhất của Việt Nam. Đồng thời, Vĩnh Hiệp cần thể hiện rõ vai trò của một doanh nghiệp đầu tàu, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp khác của tỉnh cùng phát triển.