Bước qua hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo tập tục của người Jrai và Bahnar bản địa, nếu người mẹ chết ngay sau khi sinh con thì đứa trẻ sơ sinh cũng sẽ bị chôn chung. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mạnh dạn đứng lên chống lại hủ tục, dang rộng vòng tay yêu thương đối với những đứa trẻ sớm mất mẹ. 
Những người chống lại hủ tục
“Chỉ cần hỏi nhà cô Huỳnh thì người dân ở xã Ayun đều biết và có thể dẫn đến tận nơi”-anh Đinh Nhrối-Bí thư Đoàn xã Ayun (huyện Chư Sê) cho biết khi đưa chúng tôi đến nhà bà Đinh Nay Huỳnh-một người phụ nữ Bahnar dám vượt lên hủ tục để cứu sống những sinh linh vô tội. Ngôi nhà của bà Huỳnh khá nhỏ, khoảng sân đất tung bụi mù mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua. Trước hiên, bà Huỳnh đang ngồi buộc tóc cho một bé gái gầy gò nhưng có khuôn mặt sáng. Thấy người lạ, cô bé chạy núp sau lưng bà. Khi biết lý do chúng tôi tìm đến, bà Huỳnh kéo bé gái ngồi vào lòng và âu yếm nói: “Nó đây, đứa trẻ được mình cứu sống từ năm 2012, giờ nó là con gái cưng của mình”.
Bà Huỳnh kể lại: “Chiều 22-4-2012, mẹ của Thương là Đinh Hem do ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ nên bị sốt cao, tính mạng hết sức nguy kịch. Nhà mình ở gần nhà Hem, biết tin nên mình chạy sang thăm hỏi. Lúc đó, bé Thương còn nằm trong bụng mẹ và mới 7 tháng tuổi, nhưng sức sống thần kỳ khiến đứa bé vẫn đạp mạnh. Dù vậy, người dân trong làng đều cho rằng, nếu mẹ chết thì làm sao sinh con được, mà sinh ra thì cũng phải chôn theo mẹ, bởi nếu nó có sống thì hồn ma của người mẹ sẽ đeo bám để đòi lại đứa con”.
Bà Đinh Nay Huỳnh nhận nuôi bé Đinh Nay Thương (ở giữa) khi đã có cháu nội lẫn cháu ngoại. Ảnh: P.L
Bà Đinh Nay Huỳnh nhận nuôi bé Đinh Nay Thương (ở giữa) khi đã có cháu nội lẫn cháu ngoại. Ảnh: P.L
Từng là giáo viên hợp đồng của một trường Tiểu học trên địa bàn huyện, sau đó làm Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Tung Ke (xã Ayun) rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ayun, ở vị trí nào bà Huỳnh cũng đều là người có uy tín, nói được làm được, được người dân trân quý. Vậy nên khi bà nói ra ý định muốn cứu đứa trẻ trong bụng mẹ, đồng thời nhờ chính quyền xã giải thích thêm, người làng đã đồng ý cho bà đưa ngay người mẹ đến bệnh viện để mổ cứu sống đứa bé. Sợ gia đình mang về chôn cùng mẹ nên bà ôm chặt đứa trẻ, không rời nửa bước. Bà đặt tên đứa bé là Đinh Nay Thương với hy vọng sẽ có thêm nhiều tình thương dành cho đứa con bé bỏng. Khi ấy, bà đã 52 tuổi.
Ngoài bé Thương, năm 2005, bà Huỳnh cũng từng cứu sống thêm một bé trai khác cùng xã. Chồng chết, người phụ nữ ấy qua lại với người đàn ông khác và có con nhưng người thân không chấp nhận mà muốn đánh chết đứa bé ngay khi cháu được sinh ra. Biết được tập tục của làng, bà Huỳnh đã có mặt để đỡ đẻ, người nhà lúc đó đã cầm sẵn gậy để đánh chết đứa trẻ. Lần ấy, bà Huỳnh đã thuyết phục được người dân trong làng và cứu sống đứa bé. “Mình giải thích cho bà con hiểu rằng chôn đứa trẻ đang còn sống là tội ác. Mình hứa với người làng sẽ bao bọc đứa trẻ, nếu Yàng có phạt tội thì mình sẽ chịu. Sau đó, cháu bé đã được một phụ nữ người Kinh nhận nuôi”-bà Huỳnh kể lại.
Một trường hợp tương tự cũng suýt bị chôn sống theo mẹ, đó là cậu bé Ksor Hữu Phước (làng Wet, xã Chư Jôr, huyện Chư Pah). Mẹ của Phước sau sinh thì bị sốt rồi qua đời. Theo tập tục của người Jrai, đứa bé cũng phải chết theo mẹ. Bà Thái Thị Cần (SN 1954) lúc đó đang định cư ở xã Tân Sơn, TP. Pleiku. Do gần xã Chư Jôr và quen biết với người dân trong làng, khi nghe chuyện, bà liền tới cứu và hứa sẽ chăm sóc đứa trẻ. “Lúc tôi vào tới nơi, đứa bé sắp bị chôn sống cùng với mẹ. Khi tôi xin dân làng không chôn cháu, nhiều người đã phản đối. Bởi chôn đứa bé là để mẹ con gần nhau, không xa rời. Nhìn thấy đứa bé thoi thóp thở bên cạnh mẹ, tôi càng quyết tâm cứu cháu. Phải thuyết phục dữ lắm dân làng mới chấp thuận”-bà Cần chia sẻ câu chuyện.
Quả ngọt yêu thương
Sau khi cứu sống bé trai từ tay tử thần, bà Cần quyết định đặt tên là Ksor Hữu Phước vì con còn sống là nhờ có phước lớn, đồng thời hy vọng con sẽ gặp nhiều may mắn... Bao khó khăn lúc bấy giờ mới bắt đầu đến với người phụ nữ chưa từng lập gia đình, chưa từng có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ. Có những hôm đứa bé khát sữa khóc ré suốt đêm, bà phải mua sữa bò về pha cho con bú.
 Bà Thái Thị Cần. Ảnh: P.L
Bà Thái Thị Cần. Ảnh: P.L
Thêm một điều không may là bé Phước bị tật ở chân nên đi lại không vững. Lúc bé được 8 tháng tuổi, bà Cần phát hiện chân con bị tật nên đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Để Phước có chị có em, bà quyết định nhận nuôi thêm một cô bé mồ côi mẹ ở làng Reng (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah). Sau khi nhận nuôi 2 đứa bé, bà Cần chuyển về sống ở thôn 1 (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah). Kiên quyết không lập gia đình, một mình bà vất vả làm lụng nuôi 2 con ăn học. 2 anh em được bà yêu thương, chăm chút như con ruột, truyền cho con niềm tin vào cuộc sống. 
Anh Đinh Nhrối-Bí thư Đoàn xã Ayun: “Hủ tục chôn con theo mẹ ở xã Ayun nay đã được đẩy lùi, nhưng câu chuyện về một người phụ nữ Bahnar cứu những sinh linh vô tội sẽ được bà con nhắc mãi. Những người trẻ như chúng tôi rất ngưỡng mộ cô Huỳnh và sẽ nỗ lực để những hủ tục không có cơ hội quay lại”.

Ngược lại, bà Huỳnh đã có 4 người con (3 trai, 1 gái), trước khi nhận nuôi thêm 2 đứa trẻ. Ngoài việc chọn cho con một cái tên khai sinh đầy ý nghĩa, bà còn đặt thêm cho bé Thương cái tên ở nhà là “Kne” (theo tiếng Bahnar có nghĩa là con chuột) bởi bé rất nhỏ con, yếu ớt do sinh thiếu tháng. Những lần con khát sữa, bà Huỳnh phải chắt lấy nước cơm cho uống. Sự sống sót kỳ diệu của bé đã khiến cả gia đình bà vui mừng khôn xiết. Gia đình đông con, phải làm lụng vất vả, nhưng dù khi lên rẫy hay đi mò cua bắt ốc bà đều địu theo bé Thương. Các anh chị em trong nhà cũng đều yêu thương, chăm sóc bé như em ruột của mình.
Dù gia đình nghèo khổ nhưng bà Huỳnh vẫn nuôi Thương ăn học đầy đủ. Đến nay, bé Thương đã lên 7 tuổi, đang học Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ayun). “Con thương mẹ Huỳnh nhất, mẹ Huỳnh cũng thương con nhất”-đó là câu nói của bé Thương khi được hỏi về người mẹ nuôi. Cách đây 2 năm, biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ bà một căn nhà nhân ái. Nhiều tấm lòng hảo tâm cũng đã giúp đỡ và tặng đồ dùng học tập cho bé Thương. “Thương hơi gầy nhưng rất cứng cáp, khỏe mạnh. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của một người phụ nữ làm mẹ khi đã có cháu nội lẫn cháu ngoại”-bà Huỳnh vui vẻ chia sẻ.
Trong khi đó, 2 đứa con của bà Cần cũng đã nên người nhờ tình thương yêu vô bờ bến của mẹ nuôi. Rơ Châm Thảo Lan đã lập gia đình ở xã Ia Khươl và có 2 đứa con, thỉnh thoảng cả 3 mẹ con cô lại chạy xe về thăm ngoại. Ksor Hữu Phước nay cũng đã 28 tuổi. Ý thức được tình cảm mẹ Cần dành cho nên anh luôn cố gắng làm việc thật tốt và sống thật hiếu nghĩa. Do chân Phước bị khuyết tật phải chống nạng, thương con, bà Cần mở một tiệm photocopy để con có thể tự lực kiếm sống. “Tôi đã lớn tuổi, 3 năm trước lại bị tai biến, sức cũng yếu rồi nên chẳng biết sẽ “đi” lúc nào. Chỉ lo Phước vẫn chưa lập gia đình, suốt ngày loanh quanh ở tiệm photocopy. Nhưng dù sao tôi vẫn thường xuyên động viên để con luôn sống lạc quan”-bà Cần giãi bày nỗi lòng.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.
Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) từng là mảnh đất nổi tiếng với nghề dệt lụa, sản sinh ra nhiều anh tài nức tiếng thiên hạ. Qua sự chuyển mình của thời gian, nghề dệt lụa đã đi vào dĩ vãng, nhưng con người nơi đây vẫn rong ruổi với “nghề” nuôi người học.
Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Không chỉ có hàng trăm loài động, thực vật (trong đó có nhiều loài đặc hữu, hàng chục loại có tên trong sách đỏ Việt Nam), rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin còn là đầu nguồn của dòng Sêrêpốk. Tuy nhiên, việc gìn giữ tài nguyên rừng quý giá nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.