Bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân: Chất lượng làm nên thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, tẩm ướp, phơi nắng đến chế biến gia vị chấm kèm theo, sản phẩm thịt bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân (01 Bạch Đằng, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã làm nên thương hiệu món ăn đặc sản của vùng “chảo lửa” hút hồn thực khách.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Năm 2016, cơ sở bò một nắng Phước Phượng ra đời do bà Cao Thị Mỹ Phượng làm chủ. Tiếp quản cơ ngơi từ người cô ruột, đầu năm 2021, anh Nguyễn Hữu Lộc đổi tên cơ sở thành bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân. Anh Lộc cho hay: 2 chữ Thiên Ân bao hàm rất nhiều ý nghĩa, thể hiện sự biết ơn đối với thiên nhiên đã ban tặng những điều kiện thuận lợi và người đi trước khai sinh ra món ăn độc đáo này. Ban đầu đơn giản xuất phát từ việc muốn để dành thức ăn, người bản địa đem thịt bò phơi nắng hoặc treo gác bếp. Sau dần, nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng, món ăn được nhiều người học tập, làm theo và quảng bá ra thị trường.  

 Sản phẩm thịt bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân được làm hoàn toàn thủ công nên giữ được hương vị đặc trưng của món ăn truyền thống. Ảnh: Nguyên Hương
Sản phẩm thịt bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân được làm hoàn toàn thủ công nên giữ được hương vị đặc trưng của món ăn truyền thống. Ảnh: Nguyên Hương



Theo anh Lộc, để làm ra sản phẩm thịt bò một nắng phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó khâu chọn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng. Anh chỉ lấy phần thịt đùi và bắp của con bò cỏ tơ để đảm bảo độ dai và ngọt. Thịt bò phải lấy khi vừa xẻ thịt xong, tuyệt đối không lấy thịt đông lạnh. Sau đó, cắt thịt bò thành lát mỏng bằng bàn tay và ướp gia vị gồm: muối, ớt, sả, đường, hạt nêm, bột ngọt rồi đem phơi nắng. Bò một nắng thành phẩm được bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh, khi ăn chỉ cần đem nướng vàng là có thể thưởng thức. Việc ướp gia vị phải đảm bảo vừa đủ, không mặn cũng không lạt. Nếu quá mặn sẽ làm mất đi vị ngọt của thịt bò nhưng nếu lạt thì nhanh bị chua. Thời gian phơi nắng tốt nhất là từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều với nhiệt độ lý tưởng từ 33 đến 35 độ C. Trung bình khoảng 1,7 kg thịt bò làm được 1 kg bò một nắng.

“Gọi là bò một nắng bởi thịt bò bắt buộc chỉ phơi nắng trong ngày, không được phép phơi nắng thứ 2. Nếu ngày nắng ít, thịt bò chưa đủ săn, héo thì phải đem sấy ngay trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Thịt bò phơi không đủ nắng khi nướng sẽ ra nước màu hồng; ngược lại, sẽ ra nước trắng. Người sành ăn dễ dàng phát hiện ra sự khác biệt về mùi vị của 2 loại thịt này”-anh Lộc chia sẻ kinh nghiệm.

Món ăn ngon không thể thiếu món chấm đi kèm, cũng như thịt bò một nắng không thể thiếu muối kiến vàng. Cái tên bò một nắng muối kiến vàng cũng ra đời từ đó. Kiến vàng được người Jrai lấy trong rừng khoảng từ tháng 1 đến tháng 3. Sau khi rang sơ, kiến được trộn với muối, sả, ớt tạo nên món chấm say lòng người, vừa có vị mặn của muối, vị chua tự nhiên của kiến vàng và vị cay nồng của ớt quyện với hương sả dịu nhẹ. Sự kết hợp giữa vị ngọt đậm đà của thịt bò một nắng với vị chua cay đặc trưng của muối kiến vàng đã tạo nên món ăn khó cưỡng với tất cả những ai một lần nếm thử.

Hướng đến sự hài lòng của người tiêu dùng

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng và gió, anh Lộc ước mơ như bao bạn trẻ khác là được đặt chân lên thành phố học tập và làm việc. Sau nhiều năm bôn ba tại TP. Hồ Chí Minh, anh trở về khởi nghiệp với món ăn thịt bò một nắng của quê hương. Dành tất cả tâm huyết tìm hiểu kỹ món ăn này, anh mong muốn giới thiệu đặc sản thịt bò một nắng đến với nhiều người. Bò một nắng muối kiến vàng không chỉ là một món ăn đơn thuần mà còn thể hiện văn hóa ẩm thực của người dân Tây Nguyên.

Anh Nguyễn Hữu Hộc-chủ cơ sở bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân (01 Bạch Đằng, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) mong muốn giới thiệu phẩm của mình tới khách hàng trên mọi miền đất nước. Ảnh: Vũ Chi
Anh Nguyễn Hữu Lộc-chủ cơ sở bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân (01 Bạch Đằng, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) mong muốn giới thiệu phẩm của mình tới khách hàng trên mọi miền đất nước. Ảnh: Vũ Chi

Anh Lộc cho hay: Để có chỗ đứng trên thị trường, bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, mục tiêu là hướng tới sự hài lòng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, quy trình chế biến, đóng gói được tuân thủ nghiêm ngặt. Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến với bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân ngày một đông. Trung bình mỗi tháng, cơ sở bán ra thị trường 3-4 tạ sản phẩm, mang về doanh thu trên 150 triệu đồng. Dịp lễ, Tết lượng hàng tiêu thụ tăng gấp 3 lần. Không chỉ cung cấp cho khu vực Tây Nguyên, sản phẩm thịt bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân hiện đã có mặt hầu hết các tỉnh, thành trong nước.

Chị Trịnh Thị Trâm (phường 14, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Khi đến với Krông Pa, không khó để bạn tìm cơ sở sản xuất thịt bò một nắng. Tuy nhiên, tôi thấy sản phẩm thịt bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân mang một hương vị đặc trưng vì được sản xuất công phu, hoàn toàn thủ công theo quy trình khép kín, giúp người ăn lưu luyến mãi sau khi thưởng thức. Không chỉ làm món ăn trong gia đình, thiết đãi bạn bè, tôi thường xuyên đặt hàng tại cơ sở để làm quà biếu người thân và ai cũng tấm tắc khen ngon”.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Lộc hào hứng nói: “Sắp tới, sản phẩm thịt bò một nắng muối kiến vàng Thiên Ân sẽ đăng ký chứng nhận OCOP để khẳng định thương hiệu trên thị trường cũng như tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng qua hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước, đặc biệt là giới thiệu với khách tham quan, du lịch. Với kinh nghiệm hơn 10 năm qua, chúng tôi cam kết và tin tưởng mang đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp mọi người cảm nhận được một phần văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tây Nguyên”.

 

NGUYÊN HƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.