Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu làm việc với giám thị coi thi liên quan vụ thí sinh bị 0 điểm môn tiếng Anh do ngủ quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên quan đến thí sinh H.N.T. (Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) ngủ quên trong giờ làm bài môn tiếng Anh, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau làm việc với cán bộ coi thi và báo cáo chi tiết để xem xét.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, đến thời điểm hiện tại, các thông tin chỉ đến từ những người liên quan, chưa có thông tin từ cán bộ coi thi. Do đó, Sở phải làm việc với cán bộ, nắm thông tin và báo cáo chi tiết. 

Điểm thi của em T. trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ảnh nguồn VnExpress
Điểm thi của em T. trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ảnh nguồn VnExpress

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, thí sinh H.N.T. (học sinh của Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đạt toán 8,8 điểm, ngữ văn 7,75, vật lý 9,5, hóa học 9, sinh học 6,75, khoa học tự nhiên 8,42 điểm nhưng môn tiếng Anh 0 điểm. 

Vì bị điểm liệt nên T. rớt tốt nghiệp THPT. Thí sinh này cũng không được xét tuyển đại học dù điểm tổ hợp Toán-Lý -Hóa có tổng điểm lên đến 27,3.

Được biết, T. là học sinh giỏi 3 năm liền và nằm trong đội tuyển Vật lý của trường. Điểm trung bình môn tiếng Anh của em năm lớp 12 đạt 8,6. Theo nhận định của các thầy cô, em T. dư sức đỗ đại học. 

Sự việc này đã gây ra nhiều ý kiến xung quanh việc giám thị ở đâu khi thí sinh ngủ quên trong giờ làm bài. Mặc dù giám thị đã làm đúng quy chế song chưa thực sự linh hoạt trong xử lý tình huống. 

Trao đổi với Dân trí ngày 4-8, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, thông tin ban đầu cho thấy, lúc đầu thí sinh thực hiện theo đúng quy định, đủ điều kiện làm bài và đã đọc đề, làm ra bản nháp, sau đó gục xuống ngủ và ngủ quên cho đến khi nộp bài...

Đối chiếu với quy định của quy chế thi, các giám thị phòng thi này phải biết được tình hình, với những thí sinh ngủ gục cũng cần kiểm tra, theo dõi xem đó là thí sinh buồn ngủ hay do các em bị ốm.

Nếu thí sinh ốm, đột quỵ, ngất xỉu thì phải gọi y tế để cấp cứu kịp thời. Trường hợp thí sinh ngủ thì theo quy chế, giám thị coi thi phải nhắc để các em biết khoảng 15 phút trước khi thu bài (hết giờ).

Trường hợp thí sinh ngủ mà giám thị coi thi không thông báo cho thí sinh biết trước về thời gian hết giờ (trước 15 phút) nghĩa là giám thị này đã vi phạm quy chế thi, khiến thí sinh không có thời gian làm bài, soát bài nên bị 0 điểm.

Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về vụ việc trên. Theo đó, tại buổi thi tiếng Anh, thí sinh T. thi tại phòng số 0121, do một nữ giáo viên làm giám thị 1 và nam giáo viên làm giám thị 2. Thí sinh có mặt đúng giờ, làm thủ tục đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi nhận đề và làm bài, thí sinh không tô vào ô trả lời của phiếu làm, mà làm nháp bằng cách khoanh vào đề thi.

Hai cán bộ coi thi tại phòng 0121 tường trình, trong quá trình coi thi đã bao quát và quan sát thấy các thí sinh đều tập trung làm bài, trong đó có thí sinh này. Khi thời gian dần về cuối, có vài em úp mặt xuống bàn nên 2 cán bộ coi thi ngỡ các thí sinh đã làm bài xong, chờ hết giờ để nộp bài hoặc đang suy nghĩ làm bài.

Khi thời gian còn 15 phút, cán bộ coi thi có nhắc nhở tất cả các thí sinh cần kiểm tra lại bài thi, thí sinh nào tô vào giấy nháp thì tô vào bài làm. Đến khi thời gian còn 5 phút, cán bộ coi thi tiếp tục nhắc để thí sinh kiểm tra lại bài làm và thông tin cá nhân.

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cũng xác định: Việc thí sinh ngủ quên là có. Hai cán bộ coi thi đã thực hiện nhiệm vụ được phân công tại điểm thi đúng quy định của quy chế thi và các văn bản hướng dẫn thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, 2 cán bộ chưa bao quát tốt nên chậm phát hiện việc thí sinh ngủ quên trong phòng thi. Trưởng điểm thi có một phần trách nhiệm vì sự việc xảy ra tại điểm thi do bản thân phụ trách.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau đề nghị trưởng điểm thi, cán bộ coi thi nghiêm túc rút kinh nghiệm, xem đây là bài học sâu sắc trong công tác coi thi, tránh để lặp lại sự việc tương tự trong lần sau.

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.