Bộ Công an nhận định mặc dù có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; nghị quyết cũng như nhiều quy định khác nhưng nhiều nhóm lợi ích vẫn lách luật để dịch chuyển tài sản công sang tư nhân.
Trong vụ án Vũ Huy Hoàng (SN 1953, đã bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương), Hồ Thị Kim Thoa (nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, đang bị truy nã) gây thất thoát, thiệt hại nặng nề tại khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM), Bộ Công an nhận thấy mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước của Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành nói chung còn có nhiều bất cập.
Ngoài ra, hạn chế về cơ chế điều hành, quản lý, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với bộ phận quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn tới vướng mắc và lúng túng trong phối hợp giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phòng chống "lợi ích nhóm"
Việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với đầu mối là các vụ, cục chức năng không bảo đảm về nhân sự có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó dẫn tới làm cho cơ quan nhà nước không còn đủ nguồn lực để làm tốt nhiệm vụ chính của mình là quản lý hành chính nhà nước.
Đồng thời, khó có thể theo dõi, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hành chính, làm căn cứ để tham mưu, ban hành các chính sách phù hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Nhiều nhóm lợi ích thâu tóm đất công, chuyển dịch tài sản sang tư nhân |
Mặt khác, mối quan hệ chỉ đạo, báo cáo, đề xuất giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với bộ phận quản lý vốn nhà nước còn mang nặng cơ chế hành chính "xin-cho", không bám sát thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh và bị chi phối bởi quyền lực của lãnh đạo bộ.
Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco mặc dù trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty thông qua các chức danh quản trị, điều hành nhưng chịu sự chỉ đạo, chi phối và quyết định gần như tuyệt đối về mọi mặt của Bộ Công Thương. Trong khi lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị chuyên môn không trực tiếp bám sát được diễn biến, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Sabeco.
Sự bất hợp lý này dẫn đến không theo kịp với yêu cầu của thực tiễn quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, tạo kẽ hở cho một số cá nhân lợi dụng khai thác, chuyển dịch tài sản nhà nước sang tài sản của tư nhân, gây thất thoát đặc biệt lớn đến tài sản nhà nước.
Theo Bộ Công an, để giải quyết những hạn chế, yếu kém nêu trên cần thiết phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, xóa bỏ cấp hành chính trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; phòng chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bên cạnh đó, cần thiết phải sửa đổi và hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn kể cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và dưới 100% vốn nhà nước... để phòng ngừa việc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, từ đó các đối tượng thực hiện hành vi "thâu tóm", làm giá gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước và hoạt động bình thường của các doanh nghiệp nhà nước.
Lách luật để chuyển dịch tài sản công
Mặc dù đã có nhiều Luật, nghị quyết về quản lý, sử dụng tài sản công nhưng qua vụ án Sabeco, Bộ Công an nhận thấy còn có sự buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, công sản.
Mặt khác, các quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở để các cá nhân lợi dụng, "lách luật" thực hiện các hành vi có thủ đoạn tinh vi, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân, cố tình áp dụng không đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất công sản để từng bước dịch chuyển quyền sở hữu tài sản công thành tài sản của các doanh nghiệp tư nhân.
Việc thất thoát, lãng phí về đất đai, tài sản nhà nước không chỉ trong vụ án này mà còn xảy ra tại một số nhà, đất công sản khác trên địa bàn TP HCM như 15 Thị Sách, 8-12 Lê Duẩn, 129 Pasteur (quận 1)...
Bộ Công an có nhiều kiến nghị ngăn chặn thâu tóm "đất vàng" |
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 440/TB-VPCP, ngày 19-9-2017; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2017/NĐ-CP, ngày 31-12-2017 quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Liên quan đến những sai phạm tương tự như trong vụ án này, quá trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu đất 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé (quận 1, TP HCM)", ngày 30-12-2019, Bộ Công an đã có Công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị rà soát, chấn chỉnh các quy định của pháp luật về sắp xếp, xử lý tài sản công.
Ngày 17-1-2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 484/VPCP-CN gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện theo nội dung kiến nghị của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Theo PHẠM DŨNG (NLĐO/Ảnh: HOÀNG TRIỀU)