Bình yên trên cánh đồng Ia Chanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trong lòng thành phố, cánh đồng Ia Chanh (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku) không chỉ là nơi để người dân Jrai nơi đây đảm bảo được an ninh lương thực mà còn giàu tiềm năng phát triển du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên hữu tình.

Cánh đồng “xóa đói”

Một buổi sáng sớm cuối năm, chúng tôi tìm về cánh đồng Ia Chanh khi người dân làng Bông Phun đang tất bật làm đất để sạ lúa và xuống giống các loại rau xanh vụ Đông Xuân. Với người Jrai nơi đây, cánh đồng Ia Chanh đã trở thành “cứu cánh” giúp cho bà con vươn lên thoát nghèo.

Tranh thủ đắp bờ cho 2 sào ruộng, ông Duih (72 tuổi) chia sẻ: Cho đến bây giờ, ông không biết được cánh đồng Ia Chanh hình thành từ khi nào. Lớn lên, ông đã chứng kiến dân làng đã canh tác cây lúa nước trên cánh đồng này từ lâu rồi. Ông cho biết, trước đây, số hộ canh tác lúa nước còn ít nên đất thường bỏ hoang nhiều. Cùng với đó, người dân còn canh tác theo lối tự nhiên phó mặc cho trời nên số thóc thu được chẳng bao nhiêu. Cái đói cái nghèo vì thế cứ đeo bám từng nếp nhà. Hơn 10 năm nay, được xã vận động, người dân chăm chỉ cải tạo đất rồi trồng lúa, trồng rau nên thu nhập cải thiện rõ rệt.

"Những năm đầu mới lập gia đình, vợ chồng tôi chỉ canh tác hơn 1 sào lúa nước nên thường không đủ ăn. Sau này, xã phát động khai hoang cải tạo đất trồng lúa, tôi huy động vợ con mở rộng diện tích lên 1 ha. Tuy chỉ canh tác 1 vụ lúa mùa nhưng nhờ tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất tăng dần lên 5-5,5 tấn/ha.Nhờ đó, gia đình tôi đủ thóc ăn quanh năm và nuôi được 7 người con khôn lớn”-ông Duih nói.

ong-mon-da-cai-thien-duoc-thu-nhap-tu-viec-trong-lua-va-chuyen-doi-mot-so-dien-tich-sang-trong-rau-mau-nuoi-ca.jpg
Ông Mơn đã cải thiện được thu nhập từ việc trồng lúa và chuyển đổi một số diện tích sang trồng rau màu, nuôi cá. Ảnh: Nhật Hào

Chỉ tay về thửa đất của gia đình, ông Mơn (làng Bông Phun) cũng chia sẻ: Gia đình ông có 4 sào đất sản xuất tại cánh đồng Ia Chanh. Những năm trước, ông chỉ trồng 1 vụ lúa mùa nhưng năng suất thấp. Sau này, được xã hướng dẫn, ông tích cực đầu tư phân bón, làm cỏ nên cây lúa cho năng suất cao, năm nào thóc cũng đầy kho. “Để nâng cao thu nhập, năm 2021, tôi chuyển đổi 1 sào sang đào ao nuôi cá, diện tích còn lại vẫn trồng lúa vụ mùa và đến vụ Đông Xuân thì trồng đu đủ và rau má bán. Nhờ vậy, gia đình tôi tăng thu nhập từ bán rau, cá”-ông Mơn nói.

Có mặt tại cánh đồng, ông Y Khắp-Trưởng thôn làng Bông Phun cho biết: Cánh đồng Ia Chanh rộng hơn 50 ha. Do địa hình cánh đồng vốn là một thung lũng nằm giữa bốn bề đồi núi nên có khoảng 10 ha trũng thấp thường bị ngập nước nặng. Diện tích còn lại trên cao thì thường bị thiếu nước vào mùa khô nên không thể canh tác lúa vụ Đông Xuân và rau màu. Dù vậy, nhờ được cán bộ nông nghiệp của xã hướng dẫn áp dụng kỹ thuật vào thâm canh nên cây lúa nước tại cánh đồng đạt 5-5,5 tấn/ha…

“Ngoài cánh đồng Ia Chanh, người dân làng Bông Phun còn trồng lúa, trồng rau màu, cà phê, hồ tiêu tại những khu vực khác của làng. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của làng đạt gần 200 ha. Bên cạnh đó, những năm gần đây, được Nhà nước hỗ trợ sinh kế thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Làng có tổng cộng 300 hộ và chỉ còn 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm”-Trưởng thôn thông tin.

Gắn sản xuất với định hướng phát triển du lịch

Đưa chúng tôi đi thăm những vườn rau xanh tốt được người dân trồng tại cánh đồng Ia Chanh, ông Y Khắp phấn khởi cho biết thêm: Tính từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kênh mương dài hơn 1km và hàng năm nạo vét để tạo thuận lợi cho việc tiêu nước. Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, TP. Pleiku còn đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng để làm đường giao thông nội đồng và đầu tư hệ thống đường điện kéo về cánh đồng Ia Chanh. UBND xã Chư Á cũng đã vận động người dân hiến đất để mở 1 con đường nội đồng dài hơn 1km, rộng 3,5 m đi ra cánh đồng; tổ chức đổ bê tông được hơn 700m. "Đường sá đi lại thuận lợi, người dân đang tiếp tục xin kinh phí đào 35 giếng để có thêm nước mở rộng diện tích sản xuất rau màu"-Trưởng thôn Y Khắp đề cập.

thanh-pho-pleiku-da-dau-tu-hon-55-ty-dong-de-lam-duong-noi-dong-va-dau-tu-he-thong-duong-dien-phuc-vu-san-xuat-tai-canh-dong-ia-chanh.jpg
Thành phố Pleiku đã đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng để làm đường nội đồng và đầu tư hệ thống đường điện phục vụ sản xuất tại cánh đồng Ia Chanh. Ảnh: Người dân cung cấp

Trong khi đó, già làng Rơ Mah Than cho hay: "Cánh đồng Ia Chanh nằm lọt thỏm giữa bốn bề là đồi núi với những bậc ruộng lúa, rau màu liền kề, tạo cảm giác yên bình, mộc mạc. Do đó, những năm gần đây, vào các dịp lễ, Tết, nhiều du khách đã chọn cánh đồng này để tham quan, check-in cùng gia đình, bạn bè. Do đó, làng cũng mong thành phố quan tâm, có chủ trương về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tại cánh đồng này".

Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Chư Á cho hay: Do đặc thù cánh đồng Ia Chanh nằm ở khu vực trên cao muốn tiêu nước tốt phải đấu nối với hệ thống tiêu nước tại khu vực hạ nguồn của xã An Phú. Do đó, UBND xã kiến nghị UBND thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ xã An Phú sớm xây dựng kênh mương thoát nước nhằm đấu nối giúp cho việc tiêu nước tại cánh đồng Ia Chanh đạt hiệu quả. Ngoài ra, với tiềm năng về phát triển du lịch, xã cũng mong thành phố cho phép việc chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất đa mục đích để hỗ trợ người dân xây dựng nhà tiền chế phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc kinh doanh theo hướng du lịch nhằm nâng cao thu nhập.

nhieu-nhom-ban-tre-da-den-khu-vuc-canh-dong-ia-chanh-de-cam-trai.jpg
Nhiều nhóm bạn trẻ đã đến khu vực cánh đồng Ia Chanh để cắm trại. Ảnh: Người dân cung cấp

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku nhìn nhận: Đối với cánh đồng Ia Chanh, TP. Pleiku đang tập trung, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng theo hướng công nghệ cao sẽ góp phần giúp người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất gắn với phát triển du lịch để tạo ra giá trị kinh tế cao trong tương lai. Đặc biệt là trong bối cảnh vùng đất Chư Á vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, đan lát, dệt vải và các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ thì việc kết hợp với không gian xanh của cánh đồng sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa…

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.