Ngủ máy lạnh có khiến bệnh cúm nặng hơn?
Một số người dân, đặc biệt là khu vực phía nam, thường nằm máy lạnh dao động từ 23-26 độ C vào ban đêm. Nhiệt độ này thường không thay đổi đáng kể vào những ngày người dân bị cảm, cúm.
Chị Nguyễn Hồ Kim Ngân (21 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, kể cả khi bị cảm cúm hay không, chị đều mở máy lạnh 25 độ C. “Tôi không thể ngủ nếu phòng quá nóng. Khi bệnh, tôi sẽ đắp thêm mền chứ ít khi sử dụng quạt. Hơn nữa ngủ với nhiệt độ lạnh khiến tôi dễ vào giấc hơn do không đổ mồ hôi”.
![Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra, thường gặp vào những thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết lạnh Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra, thường gặp vào những thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết lạnh](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a2489aa7a505e6479f63e01ce63e2540a9da0dad646d99197887184dc8328bb44727f155487881fe981bbacf3f8e79c3d730d0a9cd7a91c52d1e4975cece8e0a1594d13b6e9671ba9025498acbc4782f2c287bb9be5690d5f375b46cca3d043043f119ff8037a072a53f01612959415a0161d34b0f7fe8d2370f07f054a3c93a9408bbb07c9b3ff70cff0e91626aada2c42792ac2afff95ea6c9670e5e6b3982f823e302cfd3c123430ee52a768c60e66487c2e4e7489a871ebbae2ab69c32bc7619/ua-la-mot-benh-nhiem-trung-duong-ho-hap-do-virus-cum-gay-ra-thuong-gap-vao-nhung-thoi-diem-giao-mua-hoac-khi-thoi-tiet-thay-doi-dot-ngot-anh-ai-1739110607606437196538.jpg)
Theo bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, người mắc cúm vẫn có thể sử dụng máy lạnh khi ngủ, tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý về nhiệt độ và độ ẩm để tránh làm bệnh trở nặng, vì các nguyên nhân sau:
Nhiệt độ quá thấp có thể gây kích ứng đường hô hấp: Không khí lạnh đi vào mũi và họng có thể làm co thắt niêm mạc đường hô hấp, khiến triệu chứng nghẹt mũi, ho, viêm họng trở nên trầm trọng hơn.
Độ ẩm thấp làm khô niêm mạc: Máy lạnh thường làm giảm độ ẩm trong không khí, khiến niêm mạc mũi - họng bị khô, đau rát và dễ viêm nhiễm.
Khả năng hạ thân nhiệt khi ngủ: Khi bị cúm, cơ thể dễ bị mất nhiệt hơn bình thường. Nếu nhiệt độ phòng quá thấp, người bệnh có thể bị rét run, làm giảm khả năng chống chọi với virus và khiến bệnh kéo dài hơn.
“Nếu sử dụng máy lạnh, người bệnh nên duy trì nhiệt độ ở mức 26-28°C và kết hợp sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc đặt một chậu nước nhỏ trong phòng để tránh khô họng và nghẹt mũi”, bác sĩ Nhất Duy khuyến nghị.
Những lưu ý khi dùng quạt thay máy lạnh
Quạt là một lựa chọn thay thế phổ biến, nhưng nếu không sử dụng đúng cách, người bệnh vẫn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Để đảm bảo giấc ngủ an toàn và không làm bệnh nặng hơn, người bệnh cần:
![Người trưởng thành nên ngủ ở 26-28 độ C, trẻ em và người lớn tuổi là 27-29 độ C, với độ ẩm 50-60% Người trưởng thành nên ngủ ở 26-28 độ C, trẻ em và người lớn tuổi là 27-29 độ C, với độ ẩm 50-60%](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248530c62542298b2979ecba7cf696fb3e50e0218d2cf9048cbc96b124da77a0740433e34ee0ed1715c19c6629da337d69095a941660d04ce2bd5119cf154fb9a788748da50daa8d34b1b4920990a78103dd11404f67f04f0004a9c8f026bcfe2018a000945f5fe1db8e0a96af963d56918183bb5d2f9b3193753af4fc47a6789fef6d66a83d0bdeab00144725d28155e72/nguoi-truong-thanh-nen-ngu-o-26-28-do-c-tre-em-va-nguoi-lon-tuoi-la-27-29-do-c-voi-do-am-50-60-anh-ai-17391106074282058779277.jpg)
Không để quạt thổi trực tiếp vào mặt và vùng ngực: Luồng gió từ quạt có thể làm khô niêm mạc hô hấp, mất nhiệt nhanh, làm tăng nguy cơ viêm họng.
Sử dụng chế độ quay và đặt quạt ở góc phòng: Giúp không khí lưu thông đều, tránh tạo luồng gió mạnh tác động trực tiếp lên người.
Giữ nhiệt độ phòng ổn định: Chú ý không để nhiệt độ trong phòng quá lạnh vào ban đêm, đặc biệt với trẻ em và người cao tuổi. Nếu cảm thấy lạnh, có thể sử dụng khăn quấn nhẹ quanh cổ để bảo vệ vùng hầu họng khỏi sự tác động của luồng gió.
Ngủ ở nhiệt độ bao nhiêu là lý tưởng và tốt cho sức khỏe?
Theo đó, để giúp giấc ngủ ngon hơn, tiến sĩ - bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 khuyên người bệnh nên tuân thủ những điều sau:
Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp:
Người trưởng thành: Nhiệt độ phòng lý tưởng là 26-28°C, với độ ẩm từ 50-60% để tránh khô mũi và họng.
Trẻ em và người cao tuổi: Hai nhóm này có hệ miễn dịch yếu hơn, cần nhiệt độ 27-29°C để tránh nguy cơ nhiễm lạnh.
Vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ: Hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn có thể làm kích thích đường hô hấp.
Sử dụng chăn, gối mềm mại, thoải mái: Giúp nâng đỡ cơ thể và tránh căng cơ khi ngủ.
Uống nước đủ và tránh đồ uống lạnh: Nên uống nước ấm trước khi ngủ để giữ ấm họng.
Tránh tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột: Nếu cần ra khỏi phòng vào buổi sáng, hãy mặc đủ ấm để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cơ thể suy yếu hơn.
“Nếu triệu chứng cúm kéo dài 5-7 ngày, kèm theo sốt cao liên tục, khó thở hoặc đau đầu dữ dội, người bệnh nên đi bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc sử dụng máy lạnh hay quạt khi ngủ trong thời gian bị cúm không phải là điều cấm kỵ, nhưng cần điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để tránh làm tình trạng bệnh nặng hơn. Ngoài ra, chăm sóc giấc ngủ đúng cách, giữ ấm cơ thể và duy trì không gian phòng ngủ sạch sẽ cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục”, bác sĩ Minh Mẫn nói thêm.
Theo Như Quyên (TNO)