Bẫy việc làm cuối năm: Cần cẩn trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịp cuối năm, nhu cầu tìm việc có xu hướng gia tăng, nhất là trong bối cảnh hàng ngàn công nhân bị mất việc do công ty ở các thành phố lớn không có đơn hàng. Vì thế, đây cũng là thời điểm mà để các đối tượng lừa đảo giở chiêu trò lừa đảo nhằm “móc túi” người lao động.

Vẫn là “việc nhẹ, lương cao”

Chỉ cần click vào link quảng cáo sản phẩm của công ty, bấm like, chia sẻ và chụp màn hình báo cáo, xác nhận, người làm đã có thể nhận về 90.000-120.000 đồng mỗi ngày. Chiêu thức này không mới song vẫn có nhiều lao động sa bẫy. Chia sẻ với Báo Người Lao Động, mới đây, Chị Nguyễn Thị Th. (42 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Tôi được đưa vào một nhóm có hơn 30 thành viên được giới thiệu là sống cùng quận trên ứng dụng telegram để hỗ trợ nhau, chia sẻ với nhau. Mấy ngày đầu, tôi chỉ được làm các nhiệm vụ đơn giản và nhận lương đầy đủ. Đến ngày thứ 5, tôi nhận được yêu cầu nâng cấp "nhiệm vụ" để được chính thức trở thành nhân viên công ty, có hợp đồng lao động. Những nhiệm vụ này cần phải bỏ vốn để làm và nhận về ngay 30% hoa hồng. Cứ như vậy, trong 2 ngày, tôi bị cả nhóm phối hợp thao túng lừa 28,9 triệu đồng. Nửa đêm ngày thứ 7, tôi bị đá ra khỏi nhóm chat, khóa các kênh liên lạc. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa". 

Một tin nhắn
Một tin nhắn "bẫy" việc nhẹ lương cao. Ảnh: Phương Vi

Gần đây, rất nhiều số điện thoại nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ với nội dung: “Chào bạn, tôi là quản lý nhân sự TikTok. Hiện tại chúng tôi đang cần tuyển nhân viên làm việc online trên điện thoại làm mọi lúc mọi nơi nhận lương ngay trong ngày Mỗi ngày bạn được trả từ 470k-3tr. zalo.me/845639… Zalo:+8456394…”. Trước “món hời”, không ít người đã “sa bẫy”. Khoảng  tháng 4-2022, chị P.D.H. (ở TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng nhận được tin nhắn tương tự và tham gia làm việc.  Tâm sự với Báo Tuổi Trẻ, chị H. cho biết: "Họ đưa cho mình những mặt hàng như mũ nón, giày dép... rồi đánh lừa giống như đang tương tác với một trang bán hàng. 

Bước đầu chỉ nộp 120.000 đồng, sau đó họ mời mình vào "phòng VIP" để có thu nhập cao hơn. Mình chuyển vào 5 triệu đồng thì họ lại nói phải hoàn thành thêm ba nhiệm vụ nữa. Mình tin và làm theo vì họ lập riêng một nhóm chat có rất nhiều tương tác". 

Kết quả, chỉ trong một ngày số tiền, chị H. đã nộp vào nhóm bán hàng này là hơn 178 triệu đồng nhưng không thể lấy lại được. Chị H. suy sụp tinh thần vì mất nhiều tiền cho các đối tượng lừa đảo. Chị mong những người khác không bị lừa giống như mình. 

Mất tiền vì… đi tìm việc

Nắm bắt nhu cầu tìm việc cuối năm tăng cao, nhiều đối tượng đóng giả làm “cò” giới thiệu việc làm, nhận cọc của người lao động sau đó mất hút. Trao đổi với Báo Lao Động, một nữ sinh viên cho biết bạn liên lạc theo số điện thoại được cung cấp trên mạng xã hội để đăng ký ứng tuyển. Với mức lương 4-6 triệu đồng/tháng để làm phục vụ tại quán cà phê, nữ sinh cảm thấy khá phù hợp. Sau khi đến văn phòng nọ để đăng ký và đặt cọc 500 ngàn đồng giữ việc, buổi sáng nữ sinh này sửa soạn đến nơi làm việc mới ngã ngửa biết mình bị lừa khi địa chỉ được cung cấp hoàn toàn không phải là quán cà phê mình ứng tuyển. Liên lạc lại số điện thoại kia thì họ đã tắt máy từ khi nào. 

Những lời tuyển dụng làm việc luôn có một sức hấp dẫn đối với người nhẹ dạ. Cuối tháng 8-2022, chị D.A (TP. Hồ Chí Minh) có nhu cầu tìm kiếm công việc tại nhà. Lướt mạng xã hội facebook, chị này tìm được thông tin tuyển dụng gia công sơn, đắp hoa trên móng tay giả tại nhà. Tiền nguyên liệu chuyển trước là 350 triệu đồng, nhà cung cấp cam kết là với số nguyên liệu ấy sẽ làm ra được thành phẩm trị giá 3 triệu đồng. Nhưng kết quả mà chị A. nhận lại là hộp nguyên liệu méo mó, với hộp bột, màu được đóng gói sơ sài. Khi chị D.A. liên hệ với bên xưởng. Lúc này, họ đã chặn chị D.A. từ lúc nào không hay. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người lao động trước khi tìm kiếm những công việc tại nhà.

Tương tự, chị Hồ Thị Trúc Nh. (38 tuổi; quận 12, TP. Hồ Chí Minh) tìm thấy lời tuyển dụng nhân viên đóng gói hàng, mức lương từ 8 - 12 triệu đồng/tháng tùy, theo năng lực trên mạng xã hội, lại gần nhà nên chị gọi điện thoại ứng tuyển. Khi nhận việc, chị Nh. phải tham gia 3 ngày học tìm hiểu về sản phẩm và phải mua, dùng thử sản phẩm để trải nghiệm theo phương châm "mình không dùng sao mời khách hàng dùng". Cứ như vậy, chị Nh. lao vào đường dây bán hàng đa cấp lúc nào không hay. Đến khi tỉnh táo nhận ra thì chị đã nộp cho công ty gần 58 triệu đồng, cái chị nhận được là 2 áo đồng phục và mớ sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chia sẻ với Báo Người Lao động, chị Nh. rầu rĩ: "Tiền tiết kiệm của tôi chỉ hơn 10 triệu đồng, số còn lại là vay mượn bạn bè nói là đi học nghề”.

Tăng cường cảnh giác

Trước thực trạng này, trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Quang Trung-nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, người lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, vị trí tuyển dụng và chính doanh nghiệp đang chuẩn bị tuyển dụng trước khi ứng tuyển.

Người lao động nên cẩn trọng với những công việc yêu cầu đóng phí. Ảnh nguồn Báo Lao Động
Người lao động nên cẩn trọng với những công việc yêu cầu đóng phí. Ảnh nguồn Báo Lao Động

Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu hình thức ký hợp đồng, chế độ, quyền lợi. Dịp cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Ông Trung cho rằng, người lao động nên cảnh giác, tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước những công việc làm thêm tại nhà, lương cao. Bởi nếu quá tin tưởng vào những công việc như vậy, người lao động có thể trở thành nạn nhân của bẫy việc làm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Minh Tâm-Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), có 4 dấu hiệu để nhận biết "bẫy lừa đảo việc làm" mà người lao động cần hết sức cẩn trọng, đó là: Thông tin công ty và công việc không rõ ràng; thông tin tuyển dụng sơ sài, luôn có lời chào mời hấp dẫn như "việc nhẹ, lương cao", "đi làm ngay", "không yêu cầu kinh nghiệm"...; không cần thử việc hay kiểm tra năng lực; yêu cầu đóng tiền trước, hưởng lợi sau. 

Để tránh “tiền mất, tật mang” trong khi tìm kiếm việc làm, người lao động cần phải thường xuyên cập nhật thông tin từ các địa chỉ uy tín như các trung tâm dịch vụ việc làm để có thông tin việc làm tốt nhất. Ở đó có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, ngành nghề, mức lương, điều kiện làm việc... 

Cùng với việc đề cao cảnh giác, thông tin cảnh báo, các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc xử lý những đối tượng sử dụng thủ đoạn tuyển dụng để lừa đảo để không có thêm những người bị mất tiền oan và làm minh bạch thị trường lao động. 

PHƯƠNG VI (theo Báo Lao Động, Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Lao Động và Công Đoàn)

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.