Bảo tồn di sản văn hóa: Cần dựa vào cộng đồng - Kỳ 2: Nỗ lực gìn giữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi vẫn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều giữa bảo tồn nguyên gốc như một sự trân trọng đối với văn hóa cổ truyền hay bảo tồn dựa trên sự phát triển chung của thời đại, của đời sống văn hóa mới thì dựa vào cộng đồng được cho là gốc rễ để bảo vệ, phát huy giá trị di sản một cách chân xác, đúng hướng.
Vì sao cồng chiêng vốn chỉ dành cho nam giới nhưng vài năm gần đây lại xuất hiện ngày càng nhiều đội chiêng nữ. Đó phải chăng là sự thôi thúc nội tại, ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa trước những biến đổi của đời sống xã hội đang diễn ra trong các cộng đồng người bản địa. Trong khi một số làng chối bỏ những giá trị cũ để du nhập những thứ tân thời như nhà rông kiểu mới thì nhiều cộng đồng lại đang nỗ lực gìn giữ nhà rông truyền thống như một điểm tựa tinh thần vững chãi, khẳng định sức mạnh của cội nguồn văn hóa trước mọi sự tác động bên ngoài. Phải nhìn vào sức sống của di sản diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong không gian làng, trong đời sống thực tại của con người, trong môi trường sinh tồn của chủ thể sẽ tìm thấy câu trả lời đúng đắn cho tương lai di sản. Bởi điều gì tồn tại được cũng đều có lý do của nó.
“Nhịp đập” của di sản
Làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) mừng nhà rông mới. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) mừng nhà rông mới. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Hai năm trước, khi tham gia lễ khánh thành nhà rông mới ở làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Pah), nhiều người không khỏi thán phục trước sự tiếp nối những mạch nguồn văn hóa diễn ra mạnh mẽ đến như vậy ở vùng đất phía Tây này. Trong khi ở các địa phương từ nhiều năm trước đã “nóng” câu chuyện tìm vật liệu thay thế để làm nhà rông trước sự mất mát, cạn kiệt của rừng thì ở đây vẫn tồn tại những “báu vật” vô giá, những nhà rông được cho là to và đẹp nhất tỉnh với mái tranh dày cả gang tay cùng những vì, kèo, phên, cột… đều là nguyên liệu tự nhiên. Không chỉ nhà rông làng Kon Sơ Lal, nhà rông làng Bah, Kon Mah (xã Hà Tây) khánh thành cách đây hơn một thập kỷ vẫn hiện diện một cách kiêu hãnh, vững chãi, đúng nghĩa là “trái tim của làng, linh hồn của làng”. Già làng Sôn (làng Kon Sơ Lal) khẳng định: “Bây giờ nhiều vùng có tiền cũng rất khó làm được nhà rông truyền thống như thế này vì không còn tranh để lợp, cũng không có những cây gỗ to để dựng cột nữa”. Trong điều kiện vô cùng khó khăn như hiện nay về vật liệu tranh, tre, gỗ… những nhà rông ở Hà Tây không chỉ được xem là tuyệt tác kiến trúc thu hút khách du lịch mà còn khẳng định sức sống trường tồn của văn hóa khi được cộng đồng chung tay gìn giữ, bảo vệ. Mới thấy, văn hóa chỉ “sống” khi cộng đồng cần nó, yêu mến nó và tự hào về nó.
Đến Hà Tây vào bất cứ một ngày bình thường nào vẫn cảm nhận rất rõ sự ấm nóng, nhịp đập bên trong mỗi nhà rông. Bếp lửa ấm mỗi đêm. Những tấm chăn, chiếu ấm hơi người sau mỗi sáng thức dậy. Một cán bộ Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay: “Chúng tôi đã có cuộc điều tra, khảo sát toàn diện nhà rông truyền thống, nhà rông văn hóa cách đây vài năm. Có rất nhiều nhà rông do các cơ quan, đơn vị làm tặng cho làng nhưng gần như không được sử dụng, bỏ hoang phế rất lãng phí. Nguyên nhân là khi làm, họ không hỏi ý kiến già làng, làm sai kỹ thuật, sai kiến trúc truyền thống. Những ngôi nhà như vậy chỉ sau một thời gian ngắn bỏ hoang là hư hại. Hơn nữa, nhiều làng không bao giờ sử dụng nhà rông mà người khác xây cho, dù mới và đẹp hơn nhà rông cũ của họ”. Thực tế đó cho thấy, điều gì sinh ra từ nhu cầu của con người mới có lý do để tồn tại, mới được nâng niu, đối đãi như một thực thể sống động. Đối với văn hóa lại càng phải như vậy.
Ở vùng Đông Trường Sơn hiện có những ngôi làng kiên quyết “nói không” với những thứ mới mẻ đang xâm nhập vào đời sống văn hóa tinh thần, để giữ lại những giá trị cũ. Anh Đinh Sơn-Trưởng thôn Vẽh (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) cho biết: “Trong những cuộc họp làng, nhiều ý kiến “ì xèo” muốn làm nhà rông theo kiểu mới như các làng khác. Số phận mỗi người Bahnar đều gắn chặt với làng, ai cũng đóng góp như nhau trong mỗi việc lớn, bé của làng, ý kiến của họ thì cả làng phải lắng nghe. Nhưng quyết định cuối cùng của già làng là phải làm nhà rông truyền thống Bahnar. Chắc nịch như vậy, không một ai dám cãi”.
Theo anh Sơn, làng Vẽh có 82 hộ với gần 500 khẩu, mỗi khẩu phải góp 500 ngàn đồng không kể giàu nghèo, lớn bé để làm nhà rông. “Ngày về nhà rông mới, ai cũng phấn khởi. Có nhà rông mới nhưng làng vẫn giữ lại nhà rông cũ. Đây là nơi tổ chức các lễ cúng và cất giữ các thứ quan trọng của làng. Sắp tới, nếu có đi giúp các làng khác làm nhà rông, mình sẽ vận động để mọi người đừng đánh mất đi kiến trúc nhà rông truyền thống Bahnar”-anh Sơn nói. Theo anh, có như vậy, thế hệ trẻ Bahnar sau này mới hiểu rõ về truyền thống văn hóa của cha ông.
Thay đổi để gìn giữ văn hóa
Cách đây nhiều năm, việc đội cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) ra mắt được cho là một hiện tượng lạ ở đại ngàn Trường Sơn. Nhưng cho đến nay, ở nhiều địa phương, sự xuất hiện của các đội chiêng nữ không còn là chuyện lạ. Xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) từ năm 2018 đến nay đã thành lập tổng cộng 6 đội chiêng nữ, mỗi đội có 40-50 thành viên. Chị Đinh Thị Phơ-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã-cho biết: “Phụ nữ đang là những nhân tố tích cực trong hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Nếu thanh niên chỉ thích chơi loại chiêng cải tiến vì dễ đánh thì tất cả các đội chiêng nữ chỉ chơi chiêng truyền thống”. Theo già làng Đinh Hueo (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning), nếu chiêng cải tiến mỗi người có thể chơi nguyên một dàn 9 chiếc thì chiêng truyền thống mỗi người chỉ đánh được một nốt trong toàn bộ bài nhạc chiêng. Người này cần phải lắng nghe người kia để chơi đúng nốt nhạc của mình. Có như vậy, bài chiêng mới không lạc nhịp.
Sự xuất hiện đội chiêng nữ tại các buôn làng là nỗ lực trong gìn giữ văn hóa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Sự xuất hiện đội chiêng nữ tại các buôn làng là nỗ lực trong gìn giữ văn hóa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc: “Ở xã Hà Tây (huyện Chư Pah), không chỉ có những nhà rông đẹp nhất tỉnh mà vẻ đẹp của di sản văn hóa còn được người dân gìn giữ qua các lễ hội truyền thống khá nguyên bản, giàu bản sắc, cực kỳ sống động, khác xa với những lễ hội được phục dựng, khác xa với cồng chiêng trình diễn trên đường phố. Chỉ diễn ra ở làng, trong không gian cội nguồn, người dân mới thực sự đang “sống” cùng di sản của cha ông và viết tiếp những chương mới cho các giá trị đã được chắt lọc qua dòng chảy thời gian”.

“Gìn giữ được các bài nhạc chiêng truyền thống cũng chính là giữ được cội nguồn văn hóa truyền thống”-già làng Đinh Hueo nói. Chính vì lẽ đó, từ chỗ rất khó để chấp nhận phụ nữ đánh chiêng thì nay cả cộng đồng đã hoàn toàn ủng hộ. Các nghệ nhân cũng rất nhiệt tình truyền dạy cho đội chiêng nữ ở làng. Dàn chiêng truyền thống còn là một biểu tượng cho sự đoàn kết của mỗi cá nhân với cộng đồng, không tách rời, không lạc nhịp. Già Hueo kể: “Trước kia, mình tham gia kháng chiến chống Mỹ, từng đi qua rất nhiều làng ở Đông Trường Sơn nhưng chưa thấy phụ nữ đánh chiêng. Vậy mà nay rất nhiều làng đã thành lập đội chiêng nữ, được chơi trong các lễ hội của làng. Đó là một sự thay đổi rất lớn để gìn giữ truyền thống văn hóa”. Theo già làng, di sản văn hóa đang mai một rất nhanh, rất mong manh, nhất là nhìn vào lối sống mới của thanh niên. Chính vì vậy, để gìn giữ di sản văn hóa cũng cần nới lỏng các luật lệ.
Cho đến nay, cồng chiêng nữ đã xuất hiện ở nhiều làng, từ các làng ở xã Hà Tây (huyện Chư Pah), xã Tơ Tung, Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) đến các xã An Trung, Đak Pơ Pho, Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro)… Các đội chiêng nữ đã mang lại một sinh khí mới, sắc màu mới cho các lễ hội. Từ nhu cầu rất thực trong đời sống văn hóa tinh thần, họ đã viết tiếp một chương mới cho câu chuyện bảo tồn các giá trị của di sản văn hóa trong đời sống mới.
Các cộng đồng đã có nhiều cách làm khác nhau như vậy để gìn giữ văn hóa. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh: “Hãy để văn hóa phát triển một cách tự nhiên như cộng đồng vốn có, không nên can thiệp sâu. Chúng ta chỉ nên can thiệp ở chỗ, đừng để nó quá lai căng, mất đi những giá trị cốt lõi. Những gì thuộc về văn hóa đã sẵn có trong tiềm thức của mỗi con người và hãy tôn trọng để cộng đồng gìn giữ nó, phát triển theo tự nhiên. Nếu trợ giúp cho cộng đồng bảo tồn văn hóa thì phải có cái tâm, có sự thấu hiểu và trân trọng. Có như vậy, sự giúp sức, định hướng mới đúng đắn, mới làm cho văn hóa “sống” được”.
 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Kông Chro nâng cao hiệu quả kiểm kê di sản văn hóa

Kông Chro nâng cao hiệu quả kiểm kê di sản văn hóa

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể trên địa bàn. Đây chính là tiền đề để huyện tiếp tục làm tốt công tác quản lý cũng như phát huy giá trị di sản nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.