Bảo tồn di sản văn hóa: Cần dựa vào cộng đồng - Kỳ 1: Nỗi lo mai một, biến dạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên từ nhiều thập kỷ qua đã trở thành vấn đề được chính quyền các địa phương hết sức quan tâm. Nhưng trong thực thế, đâu đó vẫn có những sự ngộ nhận, áp đặt, ứng xử thiếu tôn trọng đối với di sản văn hóa. Cần dựa vào đâu để bản sắc văn hóa vừa được bảo vệ, vừa trở thành nguồn lực trợ giúp cho cộng đồng-những chủ nhân thực sự của di sản là vấn đề cần có câu trả lời thỏa đáng.
Di sản văn hóa Tây Nguyên là dòng chảy bất tận, chứa đựng chiều sâu thăm thẳm của tri thức cộng đồng được tích lũy, chắt lọc qua thời gian. Nhưng nhiều giá trị đang âm thầm mai một, biến dạng trước những nghịch lý, tác động của đời sống mới, là mối lo lớn đối với di sản.
Mất mát từ cộng đồng
Ở huyện Kông Chro, địa phương được mệnh danh là vùng trầm tích, vùng đất lễ hội, nơi còn lưu giữ đậm đặc những giá trị văn hóa của người Bahnar những năm gần đây xuất hiện khá nhiều nhà rông kiểu mới. Những ngôi nhà rông này ít nhiều phá vỡ kiến trúc hài hòa của làng Bahnar truyền thống. Sự biến đổi của công trình kiến trúc được xem là “trái tim của làng” đang thành hình nguy cơ lớn hơn, đó là đánh mất đi những giá trị trường tồn hàng ngàn năm dưới mái nhà rông.
Sự mất mát của di sản văn hóa còn diễn ra ngay trong những lễ hội của người bản địa. Trong nhiều lễ bỏ mả (pơ thi), được xem là lễ hội lớn nhất, giàu bản sắc và độc đáo bậc nhất của cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên đã vắng bóng tượng nhà mồ. Đây vốn là một loại hình điêu khắc dân gian đặc sắc của Tây Nguyên, là linh hồn trong các lễ pơ thi. Tại lễ pơ thi của cộng đồng Jrai ở vùng biên giới Ia Grai hay Bahnar ở vùng Đông Trường Sơn như: Kông Chro, Kbang… nhiều năm gần đây, tượng gỗ chỉ còn trong lời kể đầy nhớ tiếc của các già làng. Mặc dù pơ thi được tổ chức rất hoành tráng, nhưng thiếu vắng thế giới tượng gỗ đã khiến cho lễ hội dường như không trọn vẹn. Già làng Đinh Jur (làng Kôn, xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) nói rằng, nguyên nhân chỉ vì nghệ nhân tạc tượng gỗ đã chết hết trong khi không có truyền nhân. Hơn nữa, bây giờ tìm gỗ để đẽo tượng nhà mồ không còn dễ dàng.
 Một lễ bỏ mả của người Bahnar (huyện Kông Chro) được tổ chức khá lớn nhưng hoàn toàn vắng bóng tượng nhà mồ.  Ảnh: H.N
Một lễ bỏ mả của người Bahnar (huyện Kông Chro) được tổ chức khá lớn nhưng hoàn toàn vắng bóng tượng nhà mồ. Ảnh: H.N
Không tìm thấy truyền nhân cho các loại hình nghệ thuật dân gian cũng chính là mối lo lớn trong các cộng đồng hiện nay, đặc biệt ở loại hình hơ mon, khan (hát kể sử thi). Nghệ nhân lừng danh Pơnh (làng Bia Bre, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa)-người vừa được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt 2 (năm 2019) thuộc hàng chục sử thi đồ sộ, là tác giả hát kể của 2 sử thi “Dio Hao Jrang” và “Atâu So Hle, Kơne Gơseng”; 1 truyện thơ “Dăm Sơdang” được xuất bản năm 2008. Ông cũng là nghệ nhân sử thi duy nhất của tỉnh có mặt trong cuốn “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. So với các nghệ nhân sử thi khác, ông Pơnh có lẽ là người duy nhất có được vài cuốn sách để đời. Nhưng ông giờ như mặt trời sắp lặn. Suốt nhiều năm nay, khả năng hát kể sử thi tài tình của ông không còn khiến người làng hứng thú. Pho sử thi đồ sộ ông cất giữ trong trí nhớ cũng không còn ai muốn học. Đây cũng là nỗi niềm chung của các nghệ nhân sử thi như: Đinh Tim, Đinh Yie, Nhưr (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ), Đinh Rung (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro). Có thể nói không ngoa, đó là những nghệ nhân sử thi cuối cùng ở vùng đất họ đang sống.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong trong gần 40 năm cầm máy đã có hàng chục ngàn ảnh tư liệu quý giá về di sản văn hóa Tây Nguyên. Vài năm trở lại đây ông vẫn tìm về các lễ hội để bổ sung vào kho ảnh tư liệu, chuẩn bị cho việc tái bản 2 bộ sách ảnh chuyên đề về văn hóa Tây Nguyên. “Nhưng đó là điều tôi muốn mà không thể làm được. Lễ hội đã phai nhạt đi nhiều, tượng mồ trong nhiều lễ bỏ mả hầu như không còn...”-ông nói đầy tiếc nuối. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong là tác giả của 2 cuốn sách chuyên đề: “Điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai” (xuất bản năm 1995) và “Lễ hội Tây Nguyên” (xuất bản năm 2008). Đây được xem là tư liệu vô giá cho giới nghiên cứu lẫn những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên. Nhiều giá trị văn hóa của xã hội Tây Nguyên cổ truyền chỉ còn là những khoảnh khắc đẹp trong kho ảnh tư liệu quý giá của nghệ sĩ này.
Những ứng xử “phũ phàng”
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu văn hóa-lịch sử Gia Lai và vùng Bắc Tây Nguyên cho rằng, văn hóa không tĩnh tại mà luôn phát triển không ngừng. Điều chúng ta nhìn thấy hôm nay đã trải qua một quá trình phát triển chứ không phải nguyên gốc. Cộng đồng luôn hướng đến cái mới, cái tiện lợi là một thực tế. Khi bảo tồn văn hóa ở cộng đồng, rất cần sự định hướng của người am hiểu về văn hóa. Nhưng hiện nay, nhiều người làm công tác quản lý văn hóa lại chưa am tường về văn hóa bản địa. Đây cũng là mối lo lớn đối với công tác bảo tồn di sản.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân: “Tôi rất sợ những dự án bảo tồn. Khi đầu tư không đúng, giao vào tay những người không có tâm, không hiểu biết về văn hóa thì sẽ phá hỏng văn hóa truyền thống hoặc làm sai lệch, thậm chí xóa sổ những dấu tích cũ để xây nên những công trình mới, nhìn đẹp mắt nhưng không còn thấy dấu vết của những giá trị từng gắn với cộng đồng dân cư ở đâu nữa cả”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân dẫn ra nhiều câu chuyện buồn, cho thấy có những ứng xử rất “phũ phàng” từ sự thiếu hiểu biết, thiếu trân trọng đối với các giá trị văn hóa. Như có địa phương đặt tượng gỗ dân gian “hầm bà lằng” không đúng nơi đúng chỗ, đem tượng nhà mồ đặt ở nhà rông. Việc thay đổi tên làng, tên xã trong các cộng đồng Jrai, Bahnar cũng đang là một nỗi lo. Bởi trong các cộng đồng, tên làng thường có ý nghĩa nhất định nào đó, gắn liền với cuộc sống của con người từ khi sinh ra, lớn lên, mất đi. Mất đi tên làng, người dân như mất luôn một điểm tựa. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đã khẳng định tính ưu việt khi làm cho cuộc sống của người dân thay đổi tích cực, bình đẳng giữa miền núi và miền xuôi nhưng cũng cần tính đến yếu tố gìn giữ các giá trị văn hóa. Bảo tồn văn hóa cần tính đến những yếu tố toàn vẹn, tổng thể, bảo vệ từ những tên làng cho các cộng đồng.
Hay nhiều dự án trùng tu di tích nhưng lại gián tiếp làm mất mát các giá trị văn hóa, như quá trình trùng tu Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Tiến sĩ bà Nguyễn Thị Kim Vân kể: “Khi địa phương bắt tay vào làm công tác trùng tu, tôi tha thiết đề nghị hãy giữ lại ngôi nhà trệt, lợp tranh cũ kỹ mà bok Núp đã ở những ngày cuối đời. Mặc dù một đơn vị quân đội xây tặng cho ông ngôi nhà to đẹp ngay bên cạnh nhưng ông không ở đó. Bok Núp vẫn ở căn nhà cũ, bên trong là những vật dụng giản dị nhưng rất gần gũi, gắn bó với bok. Nhưng đến khi địa phương làm xong, tôi xuống xem thì căn nhà tranh đã biến mất. Đó là một điều rất đáng tiếc, một sự mất mát lớn, hậu quả của bảo tồn di tích mà không có chuyên môn, thiếu hiểu biết”.
Làng Đê Ktu (huyện Mang Yang) cùng từng mang nỗi buồn tương tự. Ngôi làng này từng được một dự án đầu tư tiền tỷ để bảo tồn văn hóa. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho hay: “Khi tôi xuống khảo sát hiện trạng trước khi tiến hành bảo tồn, tôi thích nhất 2 bến nước, nó rất nguyên bản. Bến nước cũng là một yếu tố văn hóa mang đậm tính cộng đồng của người bản địa. Nhưng sau khi tiến hành, bến nước nằm dưới 2 gốc cây to cuối làng đã bị ủi đi mất để xây 2 cái nhà tắm bê tông cốt thép. Một số yếu tố nguyên gốc của văn hóa cũng bị làm cho biến đổi theo kiểu đập đi xây lại như vậy. Tôi đã góp ý trước khi nghiệm thu, nhưng thay vì sửa sai thì những người thực hiện dự án đã không tiếp tục mời tôi cố vấn, nghiệm thu công trình”.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết, nỗi lo của di sản còn nằm ở chỗ nguồn nhân lực cho công tác này hiện nay quá mỏng và thiếu kiến thức nhất định về văn hóa bản địa. “Vấn đề của chúng ta là thiếu hụt lực lượng trầm trọng từ cơ sở cho đến cấp tỉnh. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch không có nhà nghiên cứu nào cụ thể. Cả tỉnh cũng rất hiếm nhà nghiên cứu văn hóa chuyên sâu”-ông Tuệ nói. Cũng theo ông Tuệ, do không có chuyên môn về văn hóa nên nhiều cơ quan quản lý nhà nước tổ chức các sự kiện văn hóa, phục dựng các lễ hội chỉ theo kiểu tuyên truyền là chính, không có tác động gì mấy đối với công tác bảo tồn ở cộng đồng.
Mất mát của những giá trị di sản đã hiện hữu, tạo những khoảng trống đầy tiếc nuối. Người dân dẫu có ý thức trong việc gìn giữ các giá trị do cha ông trao truyền nhưng “sức đề kháng” của họ không lớn trước nhiều sự tác động. Những chủ nhân thực sự của di sản sẽ ở vị trí nào trong công tác bảo tồn này vẫn là câu hỏi.
 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.