Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai: Đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sự hài lòng của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Hồng Hạnh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh.

* P.V: Bà đánh giá như thế nào về công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của ngành BHXH tỉnh?

- Bà TRẦN THỊ HỒNG HẠNH: Trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tỉnh đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của ngành; cung cấp 25/25 (100%) thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn.

Đến nay, toàn ngành đã ứng dụng, triển khai 35 phần mềm nghiệp vụ, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công vụ; triển khai hồ sơ điện tử với trên 86% hồ sơ giao dịch.

bao-hiem-xa-hoi-tinh-bb.jpg
Bảo hiểm Xã hội tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số hướng đến sự hài lòng của người dân. Ảnh: N.N

Ngành BHXH đã sử dụng hiệu quả chữ ký số; văn bản được xử lý trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của BHXH Việt Nam. Bộ máy tổ chức thường xuyên được rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Quan tâm xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt đưa vào sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính của ngành.

Ứng dụng còn có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ các nhu cầu thông tin thiết yếu cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 223.400 tài khoản đăng ký và sử dụng các tiện ích của ứng dụng VssID.

Ngoài ra, ngành BHXH tỉnh còn thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám-chữa bệnh (KCB) trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT kịp thời đảm bảo quyền lợi của người tham gia.

Đến nay, Gia Lai đã thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT đạt 98,9%; 100% cơ sở KCB BHYT triển khai KCB bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng định danh điện tử VNeID và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB thay thẻ BHYT giấy, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân.

* P.V: Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngành BHXH tỉnh đặt ra các mục tiêu gì trong công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn?

- Bà Trần Thị Hồng Hạnh: Thời gian tới, ngành BHXH tỉnh chú trọng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đưa 100% dịch vụ công có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công toàn trình.

Cùng với đó, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm tốt nhất quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT tạo thuận tiện trong việc chia sẻ dữ liệu, phục vụ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.

2nn.jpg
BHXH Gia lai sẽ thực hiện khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN đối với sự phục vụ của ngành BHXH tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

* P.V: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 3500/KH-BHXH về khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH năm 2024. Kế hoạch triển khai tại Gia Lai là như thế nào, thưa bà?

- Bà TRẦN THỊ HỒNG HẠNH: Để triển khai kế hoạch này, BHXH tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1251/KH-BHXH khảo sát, đánh giá sự hài lòng tại tỉnh Gia Lai. Theo đó, lựa chọn 3 đơn vị đảm bảo tính đại diện cho cả khu vực thành thị và nông thôn.

Theo chỉ tiêu phân bổ của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh thực hiện khảo sát với quy mô 771 phiếu, 5 nhóm đối tượng, bao gồm: cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan BHXH; cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp giao dịch trực tuyến với BHXH tỉnh; người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng hình thức nhận tiền mặt và nhận qua thẻ ATM; bệnh nhân/người nhà bệnh nhân đã KCB BHYT.

Việc khảo sát thực hiện bằng 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó 50% phiếu khảo sát thực hiện bằng hình thức trực tuyến (gửi câu hỏi bằng link hoặc mã QR về địa chỉ Email của người tham gia).

Việc khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN đối với sự phục vụ của BHXH tỉnh nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của BHXH Việt Nam nói chung, BHXH tỉnh nói riêng và các tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ cho người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN; nắm bắt kịp thời yêu cầu, mong muốn cũng như những khó khăn, vướng mắc của người dân, tổ chức trong việc tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN; đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của đơn vị, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Thông qua khảo sát, ngành BHXH tỉnh xây dựng văn hóa thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ”.

* P.V: Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm