Bánh xe cuộc đời vẫn quay… (kỳ cuối): Quyết không cho mình nghỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ là thương binh, anh Nguyễn Văn Vỹ (Cổ Nhuế, TP.Hà Nội) còn là một bệnh binh. Rời chiến trường, để lại những ký ức về cuộc chiến Vị Xuyên sau lưng, anh lao vào làm ăn kinh tế.
Đến nay, anh Vỹ đã có một cơ ngơi kha khá, hàng chục phòng trọ cho thuê, vài cửa hàng, cửa hiệu… Một tháng, gia đình anh thu nhập cả trăm triệu đồng.
Những tưởng sức khỏe yếu, anh Vỹ sẽ nghỉ ngơi. Ai dè, anh lại một mình đi làm trang trại ở Lương Sơn (Hòa Bình). Anh bảo không nên để cho mình nghỉ ngơi, mà phải làm việc vì tương lai...
Người nhảy Rap giữa phố
Cách đây độ 5 năm về trước, trên đường phố Hà Nội, nếu ai bắt gặp một ông thương binh phóng xe ba gác ào ào, trên xe lắp 1 chiếc loa thùng công suất lớn, mở nhạc Rap inh ỏi, khi xe dừng lại bất cứ chỗ nào là ông thường lao xuống chỗ trống nhảy những động tác Rap vô cùng điệu nghệ, thì đó đích thị là anh Nguyễn Văn Vỹ - người từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) ác liệt năm 1984.

Anh Nguyễn Văn Vỹ (trái) ngồi bên bạn chiến đấu của mình tại Hà Giang. Ảnh: P.V
Anh Nguyễn Văn Vỹ (trái) ngồi bên bạn chiến đấu của mình tại Hà Giang. Ảnh: P.V
Với phẩm chất của người lính, bằng sức lực của chính mình, những người thương binh, bệnh binh đã vươn lên làm giàu cho bản thân, và giúp đỡ cho những đồng đội còn khó khăn vất vả. Rất bình dị và âm thầm, họ vẫn lặng lẽ làm nên những điều tốt đẹp cho chính họ và cho cuộc đời. Với họ, bánh xe cuộc đời vẫn quay, miệt mài và trọn vẹn…
Có lẽ hình ảnh một ông thương binh, mặc quần áo lính, nhảy nhót giữa phố rất khó thuận mắt nhiều người. Nhưng có nói chuyện với anh mới hiểu hết nguyên cớ của cái sự "nhảy nhót" đó.
Anh Vỹ kể mình là thương binh hạng 2/4, lại "kiêm" luôn bệnh binh 2/3. Do ảnh hưởng của những trận pháo kích dài như đêm giao thừa của quân Trung Quốc ở Vị Xuyên năm xưa, nên đầu anh bị đau kinh niên.
"Có những cơn đau kéo dài cả tuần khiến mình không thể nào ngủ được. Vì vậy phải lấy âm nhạc làm bạn để xoa dịu cơn đau. Mà tài cái là mình thích mỗi nhạc Rap thôi. Cũng có lúc đang đi xe chở hàng, mình bị đau đầu quá lại phải dừng lại nhảy Rap cho quên đi, để tiếp tục làm việc thôi. Thực sự, có những cơn đau chỉ những người lính chúng mình cảm nhận, không chia sẻ để ai gánh đỡ được vì vậy hay bị hiểu nhầm lắm!"- anh Vỹ chia sẻ.
Lần đầu tiên tôi gặp và xin số điện thoại, anh Vỹ vui vẻ nói: "Em cứ lưu anh là "Vỹ càng cua" vào danh bạ cho dễ nhớ". Rồi không để tôi phải thắc mắc, anh vui vẻ đùa: "Hồi ở chiến trường, lúc thấy quả đạn của Trung Quốc bắn, anh giơ tay định bắt, ai ngờ đạn nó rắn quá, làm tay mình bị thương thành "càng cua", có cả mấy mảnh găm vào mạn sườn nữa, thế là mình thành thương binh, về nhà vợ nuôi".
Tôi nhìn bàn tay trái của anh bị đạn tiện mất chỉ còn 2 ngón, đúng như một chiếc càng cua. Anh Vỹ kể, hồi mới bị thương, cũng bất tiện lắm, anh phải tập ăn, tập vệ sinh cá nhân. Sau này rồi cũng quen hết, anh sắm con xe ba bánh, chở hàng thuê. Có những tháng tốt số, anh kiếm được tới hai chục triệu. Từ con xe ba bánh đó, anh làm được rất nhiều việc nên mới có cơ ngơi và cuộc sống thoải mái.
Gần một năm trước, anh Vỹ buồn rầu gọi cho tôi nói: "Anh phải bán xe rồi, không chạy kiếm cơm được nữa, vì những cơn đau kéo dài quá! Đã có lần anh bị gục trên tay lái xe, nên gia đình các con không cho anh lái xe ba bánh nữa, buồn lắm! Không có xe thì bất tiện lắm, bạn bè đồng đội có việc nhờ tới mình không giúp được, mà đi đâu cũng phải chờ đợi người chở mình đi. Nhưng cũng phải nghe lời khuyên của mọi người để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, và cả sự an toàn cho người đi đường nữa".
Nghỉ xe làm trang trại
Nếu ai là người mới gặp, có lẽ là rất khó chịu với anh Vỹ, bởi cho dù năm nay đã 57 tuổi nhưng anh ăn nói vẫn hồn nhiên như tuổi 20. Anh thật thà chia sẻ với tôi về kinh tế gia đình: "Nhà anh bây giờ có hơn 30 phòng trọ cho sinh viên thuê, có 6 cái cửa hàng cũng cho thuê, tháng thu nhập gần 200 triệu, con cái đều công ăn việc làm ổn định. Mọi người đều khuyên anh nên nghỉ ngơi để giữ gìn sức khỏe của mình. Nhưng nghỉ thì anh buồn lắm, chẳng nhẽ mình mới gần sáu chục tuổi đầu lại cứ ngồi nhà ăn, đợi lĩnh phụ cấp thương binh hay sao?".
Bẵng đi một thời gian, bỗng một ngày, tôi nhận được điện thoại của anh Vỹ càng cua, giọng anh hồ hởi lắm: "Anh ở nhà buồn quá, nên mới tậu cái trang trại 10.000m2 ở Lương Sơn (Hòa Bình). Anh lên đây một mình, giờ cơ ngơi của anh ổn lắm rồi, hôm nào mời chú lên tham quan". Rồi anh kể say sưa về cái trang trại của anh, có nhiều mít, nhiều chuối, có cả đàn gà trăm con và một cái ao cá mà tết này cũng thu cả tấn cá sạch...
Tâm sự về chuyện cái trang trại, anh Vỹ nói: "Năm ngoái có người vỡ nợ bán cả cái trang trại này, chỉ có 3,5 tỷ đồng. Nếu muốn an nhàn thì mình cũng chẳng mua để mà làm gì? Mà lên đây lọ mọ chăm gà, chăm cá, bón cây. Nhưng mình nghĩ thôi còn sức khỏe cứ phải đầu tư cho tương lai mua cái trang trại để dành cho con cháu.
Có khi cái số mình mát tay về đường đất đai thật, mình mua xong chưa được nửa năm có người lên trả 15 tỷ, mình cũng không bán vì xác định là để dành rồi. Mà làm trang trại, mình lại khỏe ra, được sống giữa cây cối, không khí trong lành thấy hợp hơn ở thành phố. Giờ làm trang trại ổn rồi, mình cũng muốn anh em đồng đội, ai có hoàn cảnh khó khăn thì tới làm cùng mình, vừa bầu bạn vừa thêm thắt phần thu nhập cho họ".
Không chỉ anh Vỹ, trong chiến tranh, biết bao thanh niên của Hà Nội đã hiên ngang lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trở về sau những cuộc chiến, với những vết thương, nhưng không vì thế mà họ cho phép mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Với phẩm chất của người lính, bằng sức lực của chính mình, họ đã vươn lên làm giàu cho bản thân và giúp đỡ cho những đồng đội còn khó khăn vất vả.
Rất bình dị và âm thầm, họ vẫn lặng lẽ làm nên những điều tốt đẹp cho chính họ và cho cuộc đời. Với họ, bánh xe cuộc đời vẫn quay, miệt mài và trọn vẹn… 
Theo Gia Tưởng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.