Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor-Kampong Thom: Kỳ 1-Hành trình “mở đất” trên nước bạn Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ vùng đất rộng lớn bị hoang hóa, rừng nghèo kiệt ở tỉnh Kampong Thom (Vương quốc Campuchia), qua bàn tay khai phá của cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom giờ đã phủ kín màu xanh bạt ngàn cao su.

Dòng nhựa trắng cao su đã đem lại cơ hội đổi đời và cuộc sống trù phú cho bao người dân nghèo trên vùng đất khó, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Chuyện những người đi “mở đất”

Chúng tôi đến “thủ phủ” của Công ty cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom khi mặt trời đã xuống núi. Đón chúng tôi ngay trước cổng trụ sở là Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Tiến Dũng và các Phó Tổng Giám đốc, một số cán bộ, nhân viên của đơn vị. Sự đón tiếp có phần long trọng này khiến chúng tôi rất vui và xúc động, bỗng chốc quên đi mệt mỏi sau một ngày vượt chặng đường gần 500 km. Trong tôi có phần ái ngại, vì mình và anh Nguyễn Quốc Khánh-nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, người tiên phong đi "khởi nghiệp" trồng cao su tại đây-đã nghỉ làm việc khá lâu mà anh em vẫn còn quan tâm đến vậy!

0lay-cong-ty-cao-su-chu-se-kampong-thom-da-van-dong-ba-con-nong-dan-o-dia-phuong-ban-vao-lam-cong-nhan-cho-cong-ty-anh-tccs-vn.jpg
Công ty cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom đã vận động bà con nông dân ở địa phương nước bạn Campuchia vào làm công nhân cho Công ty. Ảnh: TCCS VN

Vẫn còn đang trong tiết Xuân, nhưng thời tiết trên xứ sở Angko đã bắt đầu oi bức. Tuy vậy, hơi nước từ hồ chứa rộng hàng chục hecta trong khu trung tâm của Công ty phả lên, cộng với không gian cây xanh hoa trái đã làm cơn nóng dịu hẳn. Chúng tôi mê mẩn với không gian cây xanh, khu vui chơi giải trí sau giờ làm việc của cán bộ, công nhân viên nơi đây; những ngôi nhà xây dựng như... resort quanh hồ nước dành cho khách ở xa lưu trú khi đến thăm, làm việc. Và những dãy nhà làm việc, hội trường, nhà trưng bày các phần thưởng, lưu niệm, bảng vàng... cho chúng tôi thấy rằng chủ nhân của đơn vị qua các thời kỳ luôn trân quý những gì lớp cán bộ, nhân viên đi trước gầy dựng, để lại.

Nhớ lại thời gian đầu đi tìm đất để thực thi chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là phát triển 100 ngàn hecta cao su như cam kết của 2 Chính phủ Việt Nam-Campuchia, anh Nguyễn Quốc Khánh-nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê-tâm sự: “Khó khăn lắm, nhưng tấm lòng của anh em, những người tiên phong “đi mở đất” rất đáng khâm phục”.

Hồi đó, anh Khánh đưa nhóm cán bộ của Công ty Cao su Chư Sê gồm 5 người gọi là “Tổ công tác đặc biệt” sang đây khảo sát thực địa để triển khai dự án. Sau này, Công ty đã quy tụ thêm một số lượng lớn cán bộ trẻ có trình độ chuyên ngành nông nghiệp và nhiệt tình, tự nguyện ở trong nước đưa sang Campuchia. Khi đó, anh em đã nhờ một cán bộ thông thạo địa bàn, giỏi tiếng Việt và nhiệt tình của nước bạn đến từ tỉnh Rattanakiri tên là Ksor Thia cộng tác.

Anh Khánh cho biết: Thia đưa anh em đi hết vùng đất này đến vùng đất khác của các tỉnh Đông-Bắc nước bạn, rốt cùng chưa đâu ưng ý theo dự kiến ban đầu cho đến khi dừng chân tại huyện Stuong, tỉnh Kampong Thom này. Đây là một vùng đất quá đẹp, bằng phẳng và liền vùng, rừng non cây bụi lúp xúp xen với những cánh rừng nghèo, cây thưa thớt, kéo dài tít tắp.

Ở đây phát triển cây cao su là lý tưởng, nhưng khổ nỗi lại là vùng xa xôi, dân nghèo, an ninh không được tốt bởi nơi này là “căn cứ” cũ của bọn diệt chủng Pol Pot. Quanh khu vực là những bản làng của bà con địa phương, công việc chủ yếu của họ là sản xuất nông nghiệp trên những cánh đồng lúa một vụ. Khi ấy, cuộc sống của bà con nơi này vẫn còn khá bấp bênh.

00-anh-ngun-tno.jpg
Những cánh rừng cao su bạt ngạt của công ty Việt Nam trên đất bạn Campuchia. Ảnh nguồn TNO

Từ khi bắt đầu khai hoang sau khi được chính quyền sở tại giao đất, người viết bài này đã vài lần có mặt ở vùng đất mới của Công ty Cao su Chư Sê Kampong Thom. Qua các lần ghé thăm, người viết đã chứng kiến sự vất vả ngày đêm, mưa nắng trên xứ lạ, lại chuyện ốm đau, thiếu thốn, khó khăn trong cuộc sống của anh em mới sang. Nhưng các cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật của Công ty cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom do anh Nguyễn Duy Linh làm Tổng Giám đốc cùng đội ngũ công nhân, người lao động địa phương vừa được tuyển dụng, đào tạo đã làm nên kỳ tích. Đó là sự phát huy truyền thống của “công ty mẹ”-đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Theo thời gian, cây cao su cắm vào đất đỏ đến đâu qua một mùa mưa lên xanh tốt đến đó. Từ 3.000 rồi 4.000, 5.000 ha, cứ thế cho đến khi định hình là hơn 16.200 ha. Giờ đây, những cánh rừng cao su bạt ngàn, xanh tốt nơi đây đã cho năng suất mủ cao nhất toàn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Đất lạ vươn mầm xanh

Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng trực tiếp đưa chúng tôi thăm các vườn cây. Mỗi một lô có 200 ha, do một nông trường quản lý, cả Công ty có 8 nông trường. Những người được giao trọng trách quản lý nông trường là cán bộ kỹ thuật được đào tạo, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su. Đặc biệt là những người được đào tạo khá kỹ về quản lý kinh tế, biết làm công tác dân vận. Cũng cần phải nói thêm là làm công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong nước đã khó, với đội ngũ công nhân, lao động người nước ngoài còn khó hơn nhiều. Trong đó, khó khăn nhất có lẽ là bất đồng ngôn ngữ, về tâm sinh lý, mối quan hệ gia đình, cộng đồng của họ...

Chỉ với mấy ngày “cưỡi... ô tô xem... cao su”, chúng tôi đã cảm nhận được sự cố gắng vượt qua bao gian khó của đội ngũ những người làm cao su trên đất nước Chùa Tháp này.

lay6.jpg
Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty. Ảnh: Đ.M.P

Tôi bồi hồi nhớ lại năm 2007, thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000 ha cao su giữa 2 chính phủ Việt Nam và Campuchia, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành lập 16 công ty con với tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu gần 1,8 tỷ USD. Theo Quyết định số 164/QĐ-HĐQTCSVN ngày 15-7-2009 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom được thành lập. Những người tiên phong như chúng tôi đã nói ở trên đã không quản ngại khó khăn trèo đèo, lội suối, băng rừng, dầm mình dưới cái nóng bỏng da và những trận mưa rào bất chợt ập tới tối tăm mù mịt để khai hoang, cắm mốc, vạch đường ranh... Họ đã bắt đầu cho dự án với sự nhiệt huyết và tinh thần không ngại bất cứ khó khăn nào.

Vượt qua thời tiết khắc nghiệt với những mùa mưa ngập nước, vượt qua những rào cản ngôn ngữ, tình hình an ninh trật tự địa bàn, cán bộ, công nhân viên người Việt của Công ty cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom đã kiên trì, nhẫn nại tuyên truyền, vận động bà con sở tại vào làm công nhân cho Công ty; đào tạo, hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và cùng nhau khai hoang, gieo trồng những mầm xanh cao su. Thế rồi, mỗi ngày trôi qua, từng lô, từng khoảnh cao su xanh tốt đã dần thay thế những đồng đất bỏ hoang ở Kampong Thom.

lay8.jpg
Đêm yên bình trong khuôn viên Công ty. Ảnh: Đ.M.P

Công ty cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom được thành lập theo Quyết định số 164/QĐ-HĐQTCSVN ngày 15-7-2009 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Sau 5 năm trồng mới, công ty đã thực hiện hoàn thành kế hoạch trước 3 năm, trồng mới 16.268,68 ha cao su bạt ngàn xanh tốt. Đặc biệt năm 2013 công ty đã trồng được 4.539 ha, lập kỷ lục của ngành.

Sau 5 năm trồng mới, Công ty đã hoàn thành kế hoạch trước 3 năm; đã trồng mới 16.268,68 ha cao su bạt ngàn xanh tốt. Đặc biệt năm 2013, Công ty trồng được 4.539 ha, nhiều anh chị em của Công ty nói vui: “Chúng tôi đã lập kỷ lục của ngành và chắc có lẽ là kỷ lục thế giới”?! Anh Khánh nói: Lãnh đạo Tập đoàn có dịp sang thăm anh em đúng lúc thời vụ trồng mới đã chứng kiến không khí lao động từ sáng sớm đến chiều tối diễn ra như ngày hội. Mặt đất ướt sũng nước bởi giữa mùa mưa, hố được đào đúng kỹ thuật, phân bón lót lấp đầy, từng bầu cây 3 tầng lá nhú mầm được đặt vào hố lấp đất ém chặt theo hàng thẳng tắp. Từng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật trồng cho công nhân, người lao động.

Cứ như thế từng lô, từng thửa, vườn cây trồng mới đã xuống giống xong, đảm bảo tỷ lệ cây sống 98% trở lên và phát triển rất tốt. Từ vùng đất hẻo lánh hoang hóa, rừng nghèo kiệt, một khu vực rộng lớn giờ đã phủ kín màu xanh cao su. Dòng nhựa trắng cao su rồi đây sẽ đem lại cơ hội đổi đời và cuộc sống trù phú cho bao người dân nghèo trên vùng đất khó, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Vạn sự khởi đầu nan, gian khó của những ngày đầu đi tìm vùng đất hứa để khởi nghiệp trên đất nước Angkor giờ đây đã đến ngày thụ hưởng trái ngọt. Cao su Chư Sê cũng là doanh nghiệp có 40 năm xây dựng và phát triển, dẫn đầu ngành Cao su tỉnh Gia Lai. Đây cũng là đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới đầu tiên của ngành Cao su Việt Nam trên vùng đất nắng gió Tây Nguyên. Giờ đây, đơn vị tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng ấy trên đất nước Chùa Tháp một cách có hiệu quả.

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…