50 năm trở lại, vùng "chót đất" từng bước thay da, đổi thịt, hướng tới một tương lai rộng mở cùng dân tộc.
Cả nhà ôm nhau khóc sung sướng
50 năm trôi qua, ký ức về ngày vùng đất cực Nam Tổ quốc - Cà Mau hoàn toàn giải phóng (ngày 1/5/1975), vẫn vẹn nguyên với người cựu binh Đại tá Lê Ký Du (Lê Trung Tính - Tám Tính).
Ông Tám Tính là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn U Minh 2 (nguyên Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau), người trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn U Minh 2 tiêu diệt hàng trăm đồn bốt địch, tiến vào giải phóng thị xã Cà Mau 50 năm trước.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, mỗi khi nhắc lại thời điểm Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, người cựu binh nay 82 tuổi vẫn bồi hồi xúc động, ánh mắt xa xa nhớ về đồng đội, đồng bào đã ngã xuống cho độc lập hôm nay. Ông Tám Tính tham gia cách mạng làm liên lạc xã An Xuyên khi mới 16 tuổi.

Lật lại hồi ức về mùa xuân năm 1975, ông Tám Tính nhớ lại, từ cuối năm 1974 đến giữa tháng 4/1975, lực lượng của ta đánh chiếm, tiêu diệt hàng trăm đồn bốt, giải phóng nhiều huyện lân cận thị xã Cà Mau. Ông được cấp trên giao chỉ huy lực lượng tiến quân từ hướng Đông Bắc về thị xã Cà Mau để đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của địch, như toà hành chính dinh tỉnh trưởng An Xuyên, tiểu khu, khám giam... Theo kế hoạch, tối 30/4/1975, lực lượng của ta sẽ đánh vào trung tâm thị xã để chiếm giữ các mục tiêu quan trọng.
Khi lực lượng ta đã sẵn sàng chờ giờ tiến công, trưa cùng ngày Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tình hình thay đổi mau lẹ có lợi cho ta. Ban chỉ huy chiến dịch của ta yêu cầu Tỉnh trưởng An Xuyên - Nhan Nhựt Chương hạ vũ khí đầu hàng để giảm thương vong cho cả 2 bên. Tuy nhiên, tên Tỉnh trưởng này vẫn cố tình trì hoãn, xin sang ngày hôm sau mới bàn giao chính quyền.
Sáng sớm 1/5/1975, Nhan Nhựt Chương lên máy bay L19 bỏ chạy. Sáng 1/5/1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Cà Mau bàn giao cho chính quyền cách mạng, tỉnh Cà Mau hoàn toàn giải phóng.

Đại tá Tính nhớ lại, cho tới sáng 30/4/1975, toàn quân và dân ta ai cũng dự tính sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt, đổ máu giữa hai bên để kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, đến trưa 30/4/1975, khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mình mới thấy yên tâm, tâm trạng nhẹ nhõm vì không cần thêm trận chiến nào nữa. Đêm 30/4/1975, hầu như không ai ngủ được, ai cũng nôn nao, háo hức.
“Thời điểm ấy, ai ai cũng mong chờ đến sáng để chứng kiến thời khắc quan trọng khi chính quyền về tay cách mạng. Từ khoảng 3 - 4 giờ sáng ngày 1/5/1975, hàng ngàn đồng bào ta từ khắp nơi trong tỉnh Cà Mau đã đổ về trung tâm thị xã để đón quân giải phóng. Có người ở vùng quê chưa bao giờ được ra thị xã cũng lặn lội cả đêm tụ hội về, háo hức vô cùng.
Gặp nhau không kể quen hay lạ, dân rồi quân cứ tay bắt mặt mừng. Xúc động nhất cảnh cha mẹ, họ hàng trong quê ra thấy con trong đoàn quân giải phóng tiến vào thị xã, cùng ôm nhau khóc trong sung sướng, tự hào”, Đại tá Tính nhớ lại.
Vận hội mới nơi cuối đất
Những ngày này, Đất Mũi - Cà Mau rộn ràng cờ hoa chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn toàn giải phóng. Qua 50 năm độc lập, Cà Mau đã và đang nỗ lực phát triển, Cánh rừng U Minh đã xanh trở lại sau bom đạn chiến tranh tàn phá và vẫn từng ngày tiến ra biển.
Đặc biệt, năm qua, tỉnh Cà Mau kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024), một trong những điểm cầu chính của chương trình cầu truyền hình trực tiếp cả nước, với sự tham dự trực tiếp của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Khép lại năm 2024, Cà Mau đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hơn 7%, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,26 tỷ USD; thu ngân sách trên 5.900 tỷ đồng, với nhiều sản phẩm xuất khẩu thuộc nhóm đầu cả nước, như tôm, cua… Cà Mau hiện có Khu công nghiệp khí - điện - đạm Khánh An chuyên biệt thuộc hàng lớn nhất nước, góp cho ngân sách tỉnh trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm.
Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư từ Trung ương, hệ thống hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, đưa kinh tế - xã hội địa phương cất cánh cùng cả nước. Đặc biệt, năm 2016, đường Hồ Chí Minh đã nối thông về Đất Mũi, xoá thế cô lập về đường bộ, đưa vùng “chót đất” từng ngày đổi mới.
Cùng với tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, dự kiến dịp 30/4 này sẽ thông xe cầu Gành Hào tạo trục kết nối thông suốt theo tuyến đường Đông - Tây, nối cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) với cửa biển Gành Hào (Bạc Liêu).
Cũng dịp Giải phóng miền Nam này, Dự án mở rộng và nâng cấp sân bay Cà Mau được triển khai thi công, tổng vốn khoảng 2.400 tỷ đồng; khởi công Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng…
10h ngày 1/5/1975, lá cờ chiến thắng của cách mạng tung bay trên nóc Toà Hành chính Dinh Tỉnh trưởng tỉnh An Xuyên (thị xã Cà Mau), đánh dấu cuộc tiến công giải phóng Cà Mau toàn thắng. Cùng ngày, quân và dân ta giải phóng Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường, Sa Đéc, Côn Đảo, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam được giải phóng, kết thúc thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Mới đây, Thủ tướng cũng chấp thuận giao Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư đoạn cao tốc Cà Mau - Đất Mũi (dài khoảng 90km), dự kiến khởi công trong năm nay.
Khi đoạn cao tốc này hoàn thành, cùng với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến thông xe trong năm 2026, sẽ nối thông cao tốc Bắc - Nam về tới Đất Mũi.
Tuyến cao tốc này cũng mở ra cơ hội để Cà Mau hiện thực hoá kế hoạch xây dựng cảng nước sâu Hòn Khoai đã được quy hoạch, từ đó “mở toang” cánh cửa kết nối không chỉ Cà Mau, còn phía Tây Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thế giới bằng đường biển.
Bên cạnh đó, Cà Mau và Bạc Liêu đang được nghiên cứu sáp nhập thành 1 tỉnh (tỉnh Minh Hải xưa), sẽ thêm lợi thế, nguồn lực, mở rộng không gian phát triển để sớm đưa nơi đây thành một trong những trung tâm kinh tế biển, năng lượng tái tạo, vùng nuôi trồng - chế biến thuỷ - hải sản xuất khẩu của cả nước, theo đúng quy hoạch.
(còn nữa)
Theo TÂN LỘC (TPO)