Nữ pháo thủ trung dũng, kiên cường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không quân hàm, không huy chương… những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã ghi tên mình vào lịch sử bằng máu, nước mắt và lòng quả cảm phi thường.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm gặp họ - các “nhân chứng sống” của một thời hoa lửa đã hi sinh những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất để bảo vệ quê hương, góp phần làm nên những chiến công huyền thoại.

Tham gia cách mạng ở tuổi “trăng rằm”, bà Nguyễn Thị Bích Nga trở thành chiến sĩ pháo kích của Biệt động Sài Gòn thời kháng chiến chống Mỹ. Bà tham gia nhiều trận đánh lớn, tấn công vào các cơ quan đầu não của địch với tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, thà hi sinh chứ quyết không đầu hàng.

Bắn pháo không bàn đế

Một buổi chiều tháng Tư, chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Bích Nga - quyền Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Sài Gòn.

Trong căn nhà nhỏ trên đường Hưng Phú (quận 8, TPHCM), bà Nga rạng rỡ khoe tấm ảnh chân dung chụp vào năm 1975 sau khi rời nhà tù Côn Đảo cùng những bài báo được cất giữ cẩn thận. Đối với bà, đây là những tài sản vô giá của mình.

Sinh năm 1951 tại Đức Phổ (Quảng Ngãi), 12 tuổi, bà Nga vào Sài Gòn mưu sinh. Do ảnh hưởng từ cha nuôi, bà Nga đã sớm tìm được lý tưởng cho mình. Bà tham gia cách mạng và được cấp trên cử đi học Trường quân sự T44 tại Bến Súc (Bình Dương).

Ra trường, bà Nga được tổ chức phân công về B8 (đơn vị Quân báo của Biệt động Sài Gòn) và tiếp tục được tham gia một khóa huấn luyện về pháo binh (cối 80 ly, 82 ly, 60 ly) tại Dầu Tiếng (Bình Dương). Năm ấy, bà mới tròn 14 tuổi.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn ấy đã trải qua không biết bao nhiêu trận đánh lớn nhỏ.

Là “xạ thủ” cối 82 ly, đầu năm 1967, khi mới 16 tuổi, bà Nga được giao nhiệm vụ pháo kích vào Sở chỉ huy của tướng Westmoreland - Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, đồng thời là Chỉ huy trưởng các cuộc hành quân lớn ở miền Nam.

“Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời chiến đấu của tôi. Khẩu cối 82 ly của chúng tôi thiếu nhiều bộ phận, không có chân, không có đế, chỉ có nòng pháo và càng do lực lượng bảo đảm không vận chuyển vào kịp.

Nhưng, được phân công chiến đấu là vinh dự lắm rồi, nếu có thiếu thốn, khó khăn gì cũng phải cố gắng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ” - bà Nga nhớ lại.

Dự kiến sẽ bắn 10 quả pháo nhưng vừa tống trái thứ 3 vào nòng súng thì cả chân và càng pháo đã lún xuống khoảng 2/3, nòng súng trổ ngược lên trời. Bà Nga nói do pháo không có bàn đế, mỗi lần bắn bị giật là chân pháo lại lún xuống. Vì vậy, bà quyết định ngừng bắn và đặt cả gói thuốc nổ TNT 5kg phá hủy trận địa rồi thoát ra đường.

Lần đó, tổ chiến đấu 5 người đều rút lui an toàn về căn cứ. Thông tin từ trong nội thành báo ra, trong số 3 quả pháo có 2 quả trúng Sở chỉ huy của tướng Westmoreland, một quả trúng xe của Mỹ đang chạy trên đường Pasteur làm 13 tên thiệt mạng, 17 tên khác bị thương nặng. Đến tận bây giờ, bà Nga vẫn tiếc nuối vì không thể bắn toàn bộ 10 quả pháo vào cơ quan đầu não của địch.

Thà hi sinh chứ không đầu hàng

Sau trận đánh gây nhiều tổn thất cho địch, bà Nga bị nhận diện và truy lùng gắt gao. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, bà được tổ chức tin tưởng phân công vào nhóm xạ thủ pháo kích vào mục tiêu Dinh Độc Lập. Ngày 2/5/1968, khi đang vận chuyển pháo cối vào nội thành thì bà Nga bị địch bắt.

Chúng chuyển bà đi thẩm vấn hết nhà giam Bình Chánh về cầu Băng Ky, nhà lao Gia Định, Thủ Đức, Chí Hòa rồi đến Tân Hiệp. Cuối cùng, tháng 10/1969, bà bị đày ra giam ở chuồng cọp Côn Đảo. Năm sau, bà lại bị đưa về nhà lao Tân Hiệp và tới năm 1972 lại tiếp tục trở ra Côn Đảo.

Năm 1973, bà Nga thuộc diện được trao trả và địch đưa về giam ở đất liền nhưng sau đó bà lại bị đưa ra đày ở Côn Đảo. Mãi đến ngày 10/5/1975, bà Nga mới được tàu hải quân đón về đất liền.

Trong thời gian tù đày, bà Nga ở chung phòng giam với các nữ tù chính trị nổi tiếng như bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước), bà Võ Thị Thắng (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch).

Suốt 7 năm chịu cảnh tù đày với hàng trăm trận đòn roi, hành hạ đến “dở sống dở chết”, có lần bị gãy cả hàm răng nhưng nữ pháo thủ vẫn bình thản chống lại mọi thủ đoạn tra hỏi của địch.

Bà Nga khẳng khái: “Là chiến sĩ của lực lượng Biệt động Sài Gòn thì tiêu chí đầu tiên là phải có lòng trung thành tuyệt đối. Một là bị bắt, hai là hi sinh chứ nhất quyết không được khai báo, không để lộ bí mật”.

Nhớ về những tháng ngày “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, bà Nga bộc bạch, đó là tinh thần, là ý chí của bất cứ người dân nước Việt nào “nặng nợ với núi sông”. Ai cũng muốn đi chiến đấu, quyết không chịu ở nhà. Khí thế lên đường sục sôi, phấn khởi...

“Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập và phát triển, những âm mưu xuyên tạc của thế lực thù địch cũng ngày càng tinh vi. Ngày trước, chúng ta đối mặt trực tiếp với kẻ thù. Hiện nay, kẻ thù ẩn mình trong bóng tối. Nếu không có bản lĩnh, không giữ vững lập trường, các bạn trẻ rất dễ bị lôi kéo, sa ngã”.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga

Khi các trận chiến thực sự bắt đầu, kể lại sự hi sinh vô cùng anh dũng của các đồng đội, nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã nhiều lần rơi nước mắt. Bà Nga ngậm ngùi: “Biệt động Sài Gòn là lực lượng tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Các chiến sĩ biệt động đã chiến đấu rất kiên cường và dũng cảm, thà hi sinh chứ quyết không đầu hàng. Sau đợt chiến đấu, 61 đồng chí đã hy sinh và đến nay chưa tìm được hài cốt, chưa tìm được thân nhân”.

Nhiệm vụ giữa thời bình

Ở tuổi 74, bà Nga hiện nay vẫn miệt mài cống hiến tất cả những gì có thể cho những người xung quanh. Bà đang giữ nhiều trọng trách được người dân tin tưởng giao phó như Bí thư Chi bộ khu phố phường Hưng Phú (quận 8), Phó ban liên lạc tù chính trị tù binh quận 8, thành viên cựu tù chính trị TPHCM, thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 8…

Dù sức khỏe đã giảm sút nhưng bà Nga vẫn dành thời gian chăm lo cho người nghèo; giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp vay vốn...

Bà Nguyễn Thị Bích Nga chỉ còn tấm ảnh chân dung chụp năm 1975 sau khi rời nhà tù Côn Đảo. Ảnh: U.P
Bà Nguyễn Thị Bích Nga chỉ còn tấm ảnh chân dung chụp năm 1975 sau khi rời nhà tù Côn Đảo. Ảnh: U.P

Gửi gắm tâm huyết đến thế hệ trẻ, nữ chiến sĩ pháo binh Nguyễn Thị Bích Nga nhìn nhận, thế hệ hôm nay năng động, nhạy bén và có tri thức. Tuy nhiên, để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các bạn trẻ cần không ngừng học tập, rèn luyện và nâng cao bản lĩnh.

“Qua theo dõi, tôi thấy lớp trẻ ngày nay rất quan tâm đến truyền thống, tiếp nối con đường của cha ông. Đó là điều rất đáng quý. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào thế hệ trẻ” - bà Nga bày tỏ.

(còn nữa)

Theo Uyên Phương – Trọng Thịnh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.