Bánh xe cuộc đời vẫn quay… (kỳ 2): Sống xứng đáng với hy sinh của đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cuộc chiến bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang), chiến sĩ thông tin Công Đức Cường (Phú Thượng, Tây Hồ, TP.Hà Nội) là người được nhiều thế hệ lính chiến ở đây nể trọng. Bởi trong thời khắc sinh tử, anh đã gọi pháo binh bắn yểm trợ lên chính nơi mình đang đứng chiến đấu, xác định hy sinh để giữ chốt đến cùng…
Anh Cường có một lý lịch quân nhân rất hiếm: đánh 3 trận lớn và 2 lần lên trọng điểm 685 ác liệt. Chỉ đến khi bị thương anh mới chịu rời vị trí chiến đấu. Trở về quê nhà với vết thương khắp thân thể, thương tật vĩnh viễn 71%, nhưng hàng ngày, anh Cường vẫn chở hàng thuê…
Quên mình giữ chốt
Tôi và anh Công Đức Cường (56 tuổi, phường Phú Thượng, Tây Hồ, TP.Hà Nội), năm nào cũng hẹn nhau đến ngày giỗ trận 12/7 sẽ lên Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) để thắp hương, tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh lấy lại các điểm cao của nước ta bị quân Trung Quốc chiếm, trong chiến dịch M84. Nhưng năm nay vì dịch Covid-19 nên anh Cường nhắn trước: "Dịch bệnh nên năm nay hội cựu chiến binh tụi mình không tổ chức đi đông đâu, mấy anh em đi xe riêng, theo nhóm 1 - 2 người thôi. Những ngày này, mình nóng ruột lắm! Cứ phải thắp được nén hương cho đồng đội thì mới an lòng, về làm việc tiếp được".

Anh Cường và chiếc xe chở thuê để có tiền giúp đỡ đồng đội. (Ảnh: G.T)
Anh Cường và chiếc xe chở thuê để có tiền giúp đỡ đồng đội. Ảnh: G.T

"Tuy những người lính chúng tôi, chưa làm được điều gì lớn lao, chưa đóng góp công của nhiều cho xã hội, nhưng chúng tôi biết đùm bọc yêu thương nhau, cùng nhau vào sinh ra tử trong thời chiến, động viên bảo ban nhau làm ăn trong thời bình, để làm sao không hổ thẹn với những đồng đội mình đã ngã xuống ở chiến trường Vị Xuyên".

Anh Công Đức Cường
Theo dòng cảm xúc, anh Cường kể cho tôi nghe về trận đánh mà anh không bao giờ quên tại chiến trường Vị Xuyên năm ấy. Khi đó là gần Tết bước sang năm mới 1985, anh Cường là lính thông tin đi phối thuộc đơn vị khác gồm 12 người lên thay giữa chốt điểm cao 685. Đoàn vừa lên đến nơi đã bị quân Trung Quốc tấn công dữ dội. Sau hơn 2 ngày đánh trả quân địch, đồng đội của anh Cường đều đã hy sinh gần hết, mà địch vẫn tiếp tục tấn công.
Lúc đó, anh chỉ nghĩ, mình mà bỏ chạy thì điểm chốt sẽ mất. Anh đã ôm máy điện đàm hữu tuyến, quan sát, cứ địch bò lên đến đâu, anh lại gọi pháo binh của ta bắn vào tọa độ đó. Đang đà tấn công hòng chiếm chốt của ta, quân địch bị pháo binh ta chặn đứng, chúng cũng điên cuồng bắn pháo lên trận địa hòng tiêu diệt người lính cuối cùng canh chốt 685 lúc đó.
"Không thể đếm được có bao nhiêu quả pháo, tôi chỉ thấy tai mình ù đặc, đất đá ào ào, rồi ngất đi. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy mình ở trong hang, bị thương ở đầu, vẫn ôm khẩu AK và mấy trái lựu đạn. Khi đó, tôi không biết ngày đêm là gì? Chỉ khi nghe tiếng gọi "Cường ơi" của đồng đội lên tiếp ứng mới biết mình còn sống"-anh kể.
Ý chí chiến đấu và hành động kiên cường giữ chốt của anh Cường đã được chỉ huy đơn vị đánh giá vô cùng dũng cảm, được đi báo cáo điển hình tiên tiến trong toàn quân nhiều lần.
Trở lại với đời thường, anh Cường lấy vợ là cô thợ may cùng làng, sinh 2 con và mua một chiếc xe ba gác để kiếm sống qua ngày. Rất ít người biết anh vốn là một cựu chiến binh của mặt trận Vị Xuyên ác liệt, một người lính dũng cảm quyết hy sinh bảo vệ chốt giữa cơn mưa pháo của quân địch để góp phần làm nên một ý chí Vị Xuyên kiên cường.
Xứng đáng với đồng đội…
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiếp xúc với anh Cường, có cái gì đó rất bất cần, rất ngang tàng, chút phảng phất của một người lính chiến vẫn còn trong anh ở cuộc sống thường ngày.
Tôi đã có mấy đêm ngủ cùng với anh trong hành trình thăm lại chiến trường xưa, anh thật thà tâm sự: "Thỉnh thoảng, anh nóng tính các chú cứ thông cảm cho anh nhé! Lính tráng bỗ bã ăn vào máu rồi! Chứ chú bảo, bọn anh mới lớn chưa đến 20 tuổi vào bộ đội, huấn luyện xong là lên thẳng lên Vị Xuyên chiến đấu. Đời đang như tờ giấy trắng, phải tiếp xúc, đương đầu ngay với súng đạn, chết chóc… Cũng vì thế, nhiều người có cảm giác bị hổng kiến thức, kỹ năng, sau này về quê mãi không lấp đầy lại được".
Tôi cũng nhiều lần đi cùng với những người lính Vị Xuyên. Nhiều lúc có cảm nhận, dù đang ở tuổi 60 rồi, nhưng tâm hồn họ vẫn như tuổi hai mươi, vẫn hồn nhiên tranh luận những thứ bé bé, và làm hòa với nhau sau một phút cãi nhau gay gắt như khi còn nằm chốt với nhau.
"Bị thương, trở về với đời thường, lập gia đình, là đối diện với một thực tế: Mình nghèo quá và thiếu nhiều kiến thức so với xã hội quá. Vậy nên, mình sắm một chiếc xe ba gác để chở hàng thuê. Bà con thấy bóng dáng thương binh cũng tin tưởng. Rồi cuộc sống cũng dễ chịu. So với bạn bè lính tráng ngày xưa thì cũng vẫn nghèo, nhưng mỗi lần lên Hà Giang thấy đồng bào nơi mình chiến đấu xưa còn nghèo quá, mình lại cùng với các anh em trong đơn vị lên tri ân từ thiện với đồng bào" - anh Cường chia sẻ.
Anh Cường cho biết, một số anh em trong đơn vị anh ở Yên Bái, Phú Thọ còn khó khăn, hay gặp thiên tai lũ lụt. Những lúc như thế, anh Cường đều tự bỏ tiền túi và kêu gọi những cựu chiến binh cùng chung tay giúp đỡ đồng đội của mình. Bình thường một năm, ít nhất anh Cường lên Hà Giang thắp hương cho các liệt sĩ 3 lần, rồi tham gia hội họp, hỗ trợ đồng ngũ, tri ân đồng bào Hà Giang đã cưu mang mình trong chiến tranh…
"Nếu không làm vậy, mình day dứt lắm! Còn làm những việc đó thì cũng phải có tiền chứ nên cứ chịu khó làm thuê thôi. Mình còn sức, mình phải làm việc và tự vươn lên trong cuộc sống, trước tiên là cho chính mình và gia đình, sau đó là góp chút ít cho đồng đội và đồng bào mình, chỉ giản dị thế thôi. Những người thương binh chúng tôi là như vậy đấy…".
(Còn nữa)
Theo Gia Tưởng (Dân Việt)

https://danviet.vn/banh-xe-cuoc-doi-van-quay-ky-2-song-xung-dang-voi-hy-sinh-cua-dong-doi-20210727181914424.htm

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).