
Những ngày trên đất bắc
Sau hiệp định Geneve, hàng vạn con em, chiến sĩ, đồng bào, cán bộ ở miền nam ra bắc học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ vừa phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh. Như rất nhiều gia đình miền nam, ba người con ông Hồ Truyền cũng lần lượt ra bắc tập kết. Gia đình mỗi người một ngả, cũng không ai ngờ một từ biệt là đi mãi mãi. Hình ảnh gia đình sum họp mãi mãi chỉ còn trong ký ức.
Ông Hồ Bút còn nhớ, năm 1955, đang chơi ở sân thì có mấy chú vào đứng trước cửa. Sau khi họ nói chuyện với bà Trần Thị Đoa xong thì bà gọi ông Bút vào và dặn đi theo họ. Bà trao cho cậu con trai túi xách bằng vải và dặn đi xa nhớ ngoan và nghe lời mọi người. Vừa đi theo các chú, cậu bé Bút ngoảnh lại thấy mẹ vẫn dõi theo, tay bà vội lau những giọt nước mắt. Đây cũng là lần cuối cùng ông gặp mẹ của mình.
Lúc đó Hồ Bút cứ nghĩ đây là một chuyến đi chơi xa dăm ba bữa, nửa tháng nhưng ai ngờ là cuộc hành trình kéo dài 20 năm đằng đẵng. Lời ước hẹn 2 năm trở về như Hiệp định không thành. Ngày trở về cả ba và mẹ ông Bút đều đã thành người thiên cổ.
Đến nay, gần 80 năm trên cõi đời này, nhưng khi nhắc đến tuổi thơ, tưởng như những hạt cát sông Trường Giang bay vào, mắt ông lại rưng rưng. Từ miền quê Tam Hiệp, ông cùng các chú vào Đập Đá, Bình Định rồi theo tàu ra bắc (miền bắc). Ông Bút kể: “Lúc đó mình cũng cứ nghĩ là đi chơi đâu đó, rồi được các chú đưa ra tàu cùng với nhiều người khác đến từ các vùng khác nhau”. Không có người thân nào bên cạnh, lênh đênh trên biển mấy ngày rồi tàu cập bến. Chỉ nghe loáng thoáng các chú nói là Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đến đây cùng với nhiều người khác nữa đều từ miền nam ra trong đó có nhiều bạn nhỏ cùng trang lứa.
Những ngày đầu, ai cũng nhớ nhà khóc tu tu. Những năm miền bắc mới giải phóng, đời sống còn khó khăn nhưng người dân miền bắc sẵn sàng nhường cơm, gạo để dành cho con em miền nam. Ông Bút kể, ngày đầu mới ra, chưa quen không khí, thổ nhưỡng, ông bị ghẻ lở đầy người. Cô bảo mẫu thương, thường đưa đi tắm biển, rồi nấu nước lá tắm cho ông. Từ đó mà dần dần đỡ. Học ở Thanh Hóa được một năm, ông Bút được chuyển về Trường 21 ở Cầu Rào, Hải Phòng.
Năm 1953, ông Hồ Truyền được Trung ương điều ra bắc dự Hội nghị Bàn kế hoạch cho chiến dịch Điện Biên Phủ và cải cách ruộng đất, chia tay gia đình. Đó là lần cuối các con ông chào tạm biệt bố. Năm 1954, con trai ông Truyền, Hồ Thế, cũng tập kết. Ông Bút ra bắc năm 1955, đúng năm ba ông quay lại Quảng Nam. Mỗi người một nơi, cả gia đình họ cũng chưa từng gặp lại nhau. Mãi năm 1958 ông Bút mới được gặp anh mình là ông Hồ Thế khi đi học tại Chương Mỹ (Hà Nội). Đến năm 1963, hai em Hồ Thị Thanh Lâm và Hồ Tấn Sơn mới ra tập kết.
Năm 1969, bốn anh em mới được biết ba mẹ đều hy sinh. Biến đau thương thành hành động, bốn anh em ngoài bắc đều ra sức học hành tiến tới để báo ơn ba mẹ. Bốn người đều học giỏi, tốt nghiệp đại học, riêng Hồ Thị Thanh Lâm và Hồ Tấn Sơn được sang Liên Xô (trước kia) học tập.
Thăm nhà sau 20 năm xa cách
Năm 1971, Hồ Bút tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, vào làm ở Viện Thiết kế công trình kỹ thuật của Bộ Xây dựng. Ông tham gia thiết kế xây dựng nhiều công trình trên đất bắc. Năm 1972, Mỹ mở chiến dịch Linebacker 2 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành miền bắc. Quân dân miền bắc đã anh dũng chiến đấu đánh trả quyết liệt. Lúc này kỹ sư trẻ Hồ Bút được giao nhiệm vụ trực bảo vệ Nhà máy nước Yên Phụ. Không kể mưa bom của kẻ địch trút xuống, ông và đồng nghiệp vẫn vững vàng bảo đảm cho nhà máy hoạt động để cung cấp nước cho thành phố Hà Nội trong lúc khó khăn nhất.
Năm 1975, miền nam được giải phóng, non sông liền một dải. Ông Hồ Bút được giao một nhiệm vụ đặc biệt là làm chủ nhiệm các công trình thủy lợi ở các tỉnh miền trung - Tây Nguyên. Sau giải phóng, nhiều công trình thiết yếu cho dân sinh cần được tiến hành, trong đó có vấn đề thủy lợi. Tháng 6/1975, ông Bút khoác ba-lô đi làm nhiệm vụ.
Chiếc xe chở ông Bút từ Hà Nội về Quảng Nam chật kín người, cũng đều xa quê đằng đẵng như ông. Đường quốc lộ bị tàn phá trong chiến tranh chưa kịp phục hồi, xe chạy như rùa bò lại phải qua phà, qua sông nhưng ông Bút và mọi người cứ bồi hồi như đi trong mơ. Xe chạy qua Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng), quê nhà ngay gần đó, nhưng mang nhiệm vụ một kỹ sư kiến thiết, ông Bút không thể lơ là. Anh kỹ sư một mạch từ Hà Nội lên thẳng Tây Nguyên, cắm cúi với các công trình thủy lợi. Cheo Reo, Phú Bổn lúc ấy vẫn ngổn ngang vỏ đạn, quân trang của địch. Kon Tum, Gia Lai hoang tàn, người người kéo nhau về quê cũ. Bom mìn, đạn pháo vẫn còn chung quanh. Đồng bào Tây Nguyên thu gom đạn pháo về chất quanh nhà, làm bờ rào chuồng heo. Khi ấy nước sạch ở đây vẫn còn là thứ hàng xa xỉ.
Sau khi đi nghiên cứu địa hình, khảo sát khu vực xây dựng hai Nhà máy nước Cheo Reo-Phú Bổn và Biển Hồ để cung cấp nước sạch cho đồng bào Tây Nguyên hoàn thành, ông Bút trở về Hà Nội để nhanh chóng hoàn thiện thiết kế và đưa vào xây dựng. Trên đường về, ông mới tranh thủ được thời gian ghé qua quê nhà Tam Hiệp.
Đi trên chiếc cầu nhỏ bắc qua con mương trước nhà bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Nhưng ông Bút không còn thấy lại ba mẹ và ngôi nhà, bờ tre quen thuộc. Nghe người thân kể lại, năm 1960, Ngô Đình Diệm thành lập quy khu bắt các nhà có người theo cách mạng phải vào trong đó ở để quản thúc, trong đó có chị cả Hồ Thị Kim Thanh và hai đứa em út, còn bà Đoa bị bắt giam. Ngôi nhà cũ cũng bị dỡ bỏ. Năm 1963, Lâm, Sơn ra bắc, còn bà Thanh, bà Đoa đều thoát ly hoạt động cách mạng. Mỗi người một nơi, gia đình tứ tán.
Hơn 20 năm trở lại, ông bà ngoại đã mất, ba mẹ đã hy sinh, người chị gái duy nhất còn ở lại Quảng Nam không biết đang ở đâu. Chiến tranh đã khiến bao gia đình phải như vậy.
Về quê trên xe chở hạt giống
Sau khi hoàn thành các công trình thủy lợi ở Tây Nguyên, năm 1977, ông Hồ Bút quyết định chuyển về quê công tác. Xa quê nhiều năm, nhà cửa chẳng còn lại gì, người thân cũng mỗi người một hướng, về quê là bao nhiêu khó khăn chờ đợi. Nhưng vợ ông, bà Đỗ Thị Lân - cô gái của “Hà Tây quê lụa” - ủng hộ chồng.
Ngày đó đi lại khó khăn, nhận quyết định chuyển công tác rồi nhưng phải chờ mãi mới nhờ được một chiếc xe chở hạt giống của Bộ Lâm nghiệp, cả gia đình ông Bút mới vào được miền trong. Ông Bút kể ngoài vợ chồng và cậu con trai, chị dâu (vợ ông Hồ Thế), tài sản của một cuộc di cư lớn Hà Nội - Đà Nẵng, sau hơn 20 năm chỉ có mấy chiếc nồi.
Vào Đà Nẵng, Hồ Bút được giao làm ở Phòng Kỹ thuật (Kỹ thuật) của Sở Nhà đất và Công trình công cộng. Mấy chục năm, ông rong ruổi từ Đà Nẵng rồi đi Campuchia, lại quay về quê hương, từ khắc phục nhà máy nước ở nước bạn, làm Giám đốc Nhà máy nước Đà Nẵng. Ông luôn nói về quê làm việc sau ngày hòa bình là niềm hạnh phúc nhất. Cũng như chị ông năm xưa, bà Thanh đã ở lại Quảng Nam chiến đấu cho ngày thống nhất, gia đình ông đều nỗ lực cống hiến vì ngày hòa bình của dân tộc theo những cách của riêng mình.
Năm 2007, ông nghỉ hưu thì năm 2008, địa phương tín nhiệm bầu ông làm Bí thư chi bộ khu dân cư. 10 năm làm Bí thư (đến năm 2018), chi bộ đều được Thành ủy Đà Nẵng tặng bằng khen, cá nhân ông Hồ Bút được bầu là chiến sĩ thi đua 10 năm liên tục. Cũng bắt đầu từ năm 2012, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi quận Hải Châu đến bây giờ.
Nhiều năm qua, những ký ức về làng Tam Hải, về cha mẹ, chị em vẫn vẹn nguyên trong ông Hồ Bút. Gia đình ông Hồ Truyền, từ ông, bà Trần Thị Đoa, đến người chị cả Hồ Thị Kim Thanh và các em, đã dành cả đời mình cống hiến giải phóng, dựng xây đất nước, cho quê hương Quảng Nam kiên trung.
Dẫu chiến tranh đã khiến gia đình ly tán, những hy sinh thầm lặng ấy đã góp phần làm nên ngày hòa bình. Ông Bút bảo, chỉ cần còn sức, ông còn góp phần xây dựng quê hương, như cách cả gia đình ông đã sống và cống hiến.
Theo AN VÕ (NDĐT)