
Ba của ông Hồ Bút là Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Hồ Truyền, nguyên Bí Thư huyện ủy Nam Tam Kỳ (Quảng Nam). Mẹ là liệt sĩ Trần Thị Đoa. Chị gái ông là Anh hùng LLVTND Hồ Thị Kim Thanh, nguyên Bí thư huyện ủy Núi Thành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.
Gia đình ông Hồ Truyền gốc ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam). Trong ký ức của ông Hồ Bút, con trai ông Truyền, cha mẹ ông và các con sống trong ngôi nhà nhỏ mái tranh bên cửa Lở, làng Tam Hải.
Quê hương xã đảo
Bên dòng sông Trường Giang, cá tôm nhiều vô kể nên mặc dù cát trắng bạc màu kén chọn cây trồng, bao thế hệ làng chài vẫn sinh sống nhờ sông và biển. Nơi đây đã nuôi dưỡng những người Núi Thành kiên trung, là nơi ra đời Chi bộ Đảng An Hòa - Quang Ánh Minh, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Núi Thành. Người Quảng Nam nghĩa tình và một lòng theo Đảng.
Ông Hồ Truyền và bà Trần Thị Đoa có 5 người con: Bà Hồ Thị Kim Thanh (sinh năm 1943), ông Hồ Thế (sinh năm 1944), ông Hồ Bút (sinh năm 1947), cùng hai người em là Hồ Thị Thanh Lâm (sinh năm 1951) và Hồ Tấn Sơn (sinh năm 1953). Ông Bút kể, đến giờ vẫn còn mơ bàn chân mình ngập trong cát làng Tam Hải, cùng anh trai rong chơi trên cát, chạy nhảy nô đùa dưới hàng dừa cao vút.
Tam Hải những năm 50 của thế kỷ trước là vùng tự do. Thi thoảng, Pháp đổ bộ lên làng bắt bớ, xong lại rút quân. Vị trí xã đảo biệt lập khiến Tam Hải vẫn giữ được không gian bí mật và tự do nhất định.
Ngày 28/3/1930, Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ, chỉ hơn một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 5/1930, Chi bộ Đảng huyện Tam Kỳ được thành lập. Xã An Hòa (nay là thôn Thuận An, xã Tam Hải) có vị trí địa lý đặc biệt, tách biệt với đất liền. Ngày 2/12/1932, Chi bộ An Hòa được thành lập, lấy tên là “Quang Ánh Minh”, đến tháng 4/1934, được công nhận chi bộ chính thức. Vị trí thành lập chi bộ ở ngay rừng dừa Đồng Dân, chỉ vài bước chân là ra biển.
Ông Hồ Truyền tham gia cách mạng từ năm 1935, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1939. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã An Hòa (Tam Kỳ, Quảng Nam).
Ông Bút kể, hầu như những năm tuổi thơ ít thấy mặt cha vì ông đi hoạt động cách mạng. Trong ký ức của ông Bút, ba mình là một ngư dân cương nghị, hiền lành, chất phác. Nếu không có chiến tranh, ai muốn cuộc sống biền biệt đâu.
Những lần hiếm hoi, cậu bé Bút được theo cha xuống biển. Ông còn nhớ như in phía hướng tay cha chỉ về con tàu của quân Nhật bị đắm, cột buồm còn nhô lên trên mép sóng. Ông Truyền vững tin rằng, rồi Pháp cũng như Nhật sẽ sớm thua và tháo chạy.
Lớn hơn, ông Bút đã biết thương mẹ mình, người phụ nữ hiền lành chân chất không quản mưa nắng gồng gánh nuôi con, nuôi giấu cán bộ và theo chồng làm cách mạng. Bà Trần Thị Đoa vào Đảng năm 1944, làm nghề bán mắm dạo và cũng làm giao liên. Em trai của bà là ông Trần Văn Quế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (1944-1946).
Bà Đoa sáng theo đò ngược sông Trường Giang lên vịnh An Hòa, gánh mắm đi khắp các xã để đổi khoai, sắn về nuôi gia đình. Nhà đông con, cuộc sống đắp đổi qua ngày phụ thuộc vào đôi vai gầy của bà.
Giữa những ngày ba mẹ vắng nhà triền miên, ký ức tươi đẹp của những người con là những ngày ba xách về thùng cá, tôm tươi, cả nhà được bữa liên hoan với khoai luộc. Hôm nào bán chạy hàng, mẹ đi chợ về ngoài rổ khoai thì kèm thêm vài lát cá nướng.
Những năm đói kém, sông cũng như người, con nước Trường Giang cứ gặm dần vào làng. Đất Tam Hải thu hẹp dần. Mấy ngôi nhà hàng xóm đã theo sóng vùi vào sông. Bà Hồ Thị Kim Thanh kể tháng 10/1952, máy bay Pháp đến ném bom vào Tam Hải, làng xóm tiêu điều. Ngôi nhà ông Truyền cũng tan tác. Gia đình đã dời nhà lên xã Tam Hiệp bên nhà vợ. Ba vợ là ông Trần Công Cuộc (còn gọi là cả Phô) cho gia đình con gái một sào đất để dựng ngôi nhà tranh. Ông Truyền gom góp tiền mua gỗ mít làm được ngôi nhà hai gian mái.
Ngôi nhà này có khu vườn nằm trên sườn thoai thoải của quả đồi thấp, nhìn ra cánh đồng rộng, đi ra đường lộ gần, lại tiện đường lên núi. Khu vườn đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng như Võ Chí Công, Chu Huy Mân và nhiều cán bộ của tỉnh Quảng Nam, Khu 5. Căn nhà bé vậy thôi, nhưng là địa chỉ đỏ của cách mạng - được giữ gìn bởi cả một gia đình nhiều thế hệ theo cách mạng. Ông Bút kể, nhà được rào tre kín, nhiều loại cây um tùm. Dưới bờ tre là hầm, hào để giấu cán bộ.
Người mở đầu phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ vội vã đưa quân vào Việt Nam sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản. Ngày 8/3/1965, đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng. Ngày 7/5/1965, Lữ đoàn Hải quân viễn chinh số 9 của Mỹ đổ bộ lên xã Kỳ Liên, Kỳ Hà (nay là xã Tam Nghĩa và Tam Quang, huyện Núi Thành), xây dựng căn cứ liên hợp Chu Lai.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (khóa III), ngày 27/3/1965, đề ra quyết tâm “nhiệm vụ cơ bản của ta là tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức cao nhất ở miền Nam”. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ thị cho các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam “Phải đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu...”.
Lúc này ông Hồ Truyền đang là Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ, chính ủy mặt trận Chu Lai đã lãnh đạo Huyện ủy Nam Tam Kỳ phối hợp với Tỉnh đội Quảng Nam lập phương án đánh chốt điểm Núi Thành. Đêm 26/5/1965, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 tăng cường Phân đội đặc công V16 tiến công căn cứ Núi Thành, diệt gọn một đại đội 180 lính Mỹ. Chiến thắng này đã mở đầu cho phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên chiến trường miền nam.
Từ trận này, khẩu hiệu “Bám thắt lưng địch mà đánh” tạo đà cho cả miền nam đứng lên đánh Mỹ. Tiếng tăm về người cộng sản Hồ Truyền khi đó làm cho quân địch mất ăn, mất ngủ.
Tháng 3/1967, khi đang kiểm tra tình hình để chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo tại vành đai diệt Mỹ Chu Lai, ông Hồ Truyền gặp đúng trận càn và hy sinh ngày 20/5/1967 ở Khương Thọ, Tam Hiệp. Người dân Khương Thọ đã bí mật đưa thi hài ông về vùng giải phóng. Vợ ông, bà Trần Thị Đoa cũng hy sinh trong một trận càn khác sau đó một năm. Mãi đến năm 1985, gia đình mới chuyển mộ bà Đoa về chôn cất gần chồng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hiệp.
Cả bốn người con của ông Truyền - bà Đoa khi đó đều đang ở ngoài bắc, không ai biết ba mẹ đều không còn. Ở Quảng Nam gia đình chỉ còn người chị cả, bà Hồ Thị Kim Thanh vẫn đang chiến đấu.
Bà Hồ Thị Kim Thanh bắt đầu tham gia phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, làm giao liên cho Huyện ủy Tam Kỳ từ những năm 12, 13 tuổi rồi thoát ly lên chiến khu vừa làm y tá, vừa tham gia trực tiếp chiến đấu.
Tháng 3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Khu 5 được thành lập để phát triển đấu tranh “hai chân, ba mũi giáp công” của cách mạng Khu 5. Người con gái Khu 5 chiến đấu ở Tiên Phước, làm liên lạc kiêm y tá. Tháng 10/1961, chiến dịch “Vượt Sông Tranh” giành thắng lợi, giải phóng Tiên Lãnh - Tiên Ngọc. Bà Thanh vận động chị em vót chông, rào làng chiến đấu, tham gia tải lương, tải đạn hỗ trợ tiền tuyến. Giai đoạn 1966-1975, bà Thanh là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng Khu 5. Sau ngày hòa bình, bà Thanh là Bí thư huyện ủy đầu tiên của huyện Núi Thành khi huyện được thành lập.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bà Thanh (lúc này là Bí thư Chi bộ phụ nữ tỉnh Quảng Nam) ở lại Núi Thành, cải trang để đấu tranh hợp pháp trong lòng địch. Địch cho quân bắt hơn 200 người dân Kỳ Khương, Kỳ Sanh để tìm ra Việt cộng. Nhưng bất chấp bao nhiêu lời mua chuộc, dụ dỗ, đòn roi, không một người dân nào hé răng. 200 người dân đã bảo vệ tuyệt đối người cán bộ cách mạng như vậy.
Vì những đóng góp lớn cho cách mạng, ông Hồ Truyền được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2010. Con gái ông, bà Hồ Thị Kim Thanh cũng được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2018.
Năm 1986, bà Thanh được bầu là Bí thư Thị ủy Tam Kỳ, rồi trở thành lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng với các cương vị: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Ban thường trực, rồi phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, sau là Thành ủy Đà Nẵng...
(Còn nữa)
Theo AN VÕ (NDĐT)