50 năm một bầu trời thống nhất - Kỳ 3: Vì ngày Thống nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 6/5/1975, Bộ Chính trị đã quyết định chọn ngày 15/5/1975 là ngày tổ chức Lễ mừng chiến thắng trên cả nước (*). Các lực lượng ở TP Hồ Chí Minh chỉ có vỏn vẹn hai tuần để chuẩn bị cho lễ diễu binh lịch sử.

1phong-su.jpg

Đúng 50 năm sau, Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với quy mô chưa từng có. Đó là một hành trình tiếp nối đầy tự hào.

Tiếng máy bay trên bầu trời hòa bình

Sáng 15/5/1975, Quảng trường Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh), rộn ràng trong không khí hân hoan của lễ mít-tinh và diễu binh, diễu hành mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Hàng triệu người dân Sài Gòn - Gia Định cùng các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có mặt để chứng kiến khoảnh khắc lịch sử khi đất nước vừa trọn vẹn sau bao năm chia cắt. Chỉ hai tuần sau ngày 30/4, với thời gian chuẩn bị gấp rút, các lực lượng tham gia đã nỗ lực luyện tập không ngừng để tạo nên một sự kiện hoành tráng thể hiện thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh và sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam.

Trong bản tin Thông tấn Giải phóng, các phóng viên đã mô tả: “Sau cuộc mít-tinh khổng lồ mừng thắng lợi vĩ đại là cuộc diễu binh lịch sử, cuộc biểu dương lực lượng của một dân tộc anh hùng, một quân đội anh hùng… Dẫn đầu đoàn diễu binh là các khối chiến sĩ thuộc ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và tự vệ chiến đấu, bao gồm các đơn vị tiêu biểu của lục quân, hải quân, không quân với các binh chủng bộ binh, bộ đội đặc biệt tinh nhuệ, các đơn vị pháo cao xạ, pháo tầm xa, bộ đội tên lửa, bộ đội tăng thiết giáp, bộ đội thông tin, công binh, quân y, vận tải lực lượng an ninh nhân dân võ trang, bộ đội địa phương, nữ dân quân và tự vệ đại diện cho lực lượng dân quân du kích của toàn miền nam Việt Nam” (**).

Từ ngày 13/5/1975, báo Sài Gòn giải phóng đã có thông cáo ngày 15/5/1975 sẽ có nhiều tốp máy bay của ta bay trên không phận Sài Gòn - Gia Định. Từ 14 giờ đến 15 giờ ngày 15/5/1975 có bắn thử bốn loạt đạn pháo trong thành phố Sài Gòn. Bản thông cáo ghi: “Xin thông báo để các lực lượng vũ trang cơ quan và nhân dân biết để an tâm và sinh hoạt bình thường” - 30 năm, đó là lần đầu tiên, những chiếc máy bay và đạn pháo không phải báo hiệu cho loạn lạc chiến tranh, mà là báo hiệu của hòa bình - độc lập.

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa là người được vinh dự giao nhiệm vụ dẫn đầu tám chiếc MIG-21 bay diễu hành thời điểm bắt đầu buổi lễ mừng thống nhất. Hai biên đội gồm Nguyễn Văn Nghĩa - Nguyễn Hùng Thông - Đinh Văn Bồng - Vũ Quốc Bảo và Trần Thông Hào - Nguyễn Mạnh Hải - Nguyễn Thanh Quý - Dương Đình Nghi đã thực hiện nhiệm vụ chào đón bầu trời Sài Gòn thống nhất. Ngày 16/5, biên đội Hào - Hải - Quý - Nghi lại một lần nữa bay một vòng trên nóc Dinh Độc Lập. Trên bầu trời, tiếng gầm của tám chiếc MIG-21 vang vọng như lời khẳng định đanh thép của Không quân nhân dân Việt Nam trước toàn thể nhân dân và thế giới. Tiếng gầm của máy bay tiêm kích và tiếng hò reo của biển người có mặt trong buổi lễ - đó là giao hưởng của hòa bình.

Với Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, ngày 15/5/1975 còn là cột mốc đánh dấu hành trình cá nhân của ông trong sự nghiệp không quân. Sau chuyến bay diễu hành, ông tiếp tục chỉ huy Trung đoàn Không quân 935 (Sư đoàn 370) tại Biên Hòa bắt tay vào việc nghiên cứu và làm chủ những chiếc máy bay F-5 - chiến lợi phẩm thu được từ ngụy quyền. “Ngày 27/7/1975 tôi tự bay chuyến đầu tiên trên F-5 mà không có giáo viên kèm sau một tháng nghiên cứu vất vả”, ông nhớ lại.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng có một điều chắc chắn, bầu trời của Sài Gòn - Gia Định ngày hôm đấy, đã thật sự là bầu trời của TP Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng”, là bầu trời mà toàn dân tộc Việt Nam nói chung và những người lính phi công nói riêng đã dành cả tuổi trẻ, xương máu để bảo vệ, gìn giữ. Đó là bầu trời hòa bình thống nhất - bầu trời mà ai cũng khao khát được bay lượn.

2phongsuu.jpg
Phi đội trực thăng Trung đoàn 917 sau giờ bay tập.

A50 và hơn thế nữa

Đúng nửa thế kỷ, một cuộc diễu binh quy mô lớn đang được khẩn trương chuẩn bị. Nhiệm vụ A50 nhắc nhở về không khí hào hùng của năm 1975, cũng truyền đi câu chuyện của 50 năm xây dựng, phát triển một đất nước. 50 năm sau ngày thống nhất, bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lại gầm vang tiếng động cơ của những chiếc máy bay chiến đấu, theo một tinh thần hoàn toàn mới.

Đường bay diễu hành ngày 30/4/2025 được xem như tái hiện lại đường bay của chính 50 năm trước, khi tám chiếc MIG-21 xuất phát từ Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) tiến về Dinh Độc Lập. Lần này, Đại tá Nguyễn Thế Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Không quân 371 sẽ dẫn đầu đội hình Su-30MK2 bay biểu diễn.

Phi đội Su-30MK2 đã từng gây ấn tượng trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam tháng 12/2024: Bốn chiếc bay từ Sân bay Kép (Bắc Giang) đến trước khán đài thực hiện màn giải tán biên đội. Số 1 và số 2 chao lượn hai vòng bên trái trước khán đài. Số 3 sau khi giải tán biên đội, tăng lực bay dốc đứng đột ngột lên trời, làm động tác lộn lên, khoan hai vòng rồi thoát ly về sân bay”. Khi đó, Đại tá Dũng cũng là người thực hiện năm vòng động tác khoan và thả 96 quả đạn nhiễu.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh, phi công cấp 2 Trung đoàn Không quân 935, bay trong phi đội Su-30MK2 tâm sự với niềm hào hứng xen lẫn trách nhiệm. “Tôi vinh dự được chọn bay Su-30MK2 trong lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vào ngày 30/4/2025. Đây là lần đầu tôi bay trên bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh”, anh chia sẻ. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự phối hợp chính xác giữa các loại máy bay với tốc độ khác nhau trong một không gian hẹp đầy nhà cao tầng. “Khu vực Dinh Độc Lập có nhiều địa tiêu cao, đòi hỏi tính toán kỹ để tránh nguy hiểm”, anh nói khi nhớ lại những buổi luyện tập căng thẳng. Khánh từng gặp Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, người bay diễu hành ngày 15/5/1975 và được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của ông. “Nghe bác kể chuyện, tôi thấy hào hứng và được truyền cảm hứng lớn. Lần này tôi muốn bay thật tốt để tiếp nối truyền thống tự hào của Không quân Việt Nam”, Khánh khẳng định.

Thượng úy Hoàng Quốc Đạt, phi công cấp 3, Trung đoàn 940, cũng góp mặt trong đội hình với chiếc Yak-130 mang theo ký ức về người cha liệt sĩ. Chuyến bay này là nhiệm vụ quan trọng và Đạt cũng đang nỗ lực hết mình như một cách để tưởng nhớ bố đã hy sinh: “Nhận nhiệm vụ, tôi cảm thấy vinh dự và trách nhiệm lớn”. Lần này, trên bầu trời TP Hồ Chí Minh, anh muốn mang theo tinh thần của bố để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thượng tá Hoàng Hải, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 940 khẳng định, sự sẵn sàng của đội hình Yak-130 trong nhiệm vụ A50. Dù đối mặt với thời tiết mù đặc trưng ở Biên Hòa và địa hình phức tạp của TP Hồ Chí Minh, Thượng tá Hải tin tưởng vào tinh thần của các phi công trẻ: “Tinh thần đó là động lực để phi công quyết tâm đạt yêu cầu đề ra”. Thượng tá Nguyễn Trường Toán, Chính ủy Trung đoàn Không quân 917, cũng nhấn mạnh ý nghĩa của đội hình trực thăng: “Hình ảnh trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định độc lập chủ quyền và thể hiện sức mạnh ý chí chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Anh nói, đây là lần đầu tiên trung đoàn bay trực thăng đường bay Biên Hòa - TP Hồ Chí Minh với quy mô lớn như vậy, bởi thế, mỗi người lính tham gia nhiệm vụ A50 đều mang nhiều cảm xúc đặc biệt.

50 năm, từ tám chiếc MIG-21 ngày 15/5/1975 đến hàng chục chiếc máy bay ngày 30/4/2025 trên bầu trời Việt Nam, đó là một gạch nối xuyên suốt mang theo khát vọng thống nhất và hòa bình của dân tộc.

50 năm trước, cảm xúc của những người phi công khi lần đầu vượt qua vĩ tuyến, lần đầu bay trên bầu trời Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, là niềm xúc động, bồi hồi, tự hào khi được làm chủ bầu trời thống nhất. 50 năm sau, những phi công tiếp bước miệt mài trên sân tập, trong buồng lái, để góp phần gìn giữ bầu trời ấy.

Bầu trời thống nhất không còn chỉ là một không gian vật lý, nơi những chiếc máy bay lướt qua, mà đã là nơi những giấc mơ cá nhân hòa quyện vào giấc mơ lớn lao của cả dân tộc. Trách nhiệm giữ gìn bầu trời thống nhất vẫn là ngọn lửa cháy bỏng trong tim những người lính không quân. Trên từng độ cao, họ mang theo niềm tự hào dân tộc, viết tiếp bài ca về những cánh bay kiêu hãnh.

Cũng có một số thông tin nói rằng, trong Lễ mừng thống nhất ngày 15/5/1975, một biên đội A37 của Phi đội Quyết thắng, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, cũng được giao nhiệm vụ bay chào mừng qua nóc Dinh Độc Lập, bay trước biên đội MIG-21. Chúng tôi đã gặp những thành viên của Phi đội Quyết thắng để hỏi thêm, nhưng trong ký ức đã mờ của những người trong cuộc, các chi tiết không đồng nhất và có phần lộn xộn. Chúng tôi chưa tìm thấy những tài liệu văn bản về việc này, nên chỉ ghi lại đây, như một câu chuyện còn để ngỏ.

Theo HỒNG VIỆT (NDO)

--------------

(*) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, NXB Chính trị Quốc gia.

(**) Bản tin Thông tấn xã số 136 - Tin hằng ngày, ngày 16/5/1975.

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.