Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai làm việc với đoàn công tác Trung ương về quản lý biên chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 27-11, đoàn công tác số 5 thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do đồng chí Nguyễn Thị Thanh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021 và đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh.

Tinh giản biên chế đạt tỷ lệ tối thiểu

Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy-nêu: Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản có liên quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 156-KH/TU, ngày 20-7-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2015-2021, Chương trình số 24-CTr/TU, ngày 7-10-2016 về nâng cao chất lượng gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND, ngày 25-4-2016 phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế hành chính-sự nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2021, trong đó xác định kế hoạch tinh giản từng năm và lộ trình tinh giản từ năm 2015 đến năm 2021 đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 10% theo quy định của Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 120-KH/TU, ngày 19-3-2018 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chương trình số 64-CTr/TU, ngày 5-6-2018 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 27-9-2017 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị -xã hội và đơn vị sự nghiệp thuộc khối Đảng theo đúng hướng dẫn. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 4-12-2016 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc trong các cơ quan, hành chính, đơn vị sự nghiệp và các Hội.

Đồng chí NguyễnThị Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy
Đồng chí NguyễnThị Thanh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy


Theo đó, việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo các quy định của Trung ương được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh xác định là nhiệm vụ cơ bản, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, có lộ trình cụ thể, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy định. Tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đổi mới, kiện toàn, sắp xếp, cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm số lượng cấp phó, nhất là giảm số lượng tổ chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, đến năm 2021, toàn tỉnh đã tinh giản 300 biên chế công chức, 2.935 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp và tách 130 biên chế hội ra khỏi biên chế sự nghiệp; đồng thời cắt giảm 153 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, làng, tổ dân phố đã giảm 15.535 người. Về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương đã giảm 181 người.

Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành tạm thời danh mục vị trí việc làm, bảng mô tả vị trí việc làm của công chức khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội với 174 vị trí việc làm, 174 bản mô tả vị trí việc làm theo đúng quy định của Trung ương. Căn cứ danh mục vị trí việc làm được Bộ Nội vụ phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt mô tả công việc và khung năng lực của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, cụ thể theo từng vị trí việc làm đúng quy định.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy


Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-nêu: Đối với cấp huyện, biên chế do Huyện ủy quản lý nhưng toàn bộ chính sách kèm theo cho người lao động lại do Công đoàn thực hiện, do đó dẫn đến chồng chéo, khó giải quyết. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn trong việc quản lý, giao biên chế đối với cơ quan Liên đoàn Lao động các cấp. Tương tự, ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho rằng: Mô hình thí điểm Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện tại một số địa bàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng mong muốn Trung ương sớm sơ kết, đánh giá về hiệu quả mô hình thí điểm để cân nhắc và có hướng dẫn cụ thể với từng địa bàn.

Liên quan đến vấn đề giao biên chế cho ngành Giáo dục, ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiến nghị nên có sự thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Nội vụ nhằm đảm bảo “Có lớp, có học sinh; có lớp thì có giáo viên dạy”. Việc tinh giản biên chế cần phù hợp với tình hình thực tế, xác định đúng ngành, đúng lĩnh vực, tránh việc bình quân.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến cũng nêu những khó khăn liên quan đến việc chuyển một số cơ sở khám-chữa bệnh công lập đủ điều kiện sang tự đảm bảo chi thường xuyên theo chủ trương chung của Đảng. Nhất là 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng y tế của các đơn vị được huy động tham gia công tác phòng-chống dịch; do đó ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu. “Các đơn vị đang gặp khó khăn không có đủ nguồn thu viện phí, nguồn thu bảo hiểm y tế giảm; chưa có hướng dẫn cụ thể quy định về mức thu. Vì vậy, các đơn vị còn gặp lúng túng trong xây dựng định mức thu-chi, khấu hao các trang-thiết bị…”-ông Tiến nêu thực trạng.


Liên quan đến vấn đề phân bổ biên chế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề xuất: “Nên tính toán, điều tiết để đưa biên chế cấp tỉnh, huyện về tăng cường cho xã để cấp xã thật sự là “pháo đài” về con người, trình độ và ngân sách”. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng đồng quan điểm: Cần cân nhắc, điều chỉnh việc phân bổ, tinh giản biên chế cho phù hợp với từng địa phương. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, việc sáp nhập về cơ bản là tốt. Tuy nhiên hiện nay, việc sáp nhập vẫn mang tính cơ học, nghĩa là chưa tính toán kỹ đến các điều kiện phù hợp, nhất là việc sáp nhập các cơ sở giáo dục. Do đó, cần nghiên cứu lộ trình, hướng dẫn và có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết. Tương tự, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, vai trò của y tế dự phòng là vô cùng quan trọng, vì vậy cũng cần phải tính toán và có lộ trình phù hợp trong thời gian tới.

Đề xuất giao biên chế về địa phương

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho hay: Tỉnh Gia Lai đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết số 39 và Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập trong việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp, các thôn, làng, tổ dân phố. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên mong muốn, qua công tác khảo sát, các thành viên trong đoàn công tác chia sẻ khó khăn với tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy cũng kiến nghị, đề xuất với đoàn công tác về việc nghiên cứu giao biên chế theo từng khung giai đoạn hoặc theo nhiệm kỳ và nên giao biên chế về địa phương. Bên cạnh đó, sớm ban hành bảng mô tả và khung danh mục vị trí việc làm, đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Trên cơ sở khung biên chế chung, Trung ương nên phân quyền cho cấp tỉnh sắp xếp, bố trí để phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp cần tính đến đặc thù của từng địa phương và nên tính toán lại việc sáp nhập văn phòng cấp ủy cấp tỉnh để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy là việc làm khó, nhạy cảm; song thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã rất nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo các chỉ tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 39 đề ra. Trong đó, tỉnh Gia Lai đã gắn kết chặt chẽ được việc tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và có nhiều cách làm mới, sáng tạo. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai đã quan tâm đến việc xây dựng Đề án vị trí việc làm ở các khối, trong đó, khối Nhà nước đã được phê duyệt. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị tỉnh Gia Lai bổ sung thêm các ý kiến, kiến nghị được nêu tại buổi làm việc để đoàn công tác có cơ sở tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, từ đó xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị một cách sát thực, đảm bảo khung biên chế giai đoạn 2022-2026 phù hợp với từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị, nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.