(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên bậc THPT. Chương trình được thực hiện từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10; và thực hiện lần lượt 2 năm học tiếp theo đối với lớp 11 và lớp 12.
|
Giám sát cơ sở vật chất, trang-thiết bị của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Chư Prông. Ảnh: Đ.Y |
Chương trình Giáo dục thường xuyên bậc THPT được thực hiện trong 3 năm học. Học viên vào học lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp THCS theo hình thức chính quy hoặc Giáo dục thường xuyên.
Nội dung chương trình bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp; các chuyên đề học tập lựa chọn; các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn. Cụ thể, chương trình gồm 7 môn học bắt buộc, trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng là hoạt động giáo dục bắt buộc. Ngoài ra còn có các môn học, hoạt động tự chọn gồm: Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, Nội dung giáo dục địa phương.
Thời gian học của mỗi năm học là 35 tuần/lớp. Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học là 45 phút.
Chương trình Giáo dục thường xuyên bậc THPT nhằm cụ thể hóa mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT đối với Giáo dục thường xuyên. Mục tiêu chung của Chương trình là nhằm giúp học viên tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, hoàn thiện học vấn bậc THPT và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân, đáp ứng yêu cầu có thể tham gia vào thị trường lao động và tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
TRẦN ĐỨC