Ayun Pa tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau khi hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã thuộc thị xã Ayun Pa xây dựng lộ trình cụ thể để giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống người dân, phấn đấu đạt NTM nâng cao.

Năm 2017, Ia Rtô là xã đầu tiên của thị xã Ayun Pa được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Phát huy kết quả đạt được, Ia Rtô tiếp tục là 1 trong 2 xã tiên phong xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Uyên, cùng với việc giữ vững các tiêu chí đã đạt, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự đóng góp của người dân chung tay cùng chính quyền đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Cụ thể, năm 2022, xã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho 2 nhà sinh hoạt cộng đồng tại buôn Phu Ma Nher 1 và buôn Jứ Ama Nai; làm đường nội thôn 3 buôn Phu Ma Nher 1, Jư Ma Nai, Phu Ama Miơng với tổng kinh phí 771 triệu đồng. Tất cả công trình đều có 10% kinh phí do Nhân dân đối ứng.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng cây ăn trái tại xã Ia Rtô mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng cây ăn trái tại xã Ia Rtô mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, tháng 10-2022, UBND xã Ia Rtô ra mắt mô hình camera an ninh với tổng cộng 9 mắt camera lắp đặt tại một số ngã ba, ngã tư trong thôn và dọc quốc lộ 25-đoạn qua địa bàn xã. Nhờ vậy, an ninh trật tự tại địa phương được giữ vững, tình trạng thanh-thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, nẹt pô được ngăn chặn kịp thời, bà con yên tâm sinh sống, sản xuất. Xã đang triển khai rà soát, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng dọc các thôn, buôn. Kế hoạch được người dân nhiệt tình ủng hộ, tự nguyện đóng góp kinh phí triển khai với mong muốn buôn, làng sáng sủa, thuận lợi cho người dân cũng như trẻ em vui chơi, sinh hoạt, đồng thời đảm bảo an ninh thôn, xóm.

Ông Kpă Phan-Trưởng thôn Phu Ma Nher 1-cho hay: Từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, người dân đã ý thức được mình là chủ thể, được hưởng lợi trực tiếp. Vì vậy, khi xã phát động xây dựng NTM nâng cao, bà con đều đồng tình ủng hộ. Buôn có 160 hộ, bà con tình nguyện hiến đất, đóng góp ngày công nâng cấp đường bê tông nông thôn, làm nhà vệ sinh cho nhà sinh hoạt cộng đồng. Buôn Phu Ma Nher 1 phấn đấu năm 2023 đạt NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với Ia Rtô, xã Ia Rbol cũng đang tập trung nguồn lực phấn đấu đạt NTM nâng cao vào năm 2023. Ông Trần Trọng Kim-Chủ tịch UBND xã Ia Rbol-thông tin: Xác định phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, năm 2022, xã triển khai sửa chữa đường giao thông nông thôn buôn Rưng Ma Nhiu dài 573 m, tổng kinh phí 690 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 96 triệu đồng; làm đường bê tông buôn Sar dài 533 m, kinh phí 639 triệu đồng, người dân đóng góp 63,9 triệu đồng; sửa chữa tu bổ nhà văn hóa buôn Rưng Ma Nin 63,9 triệu đồng. Các công trình góp phần thay đổi diện mạo buôn, làng; tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh, giao lưu văn hóa, lưu thông hàng hóa. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 7,2%.

Phấn đấu đạt NTM nâng cao

Theo Chủ tịch UBND xã Ia Rbol, với yêu cầu nâng cao, xã đang gặp khó ở các tiêu chí thu nhập và y tế. Trong bối cảnh hiện tại, nhằm giúp nông dân tăng cao hiệu quả sản xuất, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy vai trò kinh tế tập thể. Hiện, Hợp tác xã Nông nghiệp Thống Nhất đang liên kết với các hộ dân mở rộng mô hình trồng nấm sạch, bao tiêu sản phẩm cho bà con, phấn đấu đăng ký sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Chính quyền địa phương hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô ra mắt Câu lạc bộ phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua bảo hiểm y tế. Ảnh: Vũ Chi

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô ra mắt Câu lạc bộ phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua bảo hiểm y tế. Ảnh: Vũ Chi

Năm 2023, xã phấn đấu buôn Rưng Ma Nin đạt NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện buôn đã đạt 18/19 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt là bảo hiểm y tế (BHYT), hiện mới có 61,93% người dân tham gia. Để đạt trên 90% dân số tham gia BHYT vào năm 2023, xã tiến hành rà soát hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để có giải pháp phù hợp. Trong số 242 gia đình cần tham gia có 72 hộ có thành viên đang làm công nhân tại các công ty, doanh nghiệp. Đây là những trường hợp có khả năng tự mua BHYT cho bản thân và những người thân trong gia đình. Số đối tượng còn lại, xã giao cán bộ, đảng viên, Mặt trận và các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc tham gia BHYT, từ đó, tiết kiệm kinh phí để tham gia; đồng thời, tranh thủ các nguồn lực, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Trong khi đó, xã Ia Rtô gặp khó ở tiêu chí thu nhập, BHYT và hộ nghèo. Theo kết quả rà soát, cuối năm 2022, xã còn 24 hộ nghèo, chiếm 2,52% dân số; 60 hộ cận nghèo, chiếm 6,35%. Thu nhập bấp bênh dẫn đến tỷ lệ hộ tham gia BHYT mới đạt 44,12%. Với mục tiêu về đích NTM năm 2023, cùng với việc huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, xã tăng cường vận động nâng cao ý thức tự vươn lên của người dân, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ, triển khai Dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi gà thương phẩm nhằm hướng dẫn bà con phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, vừa phòng-chống dịch bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Với các loại cây trồng truyền thống tại địa phương như thuốc lá, mía, mì, người dân cần liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM thị xã Ayun Pa-khẳng định: Với tinh thần trách nhiệm cao của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng thuận của Nhân dân, năm 2020, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; 5/19 làng thuộc 4 xã được công nhận đạt chuẩn làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để phấn đấu đến năm 2025 thị xã có 4/4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thị xã đã xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó, năm 2023, phấn đấu 2 xã Ia Rtô và Ia Rbol về đích NTM nâng cao, tiếp đến là 2 xã Chư Băh và Ia Sao.

Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn, các xã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí gần đạt; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên đảm trách từng phần việc; tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét về sự phát triển bộ mặt nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.