"Ăn nên làm ra" nhờ rau an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 1 năm thành lập và đi vào hoạt động ổn định, 2 hợp tác xã (HTX) rau an toàn trên địa bàn huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã giúp các thành viên “ăn nên làm ra”, nâng cao thu nhập.
Tận dụng lợi thế đồng đất trung tâm vựa lúa Ayun Hạ, quanh năm chủ động nguồn nước tưới nên người dân huyện Phú Thiện đã phát triển nghề trồng rau xanh hơn 20 năm nay. Chưa có thống kê chính xác, nhưng tổng diện tích rau xanh của huyện không dưới 100 ha; trong đó, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Phú Thiện và các xã: Ia Sol, Ia Peng…
Tuy nhiên, lâu nay người dân vẫn chỉ sản xuất mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình nên chưa phát huy được hết ưu thế của nghề trồng rau xanh. “Để khắc phục điều này, năm 2018, UBND huyện Phú Thiện đã dành kinh phí đầu tư thành lập 2 HTX rau an toàn ở xã Ia Peng và thị trấn Phú Thiện. Đồng thời, xây dựng 2 cánh đồng lớn trồng rau với tổng diện tích 10 ha. Chủng loại rau đa dạng, trong đó nhiều nhất vẫn là rau ngót; thị trường tiêu thụ rau ở nhiều tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh. Hiệu quả cánh đồng rau lớn cho thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa”-ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho hay.  
 Ông Đàm Thanh Hải-Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn xã Ia Peng chăm sóc vườn rau ngót. Ảnh: Trần Đức
Ông Đàm Thanh Hải-Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn xã Ia Peng chăm sóc vườn rau ngót. Ảnh: Trần Đức
Hợp tác xã Rau an toàn thị trấn Phú Thiện có 10 thành viên tham gia với tổng diện tích hơn 4 ha. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, với diện tích này, nếu canh tác tốt thì hàng năm có thể cung ứng cho thị trường 150 tấn rau an toàn. Đến nay đã có 9 thành viên HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện sản xuất rau trong nhà kính với quy mô 200-1.000 m2, trồng các loại rau ăn lá, rau gia vị và các loại củ quả. Ngoài ra, HTX cũng đã xây dựng 1 điểm kinh doanh rau an toàn tại chợ trung tâm huyện Phú Thiện và ký hợp đồng cung ứng cho các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng. “Thị trấn Phú Thiện hiện có trên 20 ha rau các loại, trong đó có 10 ha rau an toàn. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia HTX, ký kết hợp đồng để tìm đầu ra ổn định cho các thành viên. Cùng với đó, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật, vốn và cơ sở vật chất để HTX hoạt động ổn định và hiệu quả hơn”-ông Nguyễn Văn Phúc-Giám đốc HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện-bày tỏ.
Thấy được hiệu quả hợp tác cùng “làm ăn lớn” nên nhiều hộ trồng rau rất phấn khởi tham gia HTX. “Gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc của HTX về kế hoạch sản xuất từng thời vụ cũng như quy trình chăm sóc rau, tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly, đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường”-ông Trần Xuân Đoan (tổ dân phố 13, thị trấn Phú Thiện, thành viên HTX) cho biết.
Tháng 10-2017, xã Ia Peng vận động ông Đàm Thanh Hải đứng ra thành lập HTX Rau an toàn. Theo đó, UBND huyện Phú Thiện hỗ trợ HTX 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới trồng rau, còn anh Hải vận động được 29 nông dân ở các xã Ia Peng, Ia Sol, thị trấn Phú Thiện và xã Ia Trok (huyện Ia Pa) tham gia HTX với tổng diện tích trồng rau ngót là 20 ha và 6.000 m2 nhà lưới trồng các loại rau khác theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng xã Ia Peng có 10 nông dân ở thôn Thanh Bình và Bình Trang góp được 8 ha đất trồng rau ngót của HTX.
Ông Hải cho biết, sản phẩm rau đưa ra thị trường tiêu thụ có bao bì riêng, ghi rõ địa chỉ, nguồn gốc, xuất xứ. Hàng ngày, HTX có 2 xe tải chuyên đi thu gom rau của xã viên để tiêu thụ. “Ủy ban nhân dân huyện tạo điều kiện cho HTX mở 2 cửa hàng rau sạch ở chợ thị trấn Phú Thiện và chợ Thanh Bình (xã Ia Peng). Ngoài ra, tại các thị trường chính của rau ngót (tỉnh Đak Lak và TP. Hồ Chí Minh), HTX cung ứng ổn định khoảng 4-5 tấn rau/ngày; đồng thời TP. Pleiku cũng tiêu thụ khoảng 1 tấn rau/ngày. Tính ra thu nhập từ trồng rau ngót đạt xấp xỉ 750 triệu đồng/ha/năm”-Giám đốc HTX Rau an toàn Ia Peng nói.
 Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.