Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý rút quân khỏi vị trí biên giới tranh chấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu các hoạt động rút quân khỏi 2 địa điểm có tranh chấp dọc theo đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Đông Ladakh là các khu vực bình nguyên Demchok và Depsang.

chu-tich-trung-quoc-va-thu-tuong-an-do-anh-reuters-1762-2582.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BÌnh và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại một cuộc gặp. Ảnh: Reuters

Ngày 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tiết lộ, nước này và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đàm phán ở cả cấp độ ngoại giao và quân sự nhằm giải quyết những khác biệt ở một số khu vực dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) vốn đã kéo dài 4 năm qua.

Tờ Times of India dẫn lời ông Singh lưu ý: "Theo các cuộc đàm phán, (hai bên) đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi để khôi phục tình hình thực tế dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và an ninh chung. Đây là sức mạnh của việc tham gia đối thoại liên tục vì sớm hay muộn các giải pháp sẽ xuất hiện".

Theo ông, thỏa thận này bao gồm cả việc tuần tra và chăn thả gia súc ở các khu vực truyền thống.

Về phía Trung Quốc, hãng tin Reuters đưa tin, ngày 25/10, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết, quân đội hai bên đang thực hiện các công việc liên quan thỏa thuận với tiến triển suôn sẻ.

Hôm 23/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Nga. Lãnh đạo cấp cao Ấn-Trung đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa hai nước về các thỏa thuận tuần tra dọc theo đường LAC ở phía Đông Ladakh.

Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết việc duy trì hòa bình và ổn định trên biên giới vẫn là ưu tiên của hai nước và sự tin tưởng lẫn nhau vẫn là nền tảng của quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc không chỉ quan trọng đối với người dân hai nước mà còn đối với hòa bình, ổn định và tiến bộ toàn cầu.

Quan hệ giữa hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc rơi vào giai đoạn căng thẳng và đóng băng kể từ tháng 6/2020 sau các động thái quân sự của Trung Quốc dọc theo đường LAC tại Đông Ladakh. Đỉnh điểm của căng thẳng là vụ đụng độ chết người giữa binh lính hai nước tại thung lũng Galwan rạng sáng ngày 15/6/2020. Kể từ thời điểm đó, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều duy trì một số lượng lớn binh lính, thiết bị quân sự dọc theo đường LAC tại Đông Ladakh.

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.