Agribank An Khê: Khơi thông nguồn vốn cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 năm qua, Agribank-Chi nhánh thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai tổ vay vốn dành cho khách hàng cá nhân khu vực nông thôn. Qua đó, Chi nhánh đã khơi thông nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”.   


Xã Thành An hiện có 370 khách hàng vay vốn Agribank An Khê với tổng dư nợ hơn 61 tỷ đồng. Hầu hết khách hàng cá nhân có dư nợ từ 200 triệu đồng trở xuống đều đã tham gia tổ vay vốn khi mô hình này triển khai.

Chị Nguyễn Thị Bích Loan (thôn 3) cho biết: “Kể từ khi tham gia tổ vay vốn, tôi được tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn. Vừa rồi, có nhu cầu vay 100 triệu đồng, tôi tới gặp tổ trưởng là được hướng dẫn chuẩn bị giấy tờ cần thiết. Sau khi vay, hàng tháng, tôi đóng tiền lãi ngay tại tổ, tránh được áp lực nợ lãi dồn vào cuối quý, cuối kỳ hạn”.

Cũng nhờ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng kịp thời, chị Loan đã mua 8 con bò về nuôi và tận dụng nguồn phân chuồng để canh tác mấy sào rau màu. Đến nay, đời sống gia đình chị đã khá hơn trước.

 Ông Hồ Ngọc Yển-Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 3 (xã Thành An, thị xã An Khê) trao đổi với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn. Ảnh: T.D
Ông Hồ Ngọc Yển-Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 3 (xã Thành An, thị xã An Khê) trao đổi với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn. Ảnh: Sơn Ca


Không chỉ đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn, Agribank An Khê còn cấp hạn mức thấu chi cho khách hàng với mức tối đa không quá 30 triệu đồng. Khi đã được cấp hạn mức thấu chi, khách hàng là nông hộ được sử dụng bất cứ lúc nào để phục vụ nhu cầu trước mắt như: thanh toán dịch vụ tiền điện, nước, điện thoại, nộp học phí cho con, thanh toán viện phí…

Hai năm trở lại đây, số thành viên và dư nợ qua tổ vay vốn tăng trưởng mạnh. Ông Hồ Ngọc Yển-Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 3 (xã Thành An) cho biết: “Khi mới thành lập, Tổ vay vốn thôn 3 chỉ có 21 thành viên với dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Đến nay đã có 45 thành viên với dư nợ hơn 4,8 tỷ đồng. Qua khảo sát nhu cầu vay vốn của bà con cho thấy, sắp tới, một số thành viên đăng ký vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư chăn nuôi bò, heo, trồng mía, ớt”.

Không chỉ tăng trưởng đều về dư nợ, chất lượng tín dụng cho vay qua tổ ngày càng được nâng lên. Bên cạnh sự kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn của cán bộ tín dụng, vai trò của tổ trưởng, tổ phó vay vốn được phát huy nhờ luôn bám sát tình hình, đôn đốc tổ viên trả lãi, trả gốc khi đến hạn. Còn cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn cũng đã thực sự gắn kết với tổ chức hội, đoàn thể để kịp thời thẩm định cho vay và giải quyết các vướng mắc.

Ông Phạm Như Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành An-cho biết: “Hội Nông dân xã quản lý 3 tổ vay vốn với 183 thành viên. Các tổ vay vốn không có nợ xấu, đảm bảo trả lãi đúng hạn. Công tác phối hợp giữa Hội Nông dân và Agribank đã giúp nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn của hội viên, nông dân, tăng cường chất lượng hoạt động của hội, đoàn thể. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thuận lợi hơn đã tạo điều kiện cho nông hộ phát triển kinh tế, góp phần đưa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đi lên”.

Đã có hơn 90% khách hàng cá nhân của Agribank Chi nhánh thị xã An Khê tham gia thành viên của Tổ vay vốn.
Đã có hơn 90% khách hàng cá nhân của Agribank-Chi nhánh thị xã An Khê là thành viên của tổ vay vốn. Ảnh: Sơn Ca


Qua hơn 2 năm triển khai, Agribank An Khê đã mở rộng cho vay khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn. Đến nay, Chi nhánh đã thành lập và ủy thác cho tổ trưởng thu lãi 61 tổ vay vốn/1.973 thành viên, với dư nợ cho vay qua tổ hơn 195 tỷ đồng. Trong đó, có 47 tổ vay vốn Hội Nông dân với 1.612 thành viên; 14 tổ vay vốn Hội Phụ nữ với 361 thành viên. Quy mô dư nợ tăng đều ở địa bàn các xã, nguồn vốn của Agribank đã gần như phủ sóng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Kết quả này đã góp phần đưa tổng dư nợ tín dụng của Chi nhánh đạt 969 tỷ đồng, huy động vốn đạt 955 tỷ đồng; gia tăng thị phần tín dụng của Chi nhánh lên 32%, huy động vốn chiếm 53% tổng quy mô tín dụng toàn địa bàn.

Ông Phạm Đồng Thanh-Giám đốc Agribank An Khê-nhìn nhận: “Cho vay qua tổ rút ngắn thời gian so với quy định 1-2 ngày, giúp bà con tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng; qua đó góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn”.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.