"3 công" để phát triển doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, tỉnh Gia lai đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Song, để đạt hiệu quả mong muốn, theo một số sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh cần tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế trong “3 công”: công nghệ, công khai và công chức.
 Bộ phận một cửa Chi cục Thuế huyện Kông Chro. Ảnh: Đ.T
Bộ phận một cửa Chi cục Thuế huyện Kông Chro. Ảnh: Đ.T
Những năm qua, cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng đã tập trung xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tăng cường sự minh bạch, hạn chế tham nhũng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh, tiết kiệm tiền bạc, thời gian cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Ở tỉnh ta, nhận thức của doanh nghiệp về chính quyền điện tử và công nghệ thông tin còn hạn chế, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp. Cụ thể, chỉ có 40,8% số doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 15,6% doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong khi đó, ở Đà Nẵng, tỷ lệ này lần lượt là 81,6% và 41,4%.
Tại tỉnh ta, một số “điểm sáng” trong thực hiện các thủ tục hành chính bằng công nghệ là Sở Giao thông-Vận tải với 23 thủ tục hành chính, thường phát sinh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hay Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2018 được 850 trường hợp, đạt 30% số trường hợp đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai Chính phủ điện tử ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết, về mức độ sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông năm 2017, Gia Lai xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố, là địa phương thuộc nhóm có mức độ sẵn sàng thấp. Ngoài các hệ thống phần mềm dùng chung toàn tỉnh, rất ít đơn vị, địa phương xây dựng các phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành... 
Về phía doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, muốn tăng hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là phải tìm hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức, điều hành, quản lý, phát triển sản xuất kinh doanh. Với giải pháp này, ông Nguyễn Tuấn cho rằng, thời gian tới, UBND tỉnh cần có chương trình, dự án phát triển công nghệ thông tin dành cho doanh nghiệp, tối đa hóa độ mở của Cổng thông tin điện tử tỉnh, xây dựng những kênh tương tác trực tuyến giữa chính quyền với doanh nghiệp. “Về phía Hiệp hội sẽ chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, khai thác thông tin trên mạng internet phục vụ sản xuất kinh doanh, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, giao tiếp, tương tác với Cổng thông tin điện tử của tỉnh, tiến tới mọi quan hệ giao dịch của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước với cơ quan nhà nước của tỉnh đều qua môi trường mạng. Khi đó, chắc chắn nền hành chính của tỉnh sẽ trở nên nhẹ nhàng và tiện ích”-ông Tuấn khẳng định.
Quang cảnh hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm. Ảnh: H.D
Quang cảnh hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm. Ảnh: H.D
Trên nền tảng Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành với độ mở cao, cần công khai tất cả các văn bản về quy hoạch, kế hoạch, thông tin đấu thầu, mua sắm công, chính sách ưu đãi đầu tư... để cung cấp thông tin cần thiết, đa dạng cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 19-7 vừa qua, ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Sinh-nêu ý kiến: “Tỉnh nên công khai lĩnh vực nào đầu tư được, lĩnh vực nào không để doanh nghiệp chủ động xác định cũng như lựa chọn dự án đầu tư. Tỉnh cũng nên có cuốn cẩm nang về tất cả những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp dễ nắm bắt”.
Công chức là những người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, là đại diện của bộ máy nhà nước, nhất là công chức trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân. Một vấn đề cần chú ý là, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được đánh giá phần lớn dựa vào sự cảm nhận của doanh nghiệp, nặng về yếu tố tâm lý. Vì vậy, các công chức làm việc ở những lĩnh vực dễ tác động tiêu cực đến tâm lý doanh nghiệp như: đầu tư, đấu thầu, đất đai... cần được thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh. Chỉ cần có những sai sót hoặc vi phạm sẽ tạo ra những thông tin tiêu cực lan truyền trong cộng đồng doanh nghiệp, dẫn đến việc đánh giá chỉ số PCI một cách định kiến, thiếu khách quan. Vì vậy, việc chăm lo xây dựng đội ngũ công chức có đạo đức công vụ, có năng lực chuyên môn là việc vô cùng cần thiết, cấp bách.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.