17 triệu học sinh trở lại trường, an toàn là trên hết, trước hết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ ngày 7.2, khoảng 17 triệu học sinh trên cả nước sẽ trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học online. Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, 63/63 tỉnh thành đã chuẩn bị các giải pháp và kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường an toàn.

 Các trường học ở Đà Nẵng chuẩn bị các phương án, diễn tập đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Thanh Chung
Các trường học ở Đà Nẵng chuẩn bị các phương án, diễn tập đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Thanh Chung


Mở cửa trường học - không thể chần chừ thêm nữa  

Nhận thông báo trở lại trường học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Lê Khánh Linh - học sinh lớp 11 tại Long Biên (Hà Nội) vừa vui mừng, phấn khởi, xen lẫn là cảm giác hồi hộp. Bởi đã rất lâu rồi, kéo dài từ năm học trước đến năm học này, em và bạn bè đã phải học trực tuyến. “Em không biết các bạn có nhận ra mình không, vì hơn 1 năm chỉ gặp nhau qua màn hình máy tính” - Linh nói và cho biết đang mong ngóng từng giờ được trở lại trường gặp thầy cô và bạn bè.

Tâm trạng của Khánh Linh có thể bắt gặp ở bất cứ cô cậu học trò nào. Đặc biệt, thời gian được đến trường là ngay sau Tết Nguyên đán, học sinh vui vì được gặp nhau, chúc mừng năm mới, nhận những phong bao lì xì may mắn.

Trái ngược với tâm trạng háo hức của học sinh, đâu đó vẫn còn những lo lắng, băn khoăn của phụ huynh rằng trường học đã thực sự an toàn hay chưa, nhất là 43/63 tỉnh thành có kế hoạch cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học được đến trường trước ngày 14.2, trong khi đối tượng này chưa được tiêm vaccine. Là người cũng có con, có cháu trong độ tuổi đến trường, chia sẻ với Lao Động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh cho biết rất thấu hiểu sự lo lắng của các phụ huynh. Bà muốn nhắn nhủ tới cha mẹ học sinh rằng, ngành Giáo dục, Y tế, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc vì tương lai và quyền lợi được học tập trong môi trường an toàn của các em. Vì thế, phụ huynh hãy yên tâm để con em mình đến trường.

"Học sinh phải ở nhà quá lâu sẽ tạo ra nhiều thói quen xấu, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, tinh thần, thể chất của các em. Điều này đã được các tổ chức quốc tế, các chuyên gia về y tế, sức khỏe, giáo dục khuyến cáo. Việc học tập trực tuyến kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục trước mắt mà còn ảnh hưởng nặng nề cả trong giai đoạn dài phía trước và tương lai của các em. Vì vậy, đã đến thời điểm chúng ta không thể chần chừ được nữa với việc mở cửa trường học để đón các em trở lại học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục"- Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định.   

Gấp rút chuẩn bị đón học sinh

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như Bộ GDĐT về việc mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả cấp học từ ngày 7-14.2, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, cả 63 tỉnh thành đều gấp rút chuẩn bị và sẵn sàng phương án đón học sinh trở lại trường an toàn.

Tại Hà Nội, toàn bộ học sinh khối lớp 7 đến 12 trở lại trường vào ngày 8.2. Học sinh từ khối 1 - 6 tại 18 huyện, thị xã trở lại trường từ ngày 10.2. Thông tin này thu hút nhiều sự quan tâm của người dân bởi việc đến trường là mong mỏi từ lâu, của cả nhà trường, học sinh và phụ huynh thủ đô. Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Thanh Trì cho biết, đơn vị đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đón học sinh trở lại trường sau Tết Nhâm Dần 2022.

“Phòng GDĐT huyện đã cử 3 đoàn kiểm tra về công tác rà soát, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất dạy và học để đón học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường học trên địa bàn huyện. Các trường học đã tổ chức cho giáo viên, nhân viên làm vệ sinh lớp học, vệ sinh khuôn viên trường, bảo quản cơ sở vật chất trước trong và sau Tết Nguyên đán” - ông Ngát thông tin.

Bà Trương Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy) chia sẻ, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện vật chất, cơ sở, y tế... từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sẵn sàng đón hơn 1.000 học sinh từ lớp 7 - 9 đi học trực tiếp từ ngày 8.2. Những bạn học sinh ở vùng 1, vùng 2 sẽ đến trường học trực trực tiếp, những em ở vùng dịch cấp độ 3 tiếp tục học trực tuyến theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội.

“Tỉ lệ tiêm vaccine cho học sinh tương đối cao, trên 90%. Tâm lý chung của phụ huynh, học sinh lúc này là mong muốn được đi học trở lại. Nhà trường cũng sẽ có buổi đầu tiên chào đón học sinh, để cô trò làm quen, trò chuyện sau thời gian dài chỉ học trực tuyến để các em cảm thấy hào hứng khi trở lại trường” - bà Hiền cho biết.

Tại TPHCM, từ 14.2, trẻ mầm non 3-6 tuổi và học sinh lớp 1 đến 6 sẽ đi học trở lại trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Những em phụ huynh chưa đồng thuận sẽ học trực tuyến. Ghi nhận của phóng viên, tại quận 1, sau khi đối thoại với phụ huynh về việc dạy học trực tiếp, bà Lê Thị Bình (Trưởng phòng GDĐT Q.1) cho hay, sự đồng thuận của phụ huynh ở các khối lớp cho con đi học trực tiếp sau tết trên địa bàn quận cao, song phụ huynh mong muốn nhà trường sẽ tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh.

“Khi học sinh mầm non, tiểu học và khối 6 trở lại trường, để hoạt động dạy và học được bình thường hóa, dự kiến thời gian đầu, các trường trung học cơ sở sẽ ưu tiên tổ chức bán trú trước cho khối 6, 9, tạo điều kiện để học sinh khối 9 ôn tập và học sinh khối 6 làm quen, bắt nhịp với môi trường học tập mới. Các trường tiểu học sẽ sắp xếp luân phiên tổ chức bán trú cho các khối lớp, căn cứ vào tình hình dịch sẽ mở rộng tổ chức hết, bình thường hóa nhất có thể…” - bà Lê Thị Bình chia sẻ.

Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến, bắt đầu từ 7.2 các học sinh khối 9 và khối 12 sẽ tiếp tục tới trường học tập trực tiếp vào buổi sáng. Các khối lớp còn lại tiếp tục học trực tuyến.

Từ ngày 14.2, học sinh các khối lớp 6, 7, 8 và khối 10, 11 cũng bắt đầu đến trường học tập trực tiếp, trên cơ sở chia buổi cho phù hợp. Trẻ mầm non 5 tuổi cũng bắt đầu đến trường học trực tiếp trong 14.2. Đến 21.2, toàn bộ học sinh các cấp học  trên địa bàn tỉnh sẽ được tới trường học tập trực tiếp theo kế hoạch, thời khóa biểu của nhà trường, bảo đảm an toàn trường học.

Sau Tết, các trường mầm non cũng tranh thủ thời gian này để nhanh chóng vệ sinh lại trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện khác theo quy định để sớm đón học sinh đi học trở lại.

Vừa học, vừa phòng chống dịch bệnh

Khi học sinh trở lại trường, băn khoăn lớn nhất của phụ huynh là làm thế nào để học sinh được an toàn, nhất là trẻ mầm non, học sinh tiểu học ý thức phòng dịch chưa cao. Chia sẻ về phương án đảm bảo an toàn khi đón học sinh trở lại trường, bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các nhà trường yêu cầu 100% giáo viên, học sinh thực hiện 5K trong suốt quá trình giảng dạy trên lớp.

“Việc dạy học được thực hiện kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho những học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp. Trong mỗi lớp học đều gắn hệ thống camera. Các học sinh ở nhà cách ly vẫn học trực tuyến cùng thời khóa biểu với các bạn trên lớp. Các lớp được bố trí cách nhau 1 phòng học để đảm bảo khoảng cách, hạn chế tối đa giao tiếp” - bà Châu nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, các yếu tố khách quan về tỉ lệ “phủ” vaccine của cả nước, nhất là đối tượng học sinh từ 12-17 tuổi và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi trong thời gian tới hay những khuyến cáo của chuyên gia về sự ảnh hưởng “không đáng ngại” của dịch bệnh tới sức khỏe trẻ em khi độ phủ tiêm vaccine đã đạt trên 80% hiện nay đang là những tín hiệu rất tốt để chúng ta có thể tin tưởng về việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi trường học mở cửa.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan, lơ là phòng dịch. Lãnh đạo Bộ GDĐT mong rằng sự chuẩn bị hết sức chủ động, chu đáo từ phía ngành Giáo dục, các địa phương, từng nhà trường, từng thầy cô giáo, từng bậc phụ huynh sẽ là yếu tố tiên quyết để trẻ em được bảo vệ trong sự hiểu biết đầy đủ về dịch bệnh và trách nhiệm của người lớn trong việc giúp các em an toàn trong thời gian ở trường cũng như ở nhà.

 


Các tỉnh miền Trung linh hoạt trong việc cho học sinh đi học trở lại

Tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho hay, từ ngày 7.2, học sinh, sinh viên từ lớp 7 đến lớp 12 của các trường, trung tâm đi học trực tiếp trở lại. “Trước mắt, khối 7 đến khối 12 sẽ đi học lại vì đã tiêm vaccine phòng COVID-19, còn đối với học sinh khối 1 đến khối 6 vẫn sẽ học trực tuyến. Sau đó, sở sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, báo cáo với UBND thành phố chỉ đạo” - bà Thuận nói.

Theo hướng dẫn của Sở GDĐT TP.Đà Nẵng, chỉ những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 mới được tổ chức dạy học trực tiếp; địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến. Căn cứ vào sự thay đổi cấp độ dịch tại địa bàn, thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động quyết định thay đổi hình thức tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, kết hợp trực tiếp với trực tuyến phù hợp.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, học sinh ở vùng 3 vẫn đi học bình thường. Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho hay, vào ngày 7.2, tất cả các học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ đi học trực tiếp. Chỉ những giáo viên, học sinh bị F0, F1 và ở vùng 4 (vùng đỏ) sẽ chưa được đến trường. Việc tỉ lệ tiêm vaccine ở tỉnh Quảng Nam không ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập nhiều. Mỗi trường đều có quy định về phòng chống dịch chặt chẽ. Đồng thời, giao các nhà trường chủ động trong việc xử lý tình huống phù hợp với điều kiện địa phương.

Hà Nội đặt các kịch bản ứng phó khi học sinh đi học trở lại sau Tết

Học sinh từ lớp 7-12 tại Hà Nội sẽ chính thức đi học lại từ ngày 8.2. Trong khi đó, học sinh từ lớp 1-6 tại 18 huyện, thị xã ở ngoại thành trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10.2 sau gần 1 năm chỉ quanh quẩn học ở nhà. Để chuẩn bị sẵn sàng hơn trong việc đón học sinh đi học trở lại, nhiều quận, huyện tiếp tục triển khai diễn tập công tác phòng, chống dịch COVID-19, giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh làm quen với các tình huống có thể phát sinh, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học an toàn.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho biết, ông mong muốn phụ huynh, học sinh đồng hành cùng nhà trường, nghiêm túc thực hiện 5K, cùng giám sát và tuân thủ nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến" để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại. Đơn vị đã yêu cầu các trường chủ động xây dựng phương án chi tiết, phù hợp và có kịch bản xử lý tình huống nếu có F0, F1 tại lớp học, trường học để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh. “Việc dạy học trực tiếp chỉ tổ chức ở địa bàn phường, xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Nếu học sinh cư trú ở địa bàn phường, xã có mức độ dịch cấp độ 3, cấp độ 4 thì ở nhà học trực tuyến. Yêu cầu chung đối với các nhà trường là chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày và không tổ chức ăn bán trú, căngtin trong trường” - ông Trần Thế Cương lưu ý.

Để sẵn sàng công tác chuẩn bị, tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố đã lên kế hoạch và tổ chức diễn tập công tác đón học sinh trước kỳ nghỉ Tết; trong đó có quy định rõ những điều học sinh được làm và không được làm. Phạm Đông
Đắk Lắk lấy ý kiến tham vấn cho học sinh từ lớp 7 - lớp 12 ở Thành phố trở lại trường

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều phụ huynh ở tỉnh Đắk Lắk vẫn lo ngại khi để con em mình đến trường trở lại. Bởi, tình hình dịch COVID-19 ở nhiều địa phương trong tỉnh này vẫn còn phức tạp và một bộ phận học sinh vùng sâu vùng xa vẫn chưa được tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh...

Giữa tháng 1.2022, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch với mục tiêu đảm bảo trên 90% trẻ em từ 3 đến 17 tuổi sinh sống trên địa bàn được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Nhóm đối tượng này với khoảng 500.000 người. Trong đó, trẻ 15 đến 17 tuổi là trên 78.000 người, từ 12 đến 14 tuổi khoảng 128.000 người và nhóm từ 3 đến 11 tuổi khoảng 299.000 người.

Còn theo ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đắk Lắk: Sở đã chỉ đạo các trường trước khi nghỉ Tết phải tham mưu với chính quyền địa phương sớm triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh để đón các em học sinh trở lại trường sau này. Đối với các huyện vùng xanh thì các cấp học đã triển khai học bình thường trở lại nhiều tuần trước đó. BẢO TRUNG

https://laodong.vn/xa-hoi/17-trieu-hoc-sinh-tro-lai-truong-an-toan-la-tren-het-truoc-het-1001673.ldo
 



 

Theo Nhóm Phóng viên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề để phù hợp hơn với mức độ phức tạp công việc.