10 "từ khóa" cho kinh tế tư nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kinh tế tư nhân là một tập hợp của rất nhiều quy mô kinh tế khác nhau, từ rất lớn tới rất nhỏ, từ rất cao tới khá thấp, từ những chủ doanh nghiệp là “đại gia” tới những chủ doanh nghiệp chỉ là “tiểu gia”, từ những doanh nghiệp được ưu đãi tới những doanh nghiệp không hề biết ưu đãi là gì, từ những doanh nghiệp “quan hệ” với ai cũng được tới những doanh nghiệp không ai để ý. Vậy nhưng, tổng hợp tất cả những hình thái doanh nghiệp tư nhân ấy đã đóng góp khoảng 42% GDP trong năm 2018. Trong 2 năm (2017-2018), vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt là 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 11-12%/năm.
Phải nhìn từ một tập hợp rộng lớn và không đồng nhất của nền kinh tế tư nhân như thế để đưa ra những chính sách phù hợp cho tất cả các hình thái, các quy mô. Và nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân mới đây, cần có 10 “từ khóa” cho khu vực này, đó là: bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội. Thủ tướng đã giải thích thêm nội hàm của 10 “từ khóa” này khiến các doanh nghiệp tư nhân “được lời như cởi tấm lòng”. Nhưng khi quay về với thực tế thì nói như chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, “sự méo mó các thiết chế nhà nước, cải cách kinh tế diễn ra theo hướng không tôn trọng các quy tắc của kinh tế thị trường, vận hành nền kinh tế chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ thân hữu, tham nhũng..., khiến doanh nghiệp tư nhân không có môi trường tốt để phát triển”.
Như thế, nói về phía nào, phía tích cực hay phía tiêu cực, cũng đều có những “hạt nhân hợp lý” của nó cả. Nhưng, kinh tế tư nhân lại chỉ cần những yếu tố tích cực từ hệ thống chính sách, từ thực tế thực thi những chính sách tốt đó để phát triển. Ngược lại là phá sản hoặc trầm trệ trong bao nhiêu bế tắc, bị những “nút thắt” vô hình và hữu hình thít chặt.
Không phải các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan quản lý trực tiếp doanh nghiệp tư nhân không nhận ra những bất cập ấy. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có lý do “phải khuấy đục thì mới có ăn”, “làm khó nó mới ló ra… tiền” nên rốt cuộc, các doanh nghiệp tư nhân không thể nào có sự bình đẳng thật sự trong mọi bước làm ăn cần đến sự cho phép hay khuyến khích của Nhà nước.
Ngay trong những lĩnh vực có sự ưu đãi của Nhà nước thì sự bình đẳng cũng không hiện diện, vì có những doanh nghiệp nhận được sự ưu đãi lớn, được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để kinh doanh nhưng ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé không bao giờ với tới những sự ưu đãi này.
Nếu hàng năm kinh tế tư nhân tạo ra 1,2 triệu việc làm mới thì chỉ như thế thôi, sự đóng góp của nó vào nền kinh tế, vào an sinh xã hội, giải quyết việc làm… đã là rất lớn. Có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé, mỗi doanh nghiệp chỉ sử dụng mấy chục lao động, nhưng nếu cộng lại thì hằng hà các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như vậy đã mang lại cho xã hội những lợi ích lớn lao thế nào, hẳn chúng ta đều biết. Nhưng trong thực tế, những doanh nghiệp này gần như không được để ý tới, chứ đừng nói nhận được ưu đãi, vì họ “nhỏ bé quá”.
Nhưng bất chấp tất cả những khó khăn, trở ngại, hình thái doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển. Mỗi năm đều có một số lượng lớn doanh nghiệp tư nhân phá sản, nhưng lại có một số lượng lớn hơn mấy lần những doanh nghiệp tư nhân mới thành lập và đi vào hoạt động. Đó là bản chất của kinh tế thị trường và là thực tế diễn ra với bất cứ nền kinh tế thị trường nào. Vấn đề thiết yếu với Nhà nước là làm sao phải “cầm trịch” cho tất cả những cạnh tranh, dù khốc liệt tới đâu, vẫn phải diễn ra lành mạnh, bình đẳng. Nếu gọi đó là “ưu đãi” thì nó là ưu đãi đầu tiên và lớn nhất mà nền kinh tế tư nhân cần ở “người cầm cân nảy mực” là Nhà nước. Những cái khác, cuộc sống kinh doanh, kinh tế thị trường sẽ tự điều tiết và giải quyết.
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm