Xen canh-Sức bật mới cho ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Có nguồn đất rộng lớn, màu mỡ, thuận lợi để trồng các loại cây đem lại lợi ích kinh tế cao, song lâu nay, người dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) chỉ “trung thành” với cây cà phê và hồ tiêu. Mới đây, xã đã vận động bà con triển khai mô hình trồng cây xen canh với kỳ vọng nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Ông Nguyễn Văn Công-Trưởng thôn Grang 2 (xã Ia Phìn) hồ hởi dẫn chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Hô-một hộ dân tiên phong thực hiện mô hình trồng xen của thôn. Đưa chúng tôi tham quan khu vườn tươi tốt sau nhà, ông Hô nói: “Tôi trồng xen canh cà phê và bơ booth từ năm 2012, nhưng chủ yếu là chăm sóc cà phê, còn bơ chỉ trồng ít cây ăn chơi chứ không chú trọng đến hiệu quả kinh tế. Nhưng sau khi xã tổ chức cho các hộ nông dân đi tham quan mô hình trồng xen bên Đak Lak về, tôi đã mạnh dạn trồng 100 cây bơ  booth và 150 cây sầu riêng vào 2 ha cà phê sau nhà. Tôi cũng chú trọng chăm sóc những cây bơ đã trồng trước đó và bắt đầu có thương lái đến hỏi mua. Người ta trả giá 40.000-45.000 đồng/kg nhưng tôi chưa đồng ý bán”.

 

Mô hình xen canh của nông dân xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh). Ảnh: Đức Thụy
Mô hình xen canh của nông dân xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh). Ảnh: Đức Thụy

Ông Hô cho biết, sau khi được thôn phổ biến mô hình trồng xen canh, ông chủ động lên mạng tìm hiểu thêm kỹ thuật cơ bản để trồng bơ và sầu riêng. Do trước đó chưa nắm được kỹ thuật trồng bơ  booth, ông trồng ven mương nước nên  đã có gần 50 cây bị chết, hiện vườn chỉ còn 50 cây. 20 cây bơ ông trồng trước đó đã cho thu hoạch với năng suất khoảng 5 tạ/cây. Với giá bơ và sầu riêng như hiện nay, ông Hô tin tưởng gia đình sẽ có thu nhập đáng kể trong tương lai gần.

“Có đi ra ngoài mới thấy người ta làm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng xen chẳng hạn. Trong khi mình ở đây đã trồng bơ, trồng sầu riêng nhưng chủ yếu là để phục vụ nhu cầu gia đình chứ chưa chú trọng phát triển để làm kinh tế. Sau khi đi tham quan, học hỏi xong, tôi tiến hành họp thôn, phổ biến kỹ những kiến thức đã học cho bà con và vận động họ làm  theo. Thôn Grang 2 có 164 hộ thì hiện nay 90% đã triển khai trồng xen cà phê, hồ tiêu, bơ và sầu riêng”-ông Nguyễn Văn Công cho biết. Ngay  gia đình ông Công cũng đã trồng xen 50 cây bơ  booth và 100 cây sầu riêng vào diện tích cà phê, hồ tiêu sau nhà.

Không chỉ thôn Grang 2 mà nhiều thôn khác tại xã Ia Phìn cũng đã triển khai mô hình trồng xen canh. Ông Trần Văn Duân-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, cho biết, mô hình trồng xen canh cây sầu riêng và cà phê tại huyện Krông Pak (tỉnh Đak Lak) đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nơi đến học hỏi kinh nghiệm. Do vậy, xã đã 2 lần tổ chức cho bà con nông dân trong xã đến đó học tập, mỗi lần đi có  30 hộ. “Nông dân bên đó trồng xen cà phê, bơ và sầu riêng cho thu nhập bình quân 800-900 triệu đồng/ha, có diện tích năng suất cao cho thu nhập lên tới 1,2 tỷ đồng/ha. Lâu nay, ở xã Ia Phìn,  bà con chỉ chú trọng vào cây mũi nhọn là cà phê và hồ tiêu. Hiện nay, giá hồ tiêu và cà phê khá bấp bênh, vừa qua, thời tiết hạn hán lại gây mất mùa”-ông Duân cho biết thêm. Sau khi triển khai mô hình cho các hộ dân, xã sẽ mời cán bộ kỹ thuật bên Đak Lak về phổ biến kiến thức cần thiết và tập huấn kỹ thuật trồng xen canh. Đồng thời, xã sẽ liên hệ nơi cấp giống tốt, năng suất cao cho bà con trong xã.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.