(GLO)- “... Ơi Yàng... hỡi các thần linh... Mẹ ở thượng nguồn sông Ba, cha ở hạ nguồn biển cả... Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”. Lời khấn của phụ tá Vua Lửa Rơ Lan Hieo cứ vang vọng vào cõi u linh như ru hồn du khách về miền cổ tích. Bài khấn và tiếng chiêng cồng giữa cái nắng khô khốc Tây Nguyên mùa đại hạn vang vọng suốt gần ngàn năm qua, để đến bây giờ trở thành Di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Tháng 4, Tây Nguyên nắng chan hòa như bao đời vẫn thế, trời vẫn xanh như từ thuở hồng hoang và mây trắng vẫn bay như ngàn năm cổ tích. Chúng tôi về Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai) để được đắm mình trong lễ cúng cầu mưa…
Độc đáo lễ cúng cầu mưa
Trên đám đất rộng đã được quét dọn sạch sẽ, những lão làng Jrai trong trang phục nghi lễ truyền thống trải chiếu lên vạt cỏ để thế thân Vua Lửa-ông Rơ Lan Hieo ngồi làm chủ tế, cúng cầu mưa giải cơn khô hạn giúp dân làng. Phía sau lưng ông, 7 lão làng Jrai ăn mặc chỉnh tề ngồi thành hình bán nguyệt để làm phụ lễ. Ông Rơ Lan Hieo gỡ nút dây buộc mảnh chiếu cũ đang cuốn lại phía trước mặt, cẩn thận lần giở cuộn vải đỏ đã xỉn màu phía trong bọc thanh gươm thần do các đời Vua Lửa truyền lại. Ông rót rượu tưới rửa thanh gươm và chén, bát, bình ly đồ tế. Những người Jrai xung quanh đều ngoảnh mặt đi nơi khác do sợ... gươm thần.
Chúng tôi tò mò quan sát thanh gươm thần tương truyền có quyền năng hô mưa gọi gió. Gươm đã hoen rỉ, chỉ có chuôi gươm làm bằng sắt là chắc chắn và còn in rõ họa tiết chạm trổ sắc nét. Các lão làng cùng đám thanh niên thay nhau gióng lên hồi chiêng trống âm vang. Những người khác đập một con heo đen đã cột sẵn rồi nhóm bếp.
|
Ông Rơ Lan Hieo-thế thân của Vua Lửa-thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa. Ảnh: Đ.P |
Theo truyền thống, lễ cầu mưa phải có đủ các đồ tế như: 1 ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, 1 tô gạo, 1 đĩa thịt… Sau hồi khấn vái cùng nghi thức rảy nước và xoa nước vào bụng các già làng để cầu chúc sức khỏe, ông Rơ Lan Hieo hướng đến bàn đặt lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tay phải cầm chén đồng rót nước vào ché rượu, ngón cái tay trái bấm đầu ngón tay, miệng lầm rầm khấn vái.
Thế thân Vua Lửa Rơ Lan Hieo ngoài 60 tuổi, trông nhỏ người, da ngăm đen, tóc muối tiêu, dáng hơi gầy nhưng có giọng tế rất âm vang, ấn tượng. Ông Võ Thanh Lâm-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Thiện-cho hay: “Ngày xưa làng nào làm lễ cầu mưa cũng phải cố tìm được một bành voi đến rước Vua Lửa. Nay mình phải kiếm chiếc ô tô đến Plei Ơi chở “phụ tá Vua” với mấy già làng đến đây từ sáng sớm đó...” .
Tiếng chiêng trống, lời văn tế ngân nga, vẻ trang nghiêm, trịnh trọng của vị thế thân Vua Lửa, ngọn lửa phần phật giữa cánh đồng như thông dẫn với quyền lực siêu nhiên, huyền bí... càng làm sâu nặng thêm niềm tin của những con người nơi cao nguyên đại ngàn về những gì đã được trao truyền. Vừa khấn, ông Rơ Lan Hieo vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá… cùng về dự lễ. Rồi ông lấy thịt ném 3 lần ra phía trước, mỗi lần ném ông lại cầm gươm thần chỉ hướng từ Đông sang Tây, 2 tay dang rộng, xoay người nhảy lò cò múa điệu chim đại bàng sải cánh, trong khi đó miệng vẫn không ngừng cầu khấn.
“Kỳ diệu thay, vừa dứt bài cúng thì mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến, sấm chớp rền vang rồi trời đổ mưa như trút nước. Cũng có năm phải mấy ngày sau trời mới đổ mưa. Nhưng kỳ thực, tôi theo dõi mấy năm nay rồi, gần như không có năm nào cúng xong mà trời không mưa. Đang khô khốc giữa mùa đại hạn thế mà trời đổ mưa mới tài”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Thiện không giấu vẻ kinh ngạc trầm trồ.
Những người già kể rằng khi trời mưa, cư dân khắp vùng chỉ biết hướng về Plei Ơi mà vái lạy. Tiếng tăm Vua Lửa bay xa, người ở khắp mạn Mang Yang, Krông Pa (tỉnh Gia Lai), Buôn Hồ (tỉnh Đak Lak) hay tận Campuchia, Lào cũng tìm đến mời Vua Lửa về cúng cầu mưa cứu giúp dân làng. Những làng ở xa không rước được Vua thì gồng gánh heo, ghè, lễ vật về Plei Ơi để nhờ Vua Lửa cúng giúp. Cúng xong, Vua Lửa chia cho họ một ít gạo cúng để mang về ném ra 4 góc làng, cầu trời đổ mưa. Thời kỳ đó, mỗi khi đi đâu, Vua Lửa thường cưỡi voi, xung quanh có hàng tá người hầu cận bê tráp… Vua Lửa được các “thần dân” của mình làm cho một căn nhà bằng gỗ tốt, dài 30 m, rộng cả chục mét.
Phát huy giá trị di sản
Ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện: “Cùng với Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (đã được quy hoạch chi tiết xây dựng 33 căn nhà sàn truyền thống), núi Chư Tao Yang, ao Ơi Y, khu nhà mồ, nhà trưng bày, nhà Pơtao Apuih đời thứ 14 Siu Luynh, bến sông và các điểm đến khác là chùa Quang Sơn, hồ Ayun Hạ, hồ Sen (xã Ia Yeng)…, chúng tôi đang tiếp tục đầu tư và kêu gọi các tổ chức, cá nhân khác đầu tư xây dựng Phú Thiện trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới...”. |
Hàng năm, vào dịp 30-4 và 1-5, đồng bào Jrai ở Plei Ơi (xã Ayun Hạ) và Plei Rbai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) đều tổ chức lễ cúng cầu mưa để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cây cối xanh tươi, thóc lúa đầy bồ, con người được khỏe mạnh. Theo nhiều người già, lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apuih ở Plei Ơi-làng của Vua Lửa-mới là lễ chính, là gốc rễ; còn lễ cúng cầu mưa (Yang Ơi Đai) ở Plei Rbai là lễ phụ. “Chính vì thế mà chỉ có các đời Vua Lửa mới đi cúng cho làng khác được, còn các thầy cúng ở các làng khác thì không được phép về cúng ở Plei Ơi”-thầy cúng, nghệ nhân Ksor Lol (làng Rbai B, xã Ia Piar) cho biết.
Tháng 6-2015, “Lễ cúng cầu mưa” của Yang Pơtao Apuih (Vua Lửa) đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là hoạt động tín ngưỡng có ý nghĩa hướng thiện, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo và có tính cộng đồng rộng rãi của người Jrai bản địa ở Phú Thiện. Vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và hỗ trợ để người dân tổ chức lễ hội cầu mưa đặc sắc này.
ĐỨC PHƯƠNG