Xây dựng đội ngũ trí thức 15 năm nhìn lại - Kỳ 2: Nhiều trăn trở, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.

Do vậy, những năm qua, đội ngũ này đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Gia Lai quan tâm chăm lo phát triển cả về chất và lượng, song trên thực tế vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Nỗi niềm nhân lực trình độ cao

Thiếu hụt nhân lực ngành Y tế là câu chuyện khá “nóng” trên địa bàn tỉnh thời gian qua, khiến công tác khám-chữa bệnh gặp không ít khó khăn. Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái cho biết: Đội ngũ cán bộ ngành Y tế những năm qua từng bước được quan tâm củng cố, kiện toàn. Theo thống kê, năm 2019, số lượng bác sĩ do Sở quản lý và bác sĩ của các đơn vị là 1.170 người, đạt 7,7 bác sĩ/vạn dân. Con số này tăng dần qua từng năm; đến năm 2022, số bác sĩ là 1.327 người, đạt 8,4 bác sĩ/vạn dân. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tế thì vẫn cần sự quan tâm hơn nữa, nhất là phát triển lực lượng có trình độ chuyên môn cao.

“Sau đại dịch Covid-19 càng thấy rõ thực trạng này. Hiện ngành vẫn thiếu bác sĩ ở một số chuyên khoa như: hồi sức tích cực, ung bướu, gây mê, lao-tâm thần, y học dự phòng…”-Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin.

Cũng theo ông Thái, nghề y vất vả, thời gian đào tạo kéo dài so với các ngành nghề khác nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Với quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, một bác sĩ sau khi học 6 năm và thêm 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Cộng thêm phụ cấp ưu đãi nghề 40% thì mức thu nhập chỉ 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Đây là “rào cản” lớn trong phát triển đội ngũ trí thức ngành Y tế, cần được tỉnh xem xét cũng như đề xuất với Trung ương điều chỉnh.

Thiếu hụt nhân lực ngành Y tế, nhất là nhân lực trình độ cao đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám-chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phương Duyên

Thiếu hụt nhân lực ngành Y tế, nhất là nhân lực trình độ cao đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám-chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phương Duyên

Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của ngành là 235 bác sĩ nhưng trong quý I chỉ tuyển được 18 người (bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền); quý IV tuyển được 16 bác sĩ đào tạo theo diện cử tuyển. Tuyển dụng không đủ so với chỉ tiêu, trong khi đó, mỗi năm có tới 18 bác sĩ xin nghỉ việc vì lý do cá nhân. Trong số này, một bộ phận đầu quân sang các bệnh viện tư.

“Nếu có cơ hội thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn thì họ đương nhiên phải dao động. Đây cũng đang là vấn đề của ngành Y tế nhiều tỉnh, thành”-ông Thái nói.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên) cho hay: Trung tâm chỉ đứng chân trên địa bàn chứ không chịu sự quản lý của tỉnh, do đó, cán bộ cũng không thuộc diện ưu tiên đào tạo. Để trang bị thêm kiến thức, bản thân ông tự tìm kiếm học bổng của Chính phủ Úc và tham gia đào tạo thạc sĩ trong 2 năm (2014-2015) chuyên ngành Khoa học nông nghiệp. Hiện tại, ông đang tiếp tục theo học tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ sinh học.

Dù đang sinh sống và làm việc tại Gia Lai, có những đóng góp nhất định cho việc phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn song ông cùng nhiều đồng nghiệp tại Trung tâm rất hiếm khi được mời tham gia các buổi tổng kết, hội thảo để có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn sản xuất hồ tiêu của người dân. Cũng vì không thuộc diện cán bộ do tỉnh quản lý nên họ không có được chính sách hỗ trợ, động viên nào cả.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Long đang lấy mẫu rễ tiêu để phân tích, đánh giá thành phần sâu bệnh. Ảnh: Phương Dung

Thạc sĩ Nguyễn Văn Long đang lấy mẫu rễ tiêu để phân tích, đánh giá thành phần sâu bệnh. Ảnh: Phương Dung

Chính sách thu hút, sử dụng trí thức còn hạn chế

Trong Báo cáo số 279-BC/TU ngày 27-9-2022 về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng đội ngũ trí thức. Cụ thể, đến nay, đội ngũ trí thức cơ bản bảo đảm về số lượng và chất lượng, nhưng thiếu đội ngũ có trình độ cao, thiếu cân đối giữa các ngành, lĩnh vực và thiếu các chuyên gia đầu ngành, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, y tế, giáo dục...

Tỷ lệ trí thức người dân tộc thiểu số ở các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp huyện, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh mặc dù có tăng nhưng rất chậm, nhất là tỷ lệ cán bộ khoa học-kỹ thuật người dân tộc thiểu số còn thấp, không đạt mục tiêu “tăng tỷ lệ trí thức người dân tộc thiểu số đạt 5% tổng số cán bộ khoa học-kỹ thuật toàn tỉnh”. Số trí thức người dân tộc thiểu số tham gia quản lý, lãnh đạo, triển khai các chương trình, đề án liên quan chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn ít... Mặt khác, vẫn còn một số trí thức năng lực chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu tính chuyên nghiệp; chưa đáp ứng được yêu cầu trong môi trường sản xuất kinh doanh, dịch vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế.

Những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên cũng được nêu rõ trong báo cáo như: điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang-thiết bị, phương tiện cũng như môi trường làm việc cho đội ngũ trí thức còn nhiều hạn chế. Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” quy định đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách còn khắt khe nên tỉnh chưa thu hút được trường hợp nào.

Thêm vào đó, hiện nay, công tác quản lý nhà nước về đội ngũ trí thức trong toàn tỉnh chưa thống nhất về đầu mối nên việc tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong điều kiện hội nhập và phát triển chưa được quan tâm đúng mức.

Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nhìn nhận: Chính sách thu hút, sử dụng trí thức của tỉnh còn hạn chế; việc tôn vinh những trí thức có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, địa phương chưa kịp thời nên chưa khuyến khích, động viên trí thức toàn tâm, toàn ý cống hiến. Cơ sở tạo nguồn đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số chưa vững chắc; một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ hoặc còn thiếu kiên trì trong tổ chức thực hiện xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số.

PGS-TS Nguyễn Danh khẳng định chính sách quân bình không thể thu hút được người tài. Ảnh Đức Thụy

PGS-TS Nguyễn Danh khẳng định chính sách quân bình không thể thu hút được người tài. Ảnh Đức Thụy

Xung quanh vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho rằng: Chính sách quân bình không thể thu hút được người tài, khiến nhiều nhân lực trình độ cao của tỉnh bị hút về các tỉnh, thành lớn trong cả nước. Ngoài ra, tỉnh chưa có cơ chế thu hút riêng đối với từng đối tượng (như hỗ trợ một lần một cách thật tương xứng, tạo điều kiện mua căn hộ với giá ưu đãi…); sử dụng nhân lực sau đào tạo chưa phù hợp nên chưa động viên được cán bộ, công chức, viên chức đi học tập nâng cao trình độ.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh cũng cho rằng đãi ngộ bằng vật chất là chưa đủ. Với trí thức, quan trọng nhất là môi trường làm việc, bởi đó là yếu tố bền vững, lâu dài. Người tài thường độc lập, có tính tự trọng cao, nếu môi trường làm việc không phù hợp thì họ khó mà gắn bó.

Ông dẫn chứng: Những năm qua, chỉ riêng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (vừa có quyết định chuyển đổi thành phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) đã có đến 4 tiến sĩ xin nghỉ việc, chuyển công tác đến các tỉnh, thành khác. Một số trí thức được đào tạo ở nước ngoài về do khó hòa nhập với môi trường làm việc, chưa được tạo điều kiện phát huy chuyên môn nên cũng đã “dứt áo ra đi”.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nêu thêm một góc nhìn khác: Nhiều nước trên thế giới thường có một lượng lớn trí thức bắt nguồn từ doanh nghiệp. Là bởi, hiện nay, quy trình tự động hóa trong các khâu sản xuất rất cao, muốn vận hành cần có con người có trình độ cao. “Đất nước nào nắm vững khoa học công nghệ thì đất nước đó phát triển. Chúng ta hô hào, yêu cầu doanh nghiệp có quỹ riêng cho hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ nhưng nhiều doanh nghiệp thường theo hướng “mì ăn liền” nên khó phát triển đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này”-ông Danh nói.

Có thể bạn quan tâm

Kbang bồi dưỡng chuyên đề “Đảng ta thật là vĩ đại” cho 50 cán bộ, đảng viên, hội viên

Kbang bồi dưỡng chuyên đề “Đảng ta thật là vĩ đại” cho 50 cán bộ, đảng viên, hội viên

(GLO)- Từ ngày 22 đến 27-4, Trung tâm Chính trị huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề lịch sử “Đảng ta thật là vĩ đại” đợt 1 năm 2024 cho có 50 học viên là cán bộ, đảng viên, hội viên đến từ 14 đảng bộ xã, thị trấn trong huyện.
Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” vừa có thông báo kết quả thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 7.