Xây dựng đội ngũ trí thức 15 năm nhìn lại - Kỳ 1: Tạo cơ hội cống hiến, trưởng thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu rõ: Trong mọi thời đại, đội ngũ trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức.

Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.

Tại Gia Lai, những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ trí thức luôn được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, công tác này vẫn còn một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Gia Lai đã chú trọng thu hút và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là trí thức có trình độ chuyên môn cao, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Chủ trương, chính sách đúng đắn đã tạo điều kiện cho nhiều trí thức trẻ cống hiến và trưởng thành.

Trí thức về vùng khó

Chỉ sau 10 tháng về công tác tại xã vùng khó Kon Gang của huyện Đak Đoa theo Đề án 03-ĐA/TU ngày 12-6-2009 của Tỉnh ủy Gia Lai “Về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác”, chị Nguyễn Vũ Hoàng Yên được lãnh đạo huyện tin tưởng, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã. Thời điểm ấy (tháng 6-2011), chị là một trong những phó chủ tịch UBND xã trẻ nhất của tỉnh và vinh dự được mời tham gia chương trình “Gặp gỡ VTV3” của Đài Truyền hình Việt Nam.

Chị Yên chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia năm 2010, sau đó đăng ký tham gia Đề án 03. Lúc đó, tôi không đặt nặng việc được phân công về địa bàn nào vì bản thân xác định có sức khỏe, lại chưa vướng bận gì nhiều nên dù có khó khăn, cách trở mấy cũng sẽ lên đường. Và tôi được phân công về làm cán bộ Văn phòng-Thống kê xã Kon Gang, cách nhà gần 50 km”. Đến giờ, chị vẫn còn nhớ cảm giác xúc động khi được Thường trực Huyện ủy gặp mặt, tặng quà ngày tham gia đề án. Giỏ quà ấy, chị chở từ huyện Đak Đoa về nhà ở xã Hà Ra (huyện Mang Yang) để “báo cáo” với bố mẹ.

Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, chị Yên nhanh chóng làm quen với công việc, địa bàn cũng như tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Chị xây dựng kế hoạch công tác hàng ngày, hàng tuần xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Làm việc đúng chuyên môn đào tạo, lại chịu khó học hỏi, chị Yên sớm có được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.

Chị Yên nhớ lại: “Khi được lãnh đạo tin tưởng, giao nhiệm vụ, tạo cơ hội để khẳng định năng lực bản thân, tôi rất mừng nhưng cũng thấy vô cùng áp lực. Tôi đã vận dụng hết các kiến thức đã học, kỹ năng được trang bị và chủ động tìm tòi, học hỏi, cái gì chưa biết thì mạnh dạn trao đổi, xin ý kiến”. Trưởng thành và góp sức cho sự thay đổi ở xã vùng khó đến năm 2014, chị chuyển công tác về làm Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang. Từ tháng 9-2020 đến nay, chị giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

“Mỗi địa bàn có những thuận lợi và khó khăn riêng. Nhưng dù ở đâu mình cũng thấy may mắn vì luôn được cấp trên quan tâm, tin tưởng, tạo điều kiện để phát huy năng lực, sở trường”-chị Yên chia sẻ.

Chị Nguyễn Vũ Hoàng Yên-Chủ tịch UBND xã Nam Yang là một trong số những trí thức trẻ trưởng thành từ Đề án 03 của Tỉnh ủy. Ảnh: Phương Dung

Chị Nguyễn Vũ Hoàng Yên-Chủ tịch UBND xã Nam Yang là một trong số những trí thức trẻ trưởng thành từ Đề án 03 của Tỉnh ủy. Ảnh: Phương Dung

Anh Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong (huyện Kbang) cũng là một trong những người trưởng thành từ Đề án 03 của Tỉnh ủy. Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Phát triển nông thôn và Khuyến nông, anh được huyện Kbang tuyển dụng theo Đề án 03 vào năm 2010. Sau khi được Ban Chỉ đạo Đề án 03 bồi dưỡng trong 1 tháng, tạo điều kiện tập sự 3 tháng ở Trạm Khuyến nông huyện, anh về nhận nhiệm vụ tại xã đặc biệt khó khăn Kon Pne.

Đến giờ, anh Quang vẫn nhớ như in ngày đầu vào xã: Khởi hành từ huyện lúc 8 giờ sáng nhưng mãi đến hơn 4 giờ chiều mới tới nơi. Đường sá lúc đó chủ yếu là đường đất trơn trượt, một bên vách núi cheo leo, bên kia là vực sâu rất nguy hiểm. Khi đến nơi, khung cảnh xa lạ, vắng vẻ càng khiến anh không khỏi bối rối với lựa chọn của mình.

Song, khó khăn không khiến anh Quang lùi lại. Nhiệt huyết tuổi trẻ giúp anh quên đi thử thách đón đợi, sẵn sàng chịu khó, chịu khổ để đảm đương nhiệm vụ. Phát huy năng lực, sở trường đã học, anh mạnh dạn tham mưu, đề xuất xây dựng mô hình phát triển cây bời lời đỏ. Từ vài héc ta bời lời ban đầu trồng theo kiểu tự phát, anh ươm giống, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích. Đến năm 2019, diện tích bời lời đỏ ở Kon Pne đã lên đến 250 ha, giúp bà con Bahnar nơi đây có thêm thu nhập đáng kể. Anh Quang cũng mạnh dạn sử dụng máy cày xử lý đất thay cho việc dùng trâu cày như trước đây. Anh cũng là người đầu tiên đưa giống mì cao sản vào sản xuất cho năng suất cao, sau đó mở rộng diện tích đến 100 ha.

Với sự năng nổ nhiệt tình, chỉ sau hơn 1 năm cống hiến, tháng 7-2011, anh được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne cho đến năm 2019; tiếp đó chuyển công tác về làm Chủ tịch UBND xã Đak Rong. Trong quá trình công tác, anh còn được cử đi học nâng cao trình độ thông qua các lớp thạc sĩ luật, cao cấp lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Một số cán bộ được cử đi đào tạo ở nước ngoài cũng đã phát huy tốt trình độ, khả năng, góp phần kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Từng theo học chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý nhân sự tại Trường Đại học Paris Ouest Nanterre La Défense (Cộng hòa Pháp) theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho hay: “Được sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo tỉnh, tôi đã có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập mới, năng động, linh hoạt, đề cao tính tư duy, sáng tạo và phương pháp làm việc khoa học. Trên cơ sở những kiến thức đã học, tôi vận dụng vào quá trình công tác, cùng với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện bàn bạc, xác định điểm mạnh, điểm yếu của huyện, từ đó đề ra kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, có kết quả”.

Một trong những kết quả nổi bật của Đức Cơ là thời gian qua, thu ngân sách luôn đạt và vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước; đời sống người dân ngày một cải thiện, bộ mặt đô thị có nhiều đổi mới, khang trang…

Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài là chủ trương rất đúng đắn. Qua các khóa đào tạo giúp cán bộ không chỉ tiếp thu kiến thức lý luận mà còn là những bài học, kinh nghiệm thực tế trong bối cảnh quốc tế. Từ đó nâng cao khả năng tư duy, lãnh đạo với tầm nhìn chiến lược để vận dụng phù hợp vào thực tế của địa phương cũng như vị trí công tác.

Phát triển nhanh cả về chất và lượng

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng sự phát triển của tỉnh nhà. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm từng bước hoàn thiện môi trường, tạo điều kiện cho hoạt động của đội ngũ trí thức. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cũng như năng lực, sở trường công tác.

Cụ thể, đội ngũ trí thức là cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học được hỗ trợ kinh phí ôn thi, học phí, tiền tài liệu học tập; hỗ trợ khuyến khích sau khi tốt nghiệp đối với tiến sĩ: 35 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa cấp I: 15 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa cấp II: 25 triệu đồng/người; thạc sĩ: 20 triệu đồng/người...

Giai đoạn 2009-2021, tỉnh đã cử 2.376 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị; cử cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”. Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức, tỉnh đã bố trí cho 141 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại các xã vùng II, III theo Đề án 03. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã phân bổ trên 165 tỷ đồng phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương.

Anh Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong (huyện Kbang) xuống làng tìm hiểu đời sống người dân. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong (huyện Kbang) xuống làng tìm hiểu đời sống người dân. Ảnh: Minh Nguyễn

Qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức của tỉnh có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2008, toàn tỉnh có 20.885 người có trình độ từ cao đẳng trở lên (chiếm 1,74% dân số) thì năm 2021 có 130.287 người có trình độ từ cao đẳng trở lên (chiếm 8,3% dân số). Một số mục tiêu của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến cuối năm 2021, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trên đại học trong các sở, ban, ngành của tỉnh đạt 14,02% (vượt 4,02% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 90,52% (vượt 65,52%); tỷ lệ trí thức người dân tộc thiểu số ở các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp đạt 14,14% (cao hơn 1,5% so với năm 2013); tỷ lệ nữ ở các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp huyện, đơn vị sự nghiệp là 69,88% (cao hơn 4,23% so với năm 2013)...

Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên, nhà báo nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn khẳng định: Những năm qua, đội ngũ trí thức của tỉnh có bước phát triển nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng. Một số trí thức của tỉnh đã khẳng định tên tuổi, được vinh danh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu của đất nước. Công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của trí thức, chuyên gia khoa học và công nghệ được coi trọng.

Trí thức của tỉnh đã tích cực tham gia vào các hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện xã hội, tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; đồng thời, thông qua các hoạt động như tọa đàm, hội thảo khoa học, cuộc thi, hội thi sáng tạo kỹ thuật… đã góp phần tập hợp, phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, trí thức khoa học và công nghệ tham gia góp ý, đề xuất những giải pháp, những sáng kiến góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của Nhân dân, giải quyết được các yêu cầu cụ thể, thiết thực do cuộc sống đặt ra.

Có thể bạn quan tâm

Trưởng thôn Siu An hết lòng vì việc chung của làng

Trưởng thôn Siu An hết lòng vì việc chung của làng

(GLO)- Nói và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn hết lòng vì việc chung của làng là một trong những yếu tố giúp ông Siu An được người dân làng Xóa (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tin tưởng bầu làm trưởng thôn, người tuy tín.

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.