Vua Lửa Siu Ăt và cuộc nổi dậy năm 1904

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đây là sự kiện được coi là tiêu biểu cho tinh thần chống Pháp của đồng bào Jrai trước khi có Đảng nên hầu hết các tài liệu lịch sử viết về Tây Nguyên đều nhắc đến. Tuy nhiên, diễn tiến của cuộc nổi dậy thì các tài liệu đều không thấy ghi chi tiết. Henri Maitre có lẽ là người duy nhất cho thấy trong “Les Jungles Moi” (Rừng người Thượng). Tuy chưa thật chi tiết nhưng qua sự ghi chép của ông, chúng ta cũng có thể hình dung được những nét cơ bản của cuộc nổi dậy và con đường dẫn tới cái chết của Odendhan.
Odendhan là viên quan cai trị nhiệt thành hết mực với chủ nghĩa thực dân. Trước đó, ông ta đã từng có chuyến khảo sát Tây Nguyên trong phái bộ của Pavie nhằm phục vụ cho việc thiết lập ách đô hộ của thực dân Pháp. Các địa danh như: Sê San, Đak Bla, Pô Cô đến Attapeu, Sê Kông (Lào) đều in dấu chân ông ta. Một lần thám sát ở thượng nguồn sông Pô Cô, Odendhad đã bị đồng bào tấn công, phải bỏ hành lý tháo chạy…
Lần này lại được trao nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ học, Odendhan đã xuất phát từ Phan Rang, qua Lang Biang, Đak Lak rồi nhờ voi của Hội truyền giáo đi tới Cheo Reo. Bấy giờ, Vua Lửa Siu Ăt với vai trò thần quyền của mình, dĩ nhiên Odendhan không thể bỏ qua.
Siu Ăt-vị Vua Lửa thứ 11 vốn đã có ác cảm với người Pháp. Sự việc bắt đầu từ người phụ việc của ông tên là Ma Ju, trong một lần đến Sông Cầu (Phú Yên) đã để voi phá hoại cây cối, bị dân địa phương bắt nhờ viên quan Pháp xử. Từng nghe nói về vai trò thần quyền trong đời sống tinh thần của người bản địa, viên quan này đã tha cho Ma Ju về sau khi được hứa là sẽ sắp xếp cho y được gặp Vua Lửa.
Đến ngày hẹn, mặc dù đã được đón tiếp đàng hoàng theo phong tục, viên quan này chỉ quan tâm đến thanh “kiếm thần” theo lời đồn là có quyền năng hô mưa gọi gió và nằng nặc đòi xem cho bằng được. Hành động thô bạo của y đã dẫn đến sự phản ứng dữ dội của Siu Ăt (Có tài liệu nói rằng viên quan này đã bị giết chết. Sau đó Vua Lửa Siu Ăt bị bắt đưa về Tuy Hòa. Để cứu mạng ông, 6 người đã ra đầu thú và bị Pháp giết-N.V).
Cũng như viên quan kia, Odendhan cũng bị huyễn hoặc bởi những huyền thoại của “kiếm thần” nên đã nằng nặc đòi Siu Ăt cho xem. Tuy nhiên, ông ta đã không biết rằng, yêu sách này là không bao giờ được phép, bởi nó đụng chạm đến niềm tin tâm linh thiêng liêng từ bao đời nay…
Henri Maitre viết: “Hoảng sợ vì vị khách cứ nằn nì đòi xem thanh kiếm thần và tức giận vì cách cư xử của một đội quân từ Phú Yên phái lên chỗ ông ta trước đây, vị Sadet (tức Vua Lửa-N.V) liền âm mưu giết người Pháp này. Ngày 7-4-1904 bị dụ vào một ổ mai phục, Odendhan bị giết cùng với người thông dịch An Nam ngay trong lều viên thủ lĩnh phù thủy”.
Với chi tiết này, ta có thể suy đoán rằng, việc giết Odendhan đã được Vua Lửa Siu Ăt “bày binh bố trận”, chuẩn bị từ trước chứ không phải do bức xúc nhất thời. Kịch bản có lẽ là Odendhan bị lừa dẫn đi xem “gươm thần” rồi bị dân làng mai phục sẵn trong một chòi lúa và giết chết.
Henri Maitre miêu tả: “Các xác chết bị đâm xuyên nhiều nhát giáo, được đem tới một chiếc lều trơ trọi và phóng lửa đốt cháy”. Cùng bị giết với Odendhan và người phiên dịch còn có 2 người Việt khác cùng đi. Các quản tượng cùng với một số người khác sống sót đã hốt hoảng bỏ chạy đến chỗ các giáo sĩ đang truyền giáo cầu cứu và báo tin.
Ông Rơ Lan Hieo-thế thân của Vua Lửa thứ 14-di dời gươm thần về nhà mới. Ảnh: Trần Đức
Ông Rơ Lan Hieo-thế thân của Vua Lửa thứ 14-di dời gươm thần về nhà mới. Ảnh: Trần Đức
Nhận được tin báo, viên công sứ Đak Lak là Bardin đã dẫn 34 lính và hơn 200 dân binh tiến gấp đến Plơi Ơi (bấy giờ tỉnh Đak Lak còn bao gồm cả phần lớn địa giới Gia Lai hiện nay). Lúc này, viên thanh tra đồn An Khê là Vincilioni được tin cũng dẫn 150 lính bảo an tới đàn áp. Tuy nhiên, đập vào mắt 2 viên quan Pháp chỉ là một ngôi làng bỏ không. Toàn bộ dân làng đã tản cư hết vào rừng.
Trong đống đổ nát của chiếc lều bị đốt cháy, Bardin đã cho thu nhặt xương cốt của Odendhan và giao cho Vincilioni; đồng thời, tổ chức cuộc bố ráp và trấn áp kéo dài tới 20 ngày. Không thấy Henri Maitre chép gì về sự phản kháng của Vua Lửa cũng như đồng bào dân tộc nhưng sự kiện này đã cho thấy, sự hoảng sợ của thực dân Pháp khi đầu tháng 10 năm ấy, chúng đã phải thiết lập một đồn binh ở đây với quân số hơn 100 người.
Với “Les Jungles Moi”-một công trình khảo sát toàn diện nhất về Tây Nguyên, Henri Maitre xứng đáng là một nhà dân tộc học lớn. Tuy nhiên, mặt trái của con người cũng như công trình của ông là đã góp phần đắc lực cho thực dân Pháp đặt ách thống trị lên vùng đất Tây Nguyên. Điều này đã dẫn Henri Maitre đến kết cục bi thảm không khác mấy Odendhan: Ngày 5-8-1914, ông đã bị N’Trang Lơng phục kích giết chết tại làng Bou Pou Sra (tỉnh Đak Nông).
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.