Vụ 'thổi giá' thiết bị y tế: Vì sao không đề nghị truy tố giám đốc Công ty Phương Đông?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc Công ty Phương Đông - đơn vị phân phối máy xét nghiệm COVID-19, bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam nhưng viện kiểm sát đã hủy bỏ quyết định và lệnh này.
 

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - nơi xảy ra vi phạm trong mua sắm hệ thống xét nghiệm - Ảnh: NAM TRẦN
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - nơi xảy ra vi phạm trong mua sắm hệ thống xét nghiệm - Ảnh: NAM TRẦN



Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ gian lận giá trị mua sắm hệ thống xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội, đề nghị truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội) và 9 bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Có lời khai chi 15% cho giám đốc CDC Hà Nội

Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Nhật Cảm cùng các bị can đã câu kết để "thổi giá" máy xét nghiệm cao gấp nhiều lần gây thiệt hại cho Nhà nước. Đáng chú ý, có bị can khai trước khi ký hợp đồng bán máy xét nghiệm cho CDC Hà Nội, họ đã bàn bạc và thống nhất chi 15% giá trị gói thầu cho ông Cảm.

Tháng 2-2020, bị can Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông (Công ty Phương Đông), chủ động liên hệ với ông Nguyễn Nhật Cảm để "chào giá" hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 với giá 7 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau đó một ngày, bị can Tuyền và Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty Vitech, lại gặp nhau để bàn bạc việc mua bán hệ thống máy xét nghiệm cho CDC Hà Nội. Nhất đề nghị Tuyền hỗ trợ bán máy này cho bên công ty của mình với giá tối đa 4 tỉ để bên Nhất sẽ bán cho CDC Hà Nội giá 7 tỉ.

Tuyền và Nhất bàn bạc nếu "thương vụ" thành công sẽ chi cho ông Nguyễn Nhật Cảm 10%, phần chênh còn lại thì hai bị can chia đôi.


 

 Bị can Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội - Ảnh: CA cung cấp
Bị can Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội - Ảnh: CA cung cấp



Ngày 6-2, bị can Nhất và Tuyền đến gặp ông Cảm tại phòng làm việc, qua đàm phán, ông Cảm đồng ý mua hệ thống Realtime PCR với giá 7 tỉ đồng.

Bị can Tuyền cũng đề xuất Công ty Phương Đông sẽ không tham gia đấu thầu mà giao cho Nhất tìm nhà thầu đủ năng lực để thực hiện gói thầu và được ông Cảm đồng ý.

Sau khi bàn bạc thì Tuyền đi ra ngoài, còn Nhất ở lại thống nhất với ông Cảm "thương vụ" hoàn tất sẽ chi cho ông Cảm 15% giá trị của hệ thống máy.

Sau đó, các bị can đã mua bán lòng vòng hệ thống máy Realtime PCR từ Công ty Phương Đông qua một số công ty khác, dùng nhiều chiêu trò "thổi giá" nâng khống hệ thống máy từ 2,3 tỉ bán cho CDC Hà Nội giá 7 tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra, ông Cảm nhận thức được hành vi của mình là sai, không đúng quy định theo Luật đấu thầu, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bị can Cảm không thừa nhận việc bị can Nhất trao đổi trích lại cho CDC Hà Nội 15% giá trị gói thầu. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh bị can Cảm có tư lợi.

Giám đốc Công ty Phương Đông có vô can?

Tại cơ quan điều tra, bị can Tuyền khai đã báo cáo giám đốc Công ty Phương Đông là Nguyễn Xuân Thành về kết quả buổi gặp với ông Nguyễn Nhật Cảm. Bị can Tuyền xin ông Thành hỗ trợ giảm giá và đồng ý bán máy cho bên của bị can Nhất với giá 3,7 tỉ.

Ông Thành khai có được Tuyền báo cáo việc gặp ông Nguyễn Nhật Cảm để giới thiệu hệ thống Realtime PCR tự động. Sau đó bộ phận kinh doanh của Tuyền có làm các thủ tục để ông Thành ký hợp đồng bán hệ thống máy này với giá 3,7 tỉ cho Công ty Hưng Long.

Tuy nhiên ông Thành không thừa nhận biết việc Tuyền báo giá 7 tỉ đồng cho CDC Hà Nội, không biết bị can Nguyễn Nhật Cảm đồng ý ấn định Công ty MST được chỉ định thầu trái quy định gây hậu quả thiệt hại tài sản nhà nước.

Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Xuân Thành đã sử dụng pháp nhân Công ty Phương Đông để nhập khẩu hệ thống Realtime PCR với giá 2,3 tỉ. Ông Thành đã thống nhất với Nguyễn Thanh Tuyền, giúp Nguyễn Ngọc Nhất câu kết, thông đồng với Nguyễn Nhật Cảm và hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu cho Công ty MST trái pháp luật.

"Ông Thành là người ký hợp đồng bán hệ thống máy với giá 3,7 tỉ cho Công ty Hưng Long, giúp Công ty MST nâng khống giá lên để bán cho CDC Hà Nội giá 7 tỉ trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, tạo dư luận xấu trong xã hội", kết luận điều tra nêu.

Hành vi của ông Nguyễn Xuân Thành phạm vào tội "vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Căn cứ kết quả điều tra, ngày 2-7, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Thành để điều tra.

Tuy nhiên đến ngày 10-9, trước khi C03 ra kết luận điều tra 2 ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với ông Thành.

Theo THÂN HOÀNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.