Vụ Tân Thuận IPC: Lộ 'nhóm lợi ích' thâu tóm tài sản nhà nước?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi những khuất tất tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) được cơ quan Thanh tra làm rõ và Chủ tịch UBND TPHCM kết luận, bóng dáng của một nhóm cán bộ “cùng hội, cùng thuyền” gắn bó mật thiết về lợi ích đã hiện rõ thông qua việc lũng đoạn ngân sách và tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho tư nhân thâu tóm các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra…
 
Trụ sở công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco)
Cùng hội, cùng thuyền…
Dấu hiệu rõ nhất là “đặc quyền” đi nước ngoài. Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, trong hai năm 2016-2017, nhiều cán bộ lãnh đạo của IPC đi nước ngoài vượt quá số ngày cho phép, có báo cáo nhưng không thể hiện kết quả thu được sau chuyến đi.
Trong dịp Tết dương lịch 2018, ông Tề Trí Dũng và cấp phó là ông Trần Đăng Linh đi Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp. UBND TPHCM cho phép đi từ ngày 2/1/2018 đến 12/1/2018 nhưng cả hai ông cùng đi từ ngày 29/12/2017 (trước 5 ngày) và về ngày 15/1/2018 (trễ 3 ngày). Kinh phí của chuyến đi bình quân là 246 triệu đồng/người.
Trước đó năm 2016, ông Tề Trí Dũng, ông Trần Đăng Linh và bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc công ty Sadeco, khi đó đang là trưởng phòng của IPC) được đi “công tác” tại Bỉ, Hà Lan, Mỹ trong 11 ngày. Kinh phí chi cho chuyến đi lấy từ nguồn ngân sách để chi trả là hơn 1 tỷ đồng. Ông Dũng, ông Linh và bà Phúc đã đi vượt quá năm ngày so với quyết định cho phép của UBND TPHCM.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Bảo Khánh, thời điểm ấy là Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước (người đại diện vốn của Công ty IPC) cũng được tham gia chuyến đi. Theo kết luận thanh tra, trong 2 năm 2016-2017, ông Tề Trí Dũng đi nước ngoài 106 ngày, ông Trần Đăng Linh (83 ngày)... Việc đi nước ngoài quá nhiều ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao và quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời điểm các ông Tề Trí Dũng, Trần Đăng Linh, Nguyễn Trường Bảo Khánh và bà Hồ Thị Thanh Phúc cùng được hưởng đặc quyền đi nước ngoài cũng là khoảng thời gian IPC và Sadeco xúc tiến chuẩn bị thực hiện các thương vụ chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp nhà nước IPC đang nắm giữ tại công ty Sadeco và Công ty Hiệp Phước lần lượt cho hai công ty tư nhân là Nguyễn Kim và Tuấn Lộc trên danh nghĩa là các cổ đông chiến lược dù Sadeco và Hiệp Phước đang ăn nên làm ra, đặc biệt Sadeco đang sở hữu hơn 700 ha đất ở các vị trí đắc địa tại Khu Nam Sài Gòn, huyện Cần Giờ và UBND TPHCM đã yêu cầu không giảm tỷ lệ vốn sở hữu của IPC tại Sadeco.    
Theo điều tra của Tiền Phong, vào cuối tháng 6/2017, tại đại hội cổ đông Sadeco, nhóm đại diện vốn nhà nước do IPC cử gồm 4 người thì có 3 gương mặt là các ông Tề Trí Dũng, Trần Đăng Linh, bà Hồ Thị Thanh Phúc đã biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, làm thiệt hại ít nhất cho IPC 153 tỷ đồng.
Có lợi ích nhóm?
Kết luận thanh tra chỉ ra việc kinh doanh bất động sản của IPC xảy ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể: Tại dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TPHCM). Năm 2016, ông Tề Trí Dũng đã tự ý ký 4 hợp đồng chuyển nhượng, ông Trần Đăng Linh ký 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 20.000 m2, đơn giá từ 7 triệu đồng/m2, mà không thông qua đấu giá.
Nguồn tin của Tiền Phong cho biết Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang mở rộng điều tra làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bà Hồ Thị Thanh Phúc  để duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng Hội đồng Quản trị (HĐQT) cho các thành viên HĐQT sử dụng trái quy định, tạo điều kiện cho một số thành viên HĐQT chiếm đoạt tiền của nhà nước.
Có nhiều chứng cứ cho thấy lợi dụng danh nghĩa là Tổng Giám đốc Sadeco, bà Phúc đã đề xuất để ông Tề Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Sadeco duyệt chi nhiều khoản tiền “khủng” cho mình và các thành viên HĐQT để chiếm đoạt số tiền lớn của nhà nước.
Điều đáng nói, ông Tề Trí Dũng giữ vai trò đại diện vốn của IPC tại 4 đơn vị thành viên của IPC. Ông Dũng được UBND TPHCM bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc IPC vào tháng 5/2015 theo Quyết định số 138/QĐ-UBND-TC do ông Tất Thành Cang, khi đó đang là Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký.
Liên quan đến các phi vụ chuyển nhượng cổ phần, đạo điều kiện cho tư nhân thâu tóm doanh nghiệp nhà nước đang ăn nên làm ra của IPC và Sadeco, vai trò của ông Tất Thành Cang khi đó giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nổi lên khá rõ. Từng là Phó Chủ tịch UBND TPHCM và Văn phòng Thành ủy TPHCM có cổ phần trong IPC, không thể nói ông Tất Thành Cang không biết khi duyệt phương án tái cơ cấu, Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu IPC không được giảm tỷ lệ vốn sở hữu để nhà nước giữ quyền chi phối tại Sadeco.
Tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco... IPC đã yêu cầu Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố trình UBND TPHCM phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%. Theo Thanh tra TPHCM, văn bản 495 chỉ truyền đạt ý kiến cá nhân của ông Tất Thành Cang, không phải của tập thể Thường trực Thành ủy.
Trước khi bị công ty Nguyễn Kim “thâu tóm”, nhóm cổ đông nhà nước sở hữu 62,8% vốn điều lệ của Sadeco, trong đó Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm giữ khoảng 2% vốn; công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy) nắm giữ khoảng 15% vốn.
Càng khó hiểu hơn khi Thanh tra TPHCM vừa vào cuộc, dù thu được khoản lợi khổng lồ, lần lượt các công ty Nguyễn Kim, Tuấn Lộc … đã trả lại số cổ phần đã mua cho IPC. Theo điều tra của Tiền Phong, vào năm 2015, nhờ mua được 5 triệu cổ phiếu Sadeco sau đó bán lại cho công ty Nguyễn Kim, công ty Exim đã thu được lợi nhuận lên tới hơn 150 tỷ đồng.
Sadeco sở hữu nhiều đất “vàng”
Theo điều tra của Tiền Phong, Sadeco đang thực hiện nhiều dự án tại nhiều khu vực đắc địa như Khu nhà ở Tân Phong (15,49 ha); Khu định cư Phước Kiển giai đoạn 2 (phân kỳ 1): 25,3ha; Khu dân cư Sadeco Phước Kiển: 17,39ha; Sadeco An Phú: 4,6ha; Khu Sadeco Plaza, phường Tân Phong (quận 7): 2,05ha; Khu định cư An Phú Tây: 46,73ha; Khu định cư Phước Kiển giai đoạn 1: 22,29ha; Khu nhà ở Sông Ông Lớn: 4,85ha; Khu định cư Tân Quy Đông: 17,98ha….
Ngày 14 và 15/5, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can và bắt giam Tổng Giám đốc IPC Tề Trí Dũng và Tổng Giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc để điều tra về tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Huy Thịnh (TP)

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã áp dụng giải pháp kết nối tự động xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Ảnh: S.C

Cục Thuế tỉnh Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tự động phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Để hoàn thành mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Cục Thuế tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đón dòng đầu tư mới

Đón dòng đầu tư mới

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này