Vụ ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đề nghị hủy cả 2 bản án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tòa án 2 cấp đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nhiều vi phạm khác.

 


Viện trưởng VKSND Tối cao vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hôn nhân gia đình ngày 5-12-2019 của TAND Cấp cao tại TP HCM đối với nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Theo đó, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm ngày 5-12-2019 của TAND Cấp cao tại TP HCM và bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm ngày 27-3-2019 của TAND TP HCM về phần hôn nhân và chia tài sản chung; giao toàn bộ hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Cũng theo quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tòa án 2 cấp đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, không có quyết định đình chỉ đối với các yêu cầu phản tố mà ông Vũ đã rút. Xử sơ thẩm, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá đều hết hiệu lực. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn có thống nhất kết quả thẩm định giá nhưng sau đó, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm đã không định giá lại theo quy định mà vẫn lấy kết quả định giá hết hiệu lực để chia tài sản các bên.


 

Ông Vũ trao đổi với các phóng viên sau phiên xử phúc thẩm (ảnh: PHẠM DŨNG)
Ông Vũ trao đổi với các phóng viên sau phiên xử phúc thẩm (ảnh: PHẠM DŨNG)



Ngoài ra, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không xác minh để đưa những người đang quản lý các bất động sản vào tham gia tố tụng (đưa thiếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng). Tòa án hai cấp không làm rõ nguồn gốc hình thành số tiền, quá trình quản lý, sử dụng và hiện tại còn bao nhiêu và ai là người quản lý số tiền mang tên ông Lê Hoàng Văn mà vẫn xác định số tài sản này là tài sản chung của vợ chồng và chia cho bà Thảo số tiền này là không đúng, làm thiệt hại đến quyền lợi bà Thảo.

Nhiều vi phạm khác

Về quan hệ hôn nhân, tại phiên tòa sơ thẩm, bà Thảo xin ly hôn, tòa tuyên công nhận thuận tình ly hôn. Tại phiên phúc thẩm, bà Thảo muốn được đoàn tụ, ông Vũ không đồng ý. Như vậy bà Thảo kháng cáo xin được đoàn tụ, do ông Vũ không đồng ý nên không còn là thuận tình ly hôn nhưng cấp phúc thẩm vẫn quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, công nhận thuận tình ly hôn là không đúng…

Bên cạnh đó, tòa án đã ký hợp đồng thẩm định giá với Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn, sau khi có kết quả thẩm định giá, tòa sơ thẩm không tiến hành định giá mà sử dụng kết quả thẩm định giá và giá các bất động sản do các bên thống nhất để giải quyết vụ án là không bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự. Tòa án 2 cấp không xem xét, đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh…

Trước đó, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận thuận tình ly hôn theo yêu cầu của bà Thảo, phân chia tài sản theo tỉ lệ ông Vũ nhận 60% khối tài sản, bà Thảo nhận 40%. Sau đó, bà Thảo kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, ông Vũ kháng cáo một số nội dung liên quan đến việc chia tài sản.

Xét xử phúc thẩm, Tòa tuyên "không chấp nhận kháng cáo" của bà Thảo và ông Vũ; chấp nhận một phần kháng nghị; ghi nhận sự thỏa thuận, tự nguyện ly hôn, cấp dưỡng và tài sản là bất động sản giữa các bên. Giao cho ông Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần của ông Vũ và bà Thảo trong các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại bằng tiền cho bà Thảo.

Liên quan đến tiền mặt và vàng gửi ở các ngân hàng, tòa sơ thẩm nhận định trong trường hợp không có căn cứ chứng minh đang có tranh chấp là tài sản riêng nên coi là chung và tính đến công sức đóng góp của các bên. Tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.

 

Theo Huỳnh Văn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.