Vụ "chuyến bay giải cứu": Cặp đôi đưa hàng triệu USD hối lộ để "chạy án"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky, bị cáo buộc đã đưa hối lộ hơn 100 tỉ đồng, trong đó có số tiền 2.650.000 USD đưa cho cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội để "chạy án".

Như Báo Người Lao Động đã thông tin Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa đề nghị truy tố 54 bị can liên quan đến vụ án " giải cứu". Trong số này, có bị can Lê Hồng Sơn Tổng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ & Du lịch Bầu trời xanh (Blue Sky), và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky, bị đề nghị về hành vi "Đưa hối lộ".

Bị can Lê Hồng Sơn. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Lê Hồng Sơn. Ảnh: Bộ Công an

Theo kết luận điều tra, khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế và Giao thông Vận tải có nhiệm vụ tổ chức "chuyến bay giải cứu"; các tỉnh, thành tổ chức cách ly công dân khi về nước. Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, các tổ chức nêu trên đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Theo Bộ Công an việc tổ chức chuyến bay giải cứu là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin - cho. Từ đó, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để phục vụ việc "bôi trơn", đưa hối lộ.

Theo kết luận, để được thuận lợi thực hiện các chuyến bay đưa người từ nước ngoài về Việt Nam, cả hai bị can Sơn và Hằng đã trực tiếp hoặc thông qua mối quan hệ đặt vấn đề, đưa hối lộ cho các cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn để được phê duyệt, hỗ trợ tổ chức chuyến bay; phê duyệt chủ trương cách li y tế, cấp phép vượt số lượng khách.

Do cùng góp vốn để kinh doanh, điều hành hoạt động của Công ty Bluesky nên Sơn và Hằng đã cùng bàn bạc, thống nhất mức tiền chi, cùng kết nối, đưa tiền cho các cán bộ có thẩm quyền. Theo đó, trong quá trình xin 109 chuyến bay, xin chủ trương cách li y tế, Sơn và Hằng đã chi phí tổng cộng hơn 38,5 tỉ đồng. Trong đó, 2 bị can này đã đưa cho bị can Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao 5,9 tỉ; Đỗ Hoàng Tùng, cựu phó cục trưởng Cục Lãnh sự 2,6 tỉ đồng; đưa cho Phạm Trung Kiên, cựu thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế, 6 tỉ đồng; Trần Văn Tân, cựu phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, 5 tỉ đồng; Nguyễn Thanh Hải, cựu vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ, 5 tỉ đồng; Nguyễn Tiến Thân chuyên viên Vụ này, 3,2 tỉ đồng…

Ngoài ra, khi cơ quan điều tra vào cuộc, bị can Sơn và Hằng đã bàn bạc để "chạy tội". Hằng là người đại diện liên hệ, gặp và đưa cho bị can Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội, 2,8 triệu USD để "lo" cho cả 2 không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT cho rằng chỉ đủ cơ sở kết luận bị can Tuấn đã nhận 2.650.000 USD (tương đương 61,6 tỉ đồng) từ Hằng.

Sau đó, bị can Tuấn khai đã đưa cho Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng Điều tra (Cục ANĐT, Bộ Công an), 2.250.000 USD để "lo" cho Hằng và Sơn; 400.000 USD còn lại dùng việc cá nhân.

Tuy nhiên, Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định chỉ đủ căn cứ kết luận Hoàng Văn Hưng đã nhận 800.000 USD từ Nguyễn Anh Tuấn. Bị can Hưng bị cáo buộc đưa ra những thông tin không đúng sự thật về vai trò của bản thân trong việc xử lý vụ án chuyến bay giải cứu. Thời điểm nhận tiền, bị can Hưng đã bị điều chuyển công tác, không còn liên quan đến quá trình điều tra vụ án này. Do đó, hành vi của bị can Hưng được xác định phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo kết luận điều tra, bị can Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng phạm tội "Đưa hối lộ", với số tiền hơn 100 tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, 2 bị can đã nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án...

Theo Cơ quan ANĐT, tại cơ quan điều tra, bị can Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng còn chủ động khai báo việc đưa tiền cho một số cá nhân khác. Cơ quan An ninh điều tra đã tách để điều tra và xử lí ở giai đoạn sau của vụ án.

Có thể bạn quan tâm

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Liên quan đến vụ Tổng biên tập Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam cùng đồng phạm bị bắt, ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018 đến 2024, Tạp chí này đã ký kết gần 3.200 hợp đồng tài trợ và quảng cáo với các tổ chức, doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong đó, có việc các đối tượng giả mạo chương trình của đài truyền hình lớn để lừa đảo tặng quà nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.