Võ Thị Thúy Cải-"Chim sơn ca" ngày ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những ký ức về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vẫn âm thầm cháy mãi trong những trang nhật ký, hồi ký của những người đã từng đi qua những ngày lửa đạn. Đọc cuốn hồi ký “Những ngày tháng khó quên” của bà Võ Thị Thúy Cải-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai, tôi thật sự ngưỡng mộ người con gái mới 14 tuổi đã kiên dũng rời xa gia đình làm cách mạng.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà đã nắm lấy tay tôi, khó khăn lắm mới nói rõ từng tiếng: “Cháu giữ cuốn hồi ký này, cô viết về những năm tháng khó quên nhất của đời cô, nhờ những năm tháng ấy cô mới có thể chống chọi với bệnh tật để sống đến ngày hôm nay...”. Nhận cuốn hồi ký từ bà mà lòng tôi nghẹn ngào xúc động.

 

Bà Võ Thị Thúy Cải (thứ 2 từ phải sang) chụp hình lưu niệm cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (ảnh tư liệu).
Bà Võ Thị Thúy Cải (thứ 2 từ phải sang) chụp hình lưu niệm cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (ảnh tư liệu).

Những năm tháng khó quên

Bà Võ Thị Thúy Cải quê ở Bình Hiệp-Bình Sơn-Quảng Ngãi, sinh năm 1949, mất năm 2013, đã được trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. 14 tuổi bà đã thoát ly gia đình theo cách mạng, trở thành một giao liên rất cừ.

Cuốn hồi ký được bà viết ngay sau ngày giải phóng. Sau hơn 40 năm, những trang giấy giờ đã ngả màu, nhưng qua từng trang viết, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tình đồng chí, tình quân dân và cả tình yêu đôi lứa cũng được lột tả chân thực.  

“Tháng 7 năm 1967 tình hình địch đánh ác liệt vùng Ia Găng, Ia Hrung, đơn vị chuyển sang B14 (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai-N.V) được 5 ngày thì lương thực hết, tôi và đồng chí Thu, Mah đi sang B9 (nay là xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) lấy gạo. Trên đường đi đến khu vực Ia Dơk tôi nghe văng vẳng có tiếng rên, tôi đứng lại lắng tai nghe và gọi anh chị em cùng đứng lại, chúng tôi quyết định đi về phía có tiếng rên. Đến nơi, chúng tôi vừa hốt hoảng vừa xúc động, trước mặt chúng tôi là một người nằm trên chiếc võng bằng vải chéo, máu dính khô bó vào người, những con muỗi rừng to bám quanh người. Người thanh niên chừng 20 tuổi... Chắc là bộ đội ta chứ không phải biệt kích đâu. Tôi nói: “Cứ cứu người đã”.

Chúng tôi khiêng anh về đơn vị, đơn vị giao cho tôi chăm sóc anh. Tôi đun hai nồi nước quân dụng pha ấm mới gỡ hết được những vết máu khô bám chặt vào người anh. Tôi rất xấu hổ, vì lúc ấy tôi đã 17 tuổi mà phải chăm sóc cho người thanh niên, nhất là những lúc tắm rửa… Nhưng vì tình đồng chí tôi gạt đi.

Sau một tuần thì anh hồi phục. Anh kể lại rằng: “Đơn vị anh là đơn vị bộ binh đánh cắt Đức Cơ đi Thanh Bình, bị địch phản kích anh chạy và lạc đơn vị, đến khu rừng rậm thì lên cơn sốt. Anh không còn sức lực nằm chờ chết, may mà gặp chúng tôi”.

Những trang hồi ký của bà cũng kể lại từng lằn ranh sinh tử nơi chiến tuyến, ở đó cháy lên ý chí chiến đấu và tình đồng đội lại tỏa sáng, ấm áp vô bờ: “Ngày 5 tháng Giêng năm 1973, đoàn chúng tôi mới ra khỏi ấp chiến lược trong thời gian một tuần nằm hầm bí mật thiếu nước, thiếu cơm... Anh Minh, anh Thành đều lo cho tôi. Đầu tóc dài cả tuần không gội, chấy đầy đầu. Tôi bị cảm bụng đói, người rụng rời, cố đến nơi tập kết thì anh Minh xuống suối nấu cháo cho tôi. Lúc ấy có mình tôi ở trại. Bọn thám báo phát hiện ra chúng tôi, tôi đang nằm nhìn thấy toàn lính biệt kích kéo đến. Thằng đi trước đưa súng M79 lên hô: Đ.M. Cộng sản bây ơi! Thế là tôi nhảy xuống võng chụp được khẩu súng chạy ra và hô anh Minh cùng chạy. Chúng bắn vào nhà, nhà bị cháy, băng đạn AK, lựu đạn để trong nhà nổ tung khiến bọn địch tưởng quân ta phản kích nên cùng nằm xuống cả, nhờ lợi thế đó mà chúng tôi thoát được. Nhưng anh Minh bị thương 7 vết đạn, vừa bị mảnh M79 găm. Tôi chạy một đường, anh Minh chạy đường, tôi vọt qua 3 hàng rào cao và 2 cái rẫy trống, địch đuổi phía sau, tôi đành nhảy xuống sông lặn bơi vào bụi rậm ngâm mình dưới nước cả 2 tiếng đồng hồ, chúng đi qua đi lại trên bờ rất lâu, chỉ cần tôi cựa quậy chắc chúng đã bắn chết…

Đợi an toàn tôi mới quay lại tìm anh Minh, anh bị thương nặng quá đã ngất đi tại bìa rừng. Tôi xé áo băng vết thương cho anh, rồi chạy đi tìm du kích cứu anh…”.

Đọc từng dòng hồi ký của bà, tôi không khỏi bồi hồi. Bà còn kể nhiều lắm, về những cơn sốt rét hoành hành khiến bà chết đi sống lại nhiều lần; về mái tóc dài mượt óng rụng sạch, mỗi lần vuốt ra từng nắm tóc mà mắt rưng rưng; về những lần nghe tiếng máy bay Mỹ oanh tạc, tiếng đạn bom gầm xé mà tim nhói đau, tự hỏi bộ đội ta hy sinh có nhiều không?

 

Những dòng hồi ký. Ảnh: P.L
Những dòng hồi ký. Ảnh: P.L

“Chim sơn ca dẫn đường thành công”

Năm 1973, rời chiến trường B5 (nay là xã Ia Sao, huyện Ia Grai), bà Cải được tổ chức điều động lên B13 (nay là xã Ia Krai, huyện Ia Grai)-lúc bấy giờ được gọi là Lệ Ninh, một căn cứ quân sự của Mỹ. Khi đó Mỹ đang đánh đồi Chư Nghé rất ác liệt. Bà Cải cùng với bà Rơ Châm Phial (vợ của ông Kroong-Chủ tịch huyện 4 những năm 1970), hàng ngày ngụy trang đi hái rau rừng, gùi cơm, đưa thông tin đến cho bộ đội, đêm xuống cả 2 cùng dẫn đường cho bộ đội vận chuyển lương thực đến bến đò làng Tung, làng Nú để anh lái đò A Sanh chở qua sông trước khi trời sáng.

Ngày ấy nữ giao liên Võ Thị Thúy Cải có biệt danh là “Chim sơn ca” vì những lúc rảnh rỗi cô thường ca hát, múa và đọc thơ cho bộ đội nghe, tiếp thêm tinh thần để các anh thêm vững tay súng. Một hôm cô được thủ trưởng giao nhiệm vụ: “Tôi giao cho đồng chí Sơn Ca một nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề, có thể hy sinh, đồng chí có dám nhận không? Tôi vừa cười vừa nói: Thưa Thủ trưởng làm cách mạng để giải phóng dân tộc, nếu sợ hy sinh thì ở nhà, chứ đi làm cách mạng làm gì. Đồng chí vỗ vai tôi nói như reo: “Khá lắm, khá lắm, thế mới đúng là chim Sơn Ca! Đây là lệnh của cấp trên: Đơn vị D9 mới từ Bắc vào không thông thạo địa bàn, lúc này địch bao vây chốt chặn, nếu để cho du kích dẫn đường thì rất dễ bị lộ. Việc này chỉ có đồng chí mới đảm nhận được, đồng chí đoàn viên thanh niên lao động dẫn đường cho bộ đội vượt vòng vây địch về tuyến sau”.

Với sự tin tưởng giao nhiệm vụ của cấp trên, người con gái gầy guộc mảnh mai ấy đã sẵn sàng băng qua đêm tối, xuyên rừng, dẫn lối cho đơn vị D9 rút về hậu cứ thành công. Sau lần ấy Thúy Cải được đơn vị tuyên dương và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ngày kết nạp Đảng, cô khóc. Các anh bộ đội động viên: “Bao phấn đấu mới có được ngày hôm nay, sao lại khóc?”. Ấy là bởi niềm hạnh phúc lớn lao. Cô muốn khoe với cha mẹ và cả người yêu nữa. Cô đã yêu anh-người chiến sĩ bị thương sau một trận đánh mà đơn vị đã giao cho cô chăm sóc. Lúc chia tay cô để tiếp tục lên đường chiến đấu, anh nói: “Em cố đợi anh, sau ngày giải phóng anh sẽ tìm em”. Cô nuốt nước mắt vào trong tận cùng nỗi nhớ. “Có nỗi nhớ lớn hơn nỗi nhớ, có tình yêu lớn hơn cả tình yêu”. Cô yêu anh... Tình yêu ấy là động lực tiếp thêm sức mạnh để cô vượt qua bao khó khăn gian khổ, bất chấp hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mặc cho mưa bom, bão đạn, đói cơm, lạt muối, tâm hồn người con gái ấy vẫn lãng mạn, yêu đời, vẫn chờ đợi niềm tin tất thắng. Cô đã làm thơ thương tặng chính mình: “Ta thương lắm ơi người con gái/ Má hây hây đang độ nắng xuân về/Mái tóc dài lả lướt giữa đồng quê/Gác trọn tình quê em đi làm cách mạng… Bụng đói cơm, nhạt muối là thường/Đem má hồng pha trọn với nắng sương…” .

Phần để lại

Bà Võ Thị Thúy Cải tự nhận mình là người phụ nữ may mắn khi đi qua chiến tranh mà vẫn tránh được hòn tên, mũi đạn và trở về lành lặn. Hòa bình lập lại, bà tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương. Nhiều năm liền bà là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai. Ngày ấy, đã có rất nhiều bài báo viết về bà, về một người phụ nữ làm dân vận khéo, là “bóng cả” của dân làng. Vì bà nói sõi tiếng Jrai, nói có tình có lý nên bao sự việc khó khăn cần truyên truyền vận động chỉ cần có “mế Cải” là mọi chuyện êm ngay. Một thuận lợi nữa là nhiều người trong làng từng là đồng đội cũ của bà, hay là những nhà dân cô từng đến xin rau, xin gạo cho bộ đội.

Đại tá Trần Trung Dũng-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chia sẻ: “8 năm (1996-2004) tôi công tác tại Đồn 717 (xã Ia O, huyện Ia Grai) cũng là lúc chị Cải đang là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, phải nói rằng đó cũng là ngần ấy thời gian chị gắn bó với Bộ đội Biên phòng và nhân dân vùng biên. Nhờ có chị tuyên truyền vận động mà đối tượng vượt biên giảm hẳn. Chị còn xông xáo với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với chị. Ngày ấy chị bắt tôi đưa chị và A Sanh (tức Puih San) đi dọc dòng sông Pô Cô để xác định bến đò mà ông hàng đêm chở bộ đội và lương thực, đạn dược qua sông, vì lúc trước khu vực này là rừng rậm trong chiến tranh nên khó xác định. Chị nói: “Puih San xứng đáng được phong tặng Anh hùng, vì chị chứng kiến những việc Puih San làm cho cách mạng”. Rồi chị trực tiếp làm hồ sơ xác minh, làm nhân chứng lịch sử để Puih San được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Huyện Ia Grai vinh dự có 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Với cả 2 người, bà Cải đều có thời gian gắn bó cùng là đồng chí, đồng đội. Còn bà Rơ Châm Phial, xã Ia Krai, giờ vẫn còn nghẹn ngào khi kể lại những ngày tháng cùng bà Cải gùi cơm, dẫn đường cho bộ đội: “Cải nó về với A tâu rồi, mình nhớ nó lắm. Nhớ những lúc nó cùng mình đi hái rau, bẻ măng, gùi gạo cho bộ đội, nhớ đêm tối 2 đứa chúng tôi nấu cơm vì sợ nấu ban ngày khói thì bị thằng Mỹ phát hiện. Hay lúc dò đường đưa bộ đội đến bến sông chỗ A Sanh đợi sẵn… Sau này, Cải làm cán bộ tốt lắm, dân làng ai cũng ưng cái bụng”.

Căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi mạng sống của bà ở cái tuổi 64. Sinh thời, bà thường hay tâm sự với tôi, so với đồng đội bà thật sự hạnh phúc, bà đã chờ được đến ngày đoàn viên và đã có một gia đình trọn vẹn, các con đều đã trưởng thành. Bà thương đồng đội vì họ đã mãi mãi dừng lại ở tuổi mười tám đôi mươi. Có những người trở về thì bị mất đi một phần cơ thể, sinh ra những đứa con bị nhiễm chất độc da cam... Chiến tranh mà!

Thật đúng là “sống thì ai cũng như ai nhưng hơn nhau phần để lại”. Điều mà bà Võ Thị Thúy Cải đã để lại là rất nhiều việc làm tốt đẹp, rất nhiều niềm thương quý, và hơn cả là cuốn hồi ký chân thực và sinh động về cuộc chiến giải phóng dân tộc. Tôi thầm ước, giá mà mình có thể làm gì đó để cuốn hồi ký đến được tay thế hệ trẻ hôm nay...

Phương Loan

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.