Dự án Nhà máy DAP số 2 - Ảnh: Internet
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng những đề xuất của Vinachem về việc ưu đãi giá cho dự án nghìn tỉ thua lỗ DAP số 2 - Vinachem là đi ngược với quy luật của thị trường. Đó mới chỉ là những giải pháp mang tính giải quyết tình thế chứ chưa đi vào bản chất vấn đề.
Đề xuất ưu đãi chưa đi vào bản chất
Báo cáo về tình hình quản lý đầu tư dự án Nhà máy DAP số 2 sản xuất, kinh doanh và tiến độ xử lý các tồn tại của công ty tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem cho biết từ khi dự án đi vào vận hành thương mại đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn gặp khó khăn (giá bán giảm mạnh, có những thời điểm thấp hơn chi phí biến đổi, nhập khẩu DAP thường xuyên trên 900.000 tấn, đáp ứng hơn 80% nhu cầu sử dụng trong nước, nguồn cung vượt cầu và thời tiết, giá nông sản diễn biến thất thường…), có thời điểm dừng sản xuất để giảm tồn kho.
Nguyên nhân lỗ còn xuất phát từ những yếu tố như: chi phí nguyên-nhiên-vật liệu đầu vào tăng hơn 25% so với tính toán; sản xuất thấp tải, quặng apatit có hàm lượng chất rắn tăng và công tác sửa chữa thiết bị chưa triệt để do tài chính khó khăn... nhiều thời điểm thiết bị vận hành chưa ổn định làm tăng định mức tiêu hao và chi phí chung. Cùng với đó, theo lãnh đạo Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem, thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng những đề xuất của lãnh đạo Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem mới chỉ là những giải pháp mang tính giải quyết tình thế chứ chưa đi vào bản chất vấn đề. Chủ tịch cũng chỉ ra những thiếu sót của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem mang tính thời điểm khi tính toán sai nhu cầu của thị trường, giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào.
“Những đề xuất về ưu đãi giá là đi ngược với quy luật của thị trường. Trong tương lai, những hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp khác thuộc Ủy ban cũng cần tính toán tới yếu tố kể trên”, ông Anh cho biết.
Kinh doanh bết bát rồi xin được ưu đãi
Mới đây, Vinachem đã có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, doanh thu toàn Tập đoàn trong nửa đầu năm ước đạt 23.377 tỉ đồng, bằng 46,9% kế hoạch năm, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn chỉ vỏn vẹn 40 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý là 4 dự án của Vinachem ước tính lỗ tới 636 tỉ đồng trong nửa đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (DAP-Vinachem đạt lợi nhuận 23 tỉ đồng, giảm lãi 84%; DAP số 2-Vinachem lỗ 114 tỉ đồng, tăng lỗ 14%; Đạm Hà Bắc lỗ 260 tỉ đồng, tăng lỗ 53%; Đạm Ninh Bình lỗ 286 tỉ đồng, giảm lỗ 44%). Các đơn vị còn lại lãi 674 tỉ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2018.
Lý giải cho kết quả sản xuất, kinh doanh bết bát trong nửa đầu năm nay, Vinachem cho biết thời gian qua, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, Trung Quốc giảm giá Nhân dân tệ xuống mức kỷ lục đã thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, cạnh tranh mạnh với các sản phẩm của các đơn vị thuộc Tập đoàn tại cả thị trường trong nước và quốc tế như sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, các sản phẩm phân bón như DAP, NPK...
Trước những khó khăn chồng chất tại các dự án, Vinachem đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp đối với khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai.
Cụ thể là kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.
Ngoài ra, điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm từ 2019 đến 2023 ở mức 3%/năm. Từ năm 2024 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước (tại thời điểm hiện nay là 8,55%/năm) và nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.
Với khoản vay các ngân hàng thương mại, Vinachem đề nghị các ngân hàng VietinBank, BIDV, Vietcombank cho phép các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục xem xét, giải quyết cho các đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi nhất, lãi suất thấp nhất.
Bên cạnh đó, kéo dài thời hạn vay các hợp đồng tín dụng đầu tư thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vay của các ngân hàng tài trợ vốn vay; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.
Vinachem cũng mong muốn các ngân hàng tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh... Ngoài ra, Vinachem đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục báo cáo Chính phủ đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0 - 5%.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, nhà máy ngành công thương, trước những kiến nghị về lãi vay, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thái Sơn nói thẳng: Mức lãi suất mà ngân hàng thương mại cho vay các dự án yếu kém đã là “ưu đãi lớn nhất” so với các dự án, doanh nghiệp khác.
Dự án Nhà máy DAP số 2 có tổng mức đầu tư lên tới gần 5.200 tỉ đồng, tăng khá lớn so với mức phê duyệt ban đầu (hơn 4.400 tỉ đồng). Đáng chú ý, từ tháng 7.2015, khi nhà máy đi vào sản xuất thương mại đến thời điểm ngày 30.6.2016, sản lượng sản xuất không đạt mục tiêu. Cụ thể, từ 1.7.2015 - 31.12.2015, công suất trung bình chạy máy chỉ đạt 65,2%, sản lượng 107.571 tấn DAP; từ 1.1.2016 - 30.6.2016, công suất trung bình chạy máy giảm xuống còn 43,5%, sản lượng 71.758 tấn DAP. Năm 2015, công ty lỗ hơn 100 tỉ đồng, năm 2016 là trên 800 tỉ đồng. |
Tuyết Nhung (Motthegioi.vn)