'Vịn' vào sách, đứng dậy!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng oán trách số phận, tuyệt vọng đến mức muốn tan biến, chỉ khi hòa mình vào thế giới của những trang sách, Trần Thúy Nga (SN 1985, trú xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) quyết định không gục ngã. Chị đã “vịn” vào sách mà đứng dậy!

Phép màu từ những trang sách

13 tuổi, cô bé Trần Thúy Nga nhận cú sốc khi phát hiện bị căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Nhà khó khăn nhưng gia đình vẫn cố gắng đưa Nga đi khắp nơi điều trị. Bệnh mãi vẫn không thuyên giảm, anh trai lại đưa Nga vào Sài Gòn. Chuyến đi kéo dài hơn nửa năm. Tại đây, các bác sĩ bảo bệnh của cô đã bị “lờn thuốc Tây”, không thể chữa trị dứt điểm mà phải sống chung với sự tàn phá khủng khiếp lên từng khớp xương khắp cơ thể. Ngày định mệnh ấy cũng đến, toàn thân Nga tê liệt, không còn khả năng bước đi bằng đôi chân của mình, chiếc xe lăn trở thành người bạn đồng hành cho đến tận bây giờ.

“Mắt tôi lúc nào cũng sưng húp vì khóc. Những giọt nước như ở sẵn mi mắt cứ tự rơi. Tôi cứ muốn mình tan biến như chưa từng xuất hiện trên cõi đời này. Tôi mong tất cả chỉ là một giấc mơ, nhưng khi tỉnh dậy, sự thật vẫn là sự thật. Ngày ấy, tôi càng uống thuốc, da càng căng ra và bị nứt rạn. Tôi được bệnh viện trả về…”, Nga nhớ lại.

Chị Nga và các bạn đọc thân thiết tại thư viện miễn phí của mình.

Chị Nga và các bạn đọc thân thiết tại thư viện miễn phí của mình.

Tuyệt vọng trong cơn đau dày vò ngày đêm, Nga đã từng nghĩ đến việc đầu hàng trong cuộc chiến với số phận. Nhưng rồi, trong chuỗi ngày tháng đau đớn, tuyệt vọng đó, sách đã giúp chị xua tan những suy nghĩ u ám. Đọc sách, Nga biết thêm nhiều cuộc đời, nhiều câu chuyện. Cũng nhờ sách, Nga có những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong đời. Và cuộc gặp khiến Nga thức tỉnh khỏi những tháng ngày chìm trong tuyệt vọng là cuốn tự truyện “Không gục ngã” của tác giả Nguyễn Bích Lan. “Đọc hết cuốn tự truyện, tôi hiểu thế nào là sứ mệnh cuộc đời. Tôi bắt gặp hình ảnh chính mình, dò dẫm bước qua căn hầm tối đen để đi tìm hạnh phúc, niềm vui qua công việc yêu thích. Cuốn tự truyện đã gieo những hạt mầm tích cực và động lực mạnh mẽ đến tôi”, Nga trải lòng.

Hòa mình vào thế giới của những cuốn sách, cô gái khuyết tật càng hiểu sâu sắc hơn về tình yêu thương. Có thể, Nga không đi được, không làm được các việc tay chân nhưng chị vẫn có thể tạo ra nhiều giá trị tích cực cho bản thân và lan tỏa đến nhiều người. Năm 2004, từ số sách truyện của chị gái đang làm việc trong miền Nam gửi về, Nga mở tủ sách ngay trong căn phòng nhỏ, bắt đầu cho thuê chỉ 200 đồng/cuốn. Nga cần mẫn gom những đồng tiền lẻ đó lại, rồi tiền bán hàng vặt, tiết kiệm để mua thêm sách mới. Khi số lượng đầu sách lớn dần, chị nghĩ đến việc phải làm sao để nhiều người muốn đọc sách. Không phải để mọi người thuê sách, mà là mượn đọc miễn phí. Năm 2013, chị quyết định biến tủ sách của mình thành một thư viện cộng đồng hoàn toàn miễn phí, tạo ra một địa chỉ lan tỏa tình yêu sách và kết nối thói quen đọc sách đến nhiều người. Đến nay, thư viện đã có hơn 8.000 bản sách. Hằng năm, số sách được mượn thường xuyên là gần 1.000 cuốn.

Hạnh phúc là được sẻ chia

Năm 2019, sau hơn 20 năm quen với cuộc sống trên chiếc xe lăn, lần đầu tiên Nga “phơi bày” cuộc đời của mình lên trang giấy khi viết bài dự thi “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”. Lúc bấy giờ, các khớp xương của Nga tổn thương, không tự mình sinh hoạt cá nhân, bàn tay cũng co rút, biến dạng. Cô gái khuyết tật vẫn nắn nót viết gần chục trang giấy. Bài viết gửi đi và được trao giải Ba. Bất ngờ hơn mong đợi, Nga nhận được sự sẻ chia, đồng cảm, khâm phục của nhiều người. Từ người cần được “chữa lành”, Nga trở thành người đi “chữa lành” cho những phận đời khác.

“Tôi cân nhắc rất nhiều, kể cả lúc đã bắt đầu viết. Tôi sợ mọi người sẽ thương hại mình, khi biết tôi tàn tật, hoàn cảnh éo le. Nhưng tôi quyết định không im lặng nữa, mà chọn cách chia sẻ, cũng là để tự vượt qua chính nỗi ám ảnh đeo đuổi bản thân những năm tháng qua”, Nga tâm sự.

Trần Thúy Nga cùng cuốn sách yêu thích.

Trần Thúy Nga cùng cuốn sách yêu thích.

Thư viện sách miễn phí của chị Nga thu hút nhiều bạn trẻ.

Thư viện sách miễn phí của chị Nga thu hút nhiều bạn trẻ.

Hàng nghìn cuốn sách, gồm các loại sách kỹ năng sống, kỹ năng học tập và phát triển bản thân, các tác phẩm văn học kinh điển, sách hạt giống tâm hồn, thiếu nhi... là tài sản chăm chỉ tích góp bao năm qua của Nga. Đều đặn hàng tuần, hàng tháng, Nga đều bỏ tiền túi để mua thêm sách, làm phong phú thêm tủ sách miễn phí của mình. Người đến thư viện miễn phí ngày một đông hơn, Nga cũng bận và mệt hơn, nhưng trong lòng cô gái luôn tràn ngập niềm vui và mong muốn cải thiện hơn nữa tủ sách. Chị chưa bao giờ cho phép mình bỏ cuộc, luôn cố gắng sống tích cực và biết ơn từng giây phút “được sống”, được miệt mài cho và nhận thêm nhiều yêu thương. “Tôi nhận ra điều mình yêu thích nhất, chính là lúc thuyết phục được một người sợ sách chịu ngồi đọc sách. Để rồi, khi đọc xong, họ lại nhờ tôi tìm giúp những cuốn sách khác. Hay lúc một bạn trẻ bộc bạch rằng, nhờ đọc sách ở thư viện của tôi mà có nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống”, Nga cho hay.

“Ban đầu, khi mở thư viện sách miễn phí, tôi chỉ mong muốn xoa dịu nỗi đau và khỏa lấp thời gian của mình. Nhưng càng gắn bó, tôi thấy cuộc sống của mình tích cực, ý nghĩa và đáng sống hơn. Nhờ sách, trái tim tôi rộng mở, bao dung hơn. Sách cũng đã giúp tôi nhận ra sứ mệnh của mình, đó là “Gieo duyên đọc sách – lan tỏa yêu thương”. Như câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi...”. Chúng ta cùng làm những việc nhỏ tử tế, trao đi yêu thương, rồi vòng tròn tử tế cứ vậy lan tỏa ra mãi”. Chị Trần Thúy Nga

Hành trình lan tỏa văn hóa đọc, chưa lúc nào chị cảm thấy “hụt hơi” và có ý định bỏ cuộc. Đã có nhiều bạn cùng cảnh ngộ nhờ chị tư vấn để mở thư viện cộng đồng, chị đều nhiệt tình hướng dẫn và gửi tặng sách để giúp thư viện bạn có những đầu sách khai trương. Tay đau, khớp cứng, nhưng mỗi ngày trên chiếc xe lăn, Nga vẫn cặm cụi làm việc, không còn thời gian để buồn nữa. Với những nỗ lực trong duy trì hoạt động thư viện cộng đồng, năm 2021, Trần Thúy Nga được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào Thanh niên tình nguyện; là 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước và là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An được trao giải thưởng “Tỏa sáng nghị lực Việt”. Trong các năm 2022, 2023, chị được mời tham gia làm Ban giám khảo cuộc thi chia sẻ câu chuyện “Tôi làm việc tốt” do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tổ chức. Năm 2023, chị làm Đại sứ truyền thông cho cuộc thi ảnh về người khuyết tật với chủ đề “Lăng kính yêu thương”. Năm 2024, chị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.