Việt Nam nỗ lực hạn chế tình trạng kháng thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc của Chính phủ là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của VN nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.

Trên toàn cầu và ở VN, một số loại kháng sinh ra đời đã cứu sống hàng triệu người, tuy nhiên hiện đã mất đi khả năng chữa bệnh.

Cộng đồng cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh

Cộng đồng cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh

WHO cho rằng VN cần hành động, phối hợp mạnh mẽ hơn từ cá nhân và tất cả lĩnh vực của xã hội - kinh tế, bao gồm sức khỏe con người, sức khỏe động vật, thực vật và môi trường để hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc. Các hành động để ngăn chặn kháng thuốc bao gồm: cải thiện việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho con người, động vật; tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật trong gia đình, cơ sở y tế, trang trại và cơ sở công nghiệp thực phẩm; cải thiện việc tiếp cận vắc xin, chẩn đoán và kê đơn thuốc; giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo quản lý chất thải và vệ sinh đúng cách; nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về việc sử dụng và lạm dụng kháng sinh.

Theo WHO, tình trạng kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các loại thuốc kháng vi khuẩn như thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng, là những loại thuốc được sử dụng để phòng và điều trị bệnh cho con người, động vật và thực vật khiến các bệnh nhiễm trùng trở nên khó hoặc không điều trị được. Điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, bệnh có diễn biến nặng hơn, dẫn đến tàn tật và tử vong.

Trên toàn cầu, kháng thuốc là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trực tiếp chịu trách nhiệm cho 1,27 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong đó, cứ 5 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trường hợp tử vong do kháng kháng sinh, chủ yếu tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu tình trạng kháng kháng sinh không được kiểm soát thì sẽ làm giảm tuổi thọ và chi phí y tế cao dẫn đến thiệt hại kinh tế. Đáng lưu ý, khoảng 75% kháng sinh được sử dụng cho vật nuôi không được hấp thụ vào cơ thể của chúng mà được thải ra môi trường, đất và nước. Điều này có thể gây ô nhiễm và ảnh hưởng xấu trực tiếp đến môi trường xung quanh.

Cũng theo WHO, VN là một trong những quốc gia phải chứng kiến mối đe dọa của kháng kháng sinh, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng. Kháng sinh từng chiếm hơn 50% các thuốc dùng cho người và thường được bán tại các nhà thuốc cộng đồng, trong đó còn tình trạng kháng sinh không có đơn thuốc của bác sĩ mặc dù điều này đã bị cấm.

Theo Nam Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

(GLO)- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh vừa tổ chức 2 lớp đào tạo về chăm sóc trẻ sơ sinh bệnh lý và hồi sức trẻ sơ sinh cho 40 cán bộ y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh.