Việt Nam-Lào gìn giữ và làm sâu sắc hơn quan hệ đặc biệt giữa hai nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thành quả nổi bật có ý nghĩa chiến lược là Việt Nam đã tạo điều kiện để đất nước Lào anh em có đường ra biển thông qua cảng Vũng Áng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nước bạn Lào.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

“Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng với sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương, của các doanh nghiệp, chúng ta có đầy đủ cơ sở để giữ vững niềm tin về tương lai tươi sáng của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững,” đó là chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Lào về những thành tựu nổi bật của quan hệ Việt Nam-Lào trong những thập kỷ qua, cũng như những biện pháp mà Việt Nam và Lào cần thúc đẩy để làm sâu sắc và giữ cho quan hệ này trường tồn với thời gian.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nêu rõ Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, có truyền thống gắn bó lâu đời, cùng kề vai sát cánh bên nhau vượt qua bao thăng trầm lịch sử.

Kể từ sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ giữa hai nước càng trở nên đặc biệt, gắn bó thủy chung hơn.

Quan hệ Việt Nam-Lào trở thành mối quan hệ mẫu mực, hiếm có trong quan hệ quốc tế như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài, toàn diện như vậy.”

Tiếp nối truyền thống gắn bó sắt son, sau khi cách mạng hai nước giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục kề vai sát cánh bên nhau trong quá trình bảo vệ, xây dựng Tổ quốc ở mỗi nước.

Đặc biệt, trước những khó khăn của khủng hoảng kinh tế-xã hội ở cả Việt Nam và Lào trong những năm 80 của thế kỷ 20, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, hai Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện ở cả hai nước, trước hết là đổi mới kinh tế. Kể từ đó đến nay, trên cơ sở quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, hai nước luôn đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau trên con đường đổi mới.

Quan hệ chính trị-đối ngoại ngày càng gắn bó, tin cậy với việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh.

Thông qua các chuyến thăm, Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, định hướng cho tổng thể quan hệ hai nước cũng như xử lý những tình huống, vấn đề mới nảy sinh.

Đặc biệt, ngay cả trong giai đoạn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, nhờ sự phối hợp linh hoạt và hình thức đa dạng, nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, định hướng cho quan hệ hai nước duy trì được tiến độ và bảo đảm hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tại lễ ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tại lễ ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hợp tác về lý luận giữa hai Đảng đã giúp mỗi nước trao đổi được nhiều kinh nghiệm trên con đường phát triển đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Hai bên phối hợp tốt trong việc tổ chức các ngày lễ lớn của mỗi nước và quan hệ Việt Nam-Lào.

Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh, công tác biên giới tiếp tục là trụ cột quan trọng trong tổng thế quan hệ hợp tác giữa hai nước, đã góp phần giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước và an ninh biên giới.

Hai nước cũng hợp tác hiệu quả trong việc ngăn chặn, phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy…

Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật được mở rộng và đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Nhiều dự án viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho Lào và dự án đầu tư, thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam triển khai tốt và hiệu quả cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế Lào, tạo nhiều công ăn việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giúp xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội, hỗ trợ tốt công tác xóa nghèo tại địa phương có dự án. Việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng… được đẩy mạnh.

Thành quả nổi bật có ý nghĩa chiến lược là Việt Nam đã tạo điều kiện để đất nước Lào anh em có đường ra biển thông qua cảng Vũng Áng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bạn Lào.

Tòa nhà Quốc hội mới, quà tặng chân thành mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em, một công trình được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đánh giá có bốn “điểm nhất” “hiện đại nhất, hài hòa bản sắc dân tộc nhất, vững chắc nhất, có giá trị đầu tư lớn nhất” đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong giai đoạn mới.

Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của hai Đảng, hai Chính phủ.

Thời gian qua, đã có hàng chục nghìn học sinh, sinh viên Lào học tập, nghiên cứu tại Việt Nam và hàng nghìn lưu học sinh Việt Nam học tập tại Lào.

Đây là một trong những nguồn nhân lực quan trọng không chỉ đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Song song với đó, quan hệ hợp tác giữa các Ban Đảng, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành và các tổ chức quần chúng và nhân dân hai nước ngày càng được phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều kết quả thiết thực cho hai bên.

Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước không chỉ giới hạn giữa các tỉnh có chung đường biên giới hay các tỉnh kết nghĩa mà còn được mở rộng giữa các tỉnh khác của hai nước, giúp cho hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn.

Không chỉ gia tăng hợp tác trong khuôn khổ song phương, Việt Nam và Lào ngày càng chú trọng tăng cường hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại hội đồng Tổ chức Liên Nghị viện ASEAN (AIPO), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS), Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV)...

Tại đây, hai bên đã góp phần gìn giữ hòa bình thế giới, an ninh, ổn định ở các khu vực, đặc biệt ở châu Á, Đông Nam Á, gia tăng hợp tác quốc tế…

Hai nước đã phối hợp tốt thúc đẩy triển khai các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng, thu hẹp khoảng cách phát triển và đồng hành góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết, hợp tác tốt tại các tổ chức như Ủy hội Sông Mekong Quốc tế, Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).

Cơ chế thường xuyên tham khảo lẫn nhau về các vấn đề quan tâm được củng cố, bảo đảm hiệu quả hợp tác trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, anh em đồng chí thân thiết, tin cậy.

Sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện trên các diễn đàn đa phương giữa Việt Nam và Lào đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò và vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế và khu vực.

Về những biện pháp Việt Nam và Lào cần thực hiện để tiếp tục gìn giữ, vun đắp và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng chưa từng có, khó lường, cùng với tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng các địa biểu tại Lễ tổng kết Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng các địa biểu tại Lễ tổng kết Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Để mãi mãi duy trì Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đến muôn đời sau, không một thế lực nào có thể chia rẽ quan hệ hai nước như lời Tổng Bí Thư-Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, tôi cho rằng hai nước chúng ta cần tiếp tục sát cánh bên nhau, tăng cường hiệu quả hợp tác.

Trước mắt, hai nước nên tập trung vào các ưu tiên sau:

Một là, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, thực hiện tốt các Thỏa thuận cấp cao, đặc biệt, cần tiếp tục giữ gìn và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; quán triệt và nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đến mọi tầng lớp nhân dân hai nước.

Hai là, nâng tầm hợp tác kinh tế hai nước bằng việc mở rộng, nâng cấp kết nối giao thông Đông-Tây; thiết lập cơ chế hợp tác đồng bộ, chính sách đặc biệt nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước đầu tư, kinh doanh; giải quyết vướng mắc bằng các giải pháp đột phá; phát huy các mô hình hợp tác mới (ví dụ như hợp tác Việt Nam-Lào +1) để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và tranh thủ tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, công nghệ của đối tác; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng cường hiệu quả thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.

Ba là, tập trung vào chất lượng, hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các nhu cầu về phát triển của mỗi nước, đồng thời, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân hai nước.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng khẳng định: "Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng ta luôn tự hào về những nỗ lực to lớn của nhiều thế hệ trong việc xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam-Lào không ngừng đơm hoa, kết trái, đưa mối quan hệ này trở nên hết sức mẫu mực, thủy chung, trong sáng và là hình mẫu duy nhất trên thế giới".

Có thể bạn quan tâm

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trên sóng truyền hình ngày 7-12. Ảnh: REUTERS

Đề xuất dự luật điều tra đặc biệt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol

(GLO)- Ngày 10-12, trong một cuộc họp kín của các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền, ông Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền cho biết sẽ thúc đẩy dự luật riêng kêu gọi một cuộc điều tra đặc biệt đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol liên quan đến vụ thiết quân luật.

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.